86
topics
578298

Nhìn Việt Nam qua sự kiện Liên Xô tan rã

Bảo An 28/12/2021 11:29

Ngày 25/12/1991, lá cờ đỏ búa liềm từ đỉnh tháp Kremli đã bị hạ xuống và thay vào đó là lá cờ ba sắc, đánh dấu sự sụp đổ của Liên Xô. Đây được coi là là cơn địa – chính trị chấn động thế kỷ XX. Lợi dụng sự kiện này, các đối tượng xấu ra sức xuyên tạc về chủ nghĩa cộng sản cũng như con đường mà Việt Nam đang đi.

Nhân sự kiện Liên Xô tan rã, các đối tượng chống phá tiếp tục tung ra những luận điệu sai trái, độc hại để kích động sự hoang mang, dao động trong quần chúng nhân dân. Chúng lu loa rằng, “Liên Xô sụp đổ là minh chứng cho thấy chủ nghĩa cộng sản không thể tồn tại trên thực tế”, “Việt Nam kiên định con đường đi lên CNXH là sai lầm, đi theo vết xe đổ của Liên Xô”… Từ đây, những kẻ này đòi Việt Nam phải thay đổi con đường cách mạng đã lựa chọn, từ bỏ mục tiêu chủ nghĩa xã hội, chuyển hướng sang con đường tư bản, chấp nhận đã nguyên chính trị, đa đảng đối lập.

Sau 30 năm Liên Xô sụp đổ, hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới đã có những thay đổi, biến động sâu sắc. Tại Việt Nam, việc sụp đổ hệ thống chủ nghĩa xã hội tại Liên Xô và Đông Âu cũng đặt ra nhiều thách thức. Tại thời điểm đó, đã có những sự hoài nghi, dao động, lo sợ về con đường cách mạng mà chúng ta lựa chọn liệu có đúng hay không? Thậm chí, có những người đã đưa ra ý kiến đòi thay đổi thể chế, thay đổi định hướng cách mạng. Tuy nhiên, trong 30 năm qua, chúng ta vẫn luôn kiên định con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và đạt được những kết quả không thể phủ nhận.

Kể từ sau Đổi mới, Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực. Trên lĩnh vực kinh tế, năm 2020 quy mô nền kinh tế Việt Nam đã đạt 343,6 tỷ USD, thuộc nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhóm 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới và đồng thời cũng thuộc nhóm 10 nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới. Công tác xoá đói giảm nghèo của Việt Nam được cộng đồng thế giới ghi nhận. Nếu như năm 1990, 70% là hộ nghèo thì đến năm 2020 con số này chỉ còn 3%. Hội nhập quốc tế diễn ra sâu rộng, đến nay Việt Nam đã có quan hệ kinh tế, thương mại với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, ký kết gần 100 hiệp định thương mại song phương.

Theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Viết Thông,Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận TW: “Hai tiếng “Viet Nam” từ chỗ từng gắn với “Vietnam war” (Chiến tranh ở Việt Nam) đã chuyển sang “Vietnam Renewal” (Công cuộc đổi mới ở Việt Nam) hay “Vietnam Reforms” (Công cuộc cải cách của Việt Nam). Thậm chí, “đổi mới” đã đi vào kho từ vựng quốc tế”.

Rõ ràng, với những kết quả như trên, Việt Nam không hề “đi vào vết xe đổ của Liên Xô” như những gì các đối tượng xấu tung ra. Suy cho cùng, mục đích của những kẻ này vẫn là chống phá chế độ chính trị của Việt Nam, kích động sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ Việt Nam.

Bảo An

Tags :
Đọc nhiều