Lên tiếng giúp một dòng sông

Khánh Đăng 02/04/2023 11:00

Mới đây, anh chàng Youtuber nổi tiếng Khoai Lang Thang trở thành tâm điểm chú ý trên mạng xã hội khi chia sẻ quan điểm cá nhân của mình về việc du khách Việt diện trang phục nước khác khi đi du ngoạn tại địa điểm nổi tiếng trong nước. Bên dưới dòng trạng thái, rất nhiều ý kiến, bình luận được đưa ra. Dù ý kiến nào cũng có, gió chiều nào cũng thổi, nhưng có lẽ, đa phần mọi người đều đồng tình với quan điểm mà Khoai Lang Thang đưa ra. Bởi…

Trào lưu mặc đồ dân tộc trên sông Nho Quế đang khiến bản sắc dân tộc bị đánh mất

Du lịch là một hoạt động trải nghiệm. Không ai muốn trải nghiệm của mình trở nên tệ hại, do đó, ta thường có nhu cầu ăn ngon, mặc đẹp ở các địa điểm du lịch, muốn trải nghiệm dịch vụ của mình là tốt nhất, sang trọng nhất. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc chúng ta có quyền “bức hại” nền tảng văn hóa, xã hội của vùng đất mà ta đến tham quan, thăm thú. Mỗi vùng đất đều gắn liền với lịch sử và phong tục. Trong đất có hồn người và ở mỗi người đều có một mảnh đất để nhớ về. Con sông Nho Quế trong bài viết của nam Youtuber cũng vậy. Nó là dòng sông xanh mướt nổi tiếng, là địa điểm thơ mộng, trữ tình bậc nhất của Hà Giang. Nó là nơi chứng kiến những thăng trầm của cuộc sống miền Tây Bắc và qua nó, con người nơi đây hiện lên thật sống động và cũng rất đặc thù. Nhưng, từ vài năm trở lại đây, nó đã bị “bức hại” theo nhiều cách. Tưởng chừng như việc chụp hình này là một nét đẹp du lịch vùng cao nhưng không ngờ nó lại dấy lên một vấn đề đáng lo ngại. Và câu chuyện mà anh chàng travel blogger nổi tiếng Khoai Lang Thang nhắc đến chính là việc trang phục của các du khách khi chụp hình trên sông Nho Quế. Không biết từ khi nào, trên con sông nổi tiếng đất Việt này chỉ ngập tràn bóng dáng của những bộ cổ phục, trang phục truyền thống từ… các nước khác.

Đáng ngại hơn là, không chỉ có một dòng sông Nho Quế đang bị “bức hại”, mà còn hàng chục dòng sông như thế và hàng trăm địa điểm du lịch khác, thuộc đủ loại hình, đã và đang chịu một thực tế bi đát, chán chường kiểu vậy. Và khi một sản phẩm văn hóa của một xứ xa lạ được đặt trong không gian của một vùng văn hóa khác với một chủ ý không trong sáng, đó đã có thể được hiểu là một sự chiếm đoạt văn hóa. Tuy nhiên, khác với chính sách chiếm đoạt văn hóa có tính chất chính trị hóa của các quốc gia, nhà nước, hành vi chiếm đoạt văn hóa của các cá nhân (người dân, du khách) phần nhiều xuất phát từ sự thiếu hiểu biết và thiếu tinh tế. Với người dân kinh doanh thuê trang phục, thiếu hiểu biết là quá rõ. Nhưng, bên cạnh đó, họ còn cho thấy một tâm lý tự ti về văn hóa của chính cộng đồng mình. Với du khách, sự thiếu tinh tế không chỉ thể hiện qua việc họ không lựa chọn trang phục đúng với bối cảnh, văn hóa mà mình đang ở, mà còn nằm ở tư duy du lịch – thứ quan niệm đến và đi như một lữ khách, không kịp tìm hiểu hoặc có tri thức nhất định về nơi mình sẽ đến. Mất hẳn những kết nối với vùng đất mà mình đang sống là một sự thiệt thòi rất lớn, mà nếu không kịp nhận thức và hành động, mọi chuyện sẽ có thể tồi tệ hơn. Nhưng, rốt cuộc, đó có phải là lỗi của họ không?

Chắc chắn là có. Từ nhu cầu của quá đông du khách cho đến sự chủ động bắt kịp đòi hỏi đó của người làm kinh doanh, từ sự dễ dãi của người cán bộ làm công tác văn hóa đến sự thờ ơ, lãnh cảm của không ít người, …tất cả đang góp một phần vào thực tế đáng ngại, đáng buồn kể trên. Điều ấy có ý nghĩa gì? Tức là không chỉ họ, mà cả bạn và tôi, chính chúng ta đã tạo ra chuyện này và giờ chúng ta phải chấm dứt nó.

Khánh Đăng

Đọc nhiều