419
category
389257

Lên mạng xuyên tạc, bôi nhọ người khác mà lại vô tội sao?

Bảo An 30/04/2020 08:27

Tăng cường quản lý thông tin trên các trang mạng xã hội là một vấn đề đặc biệt quan trọng để đảm bảo an ninh thông tin, góp phần giữ vững ổn định, an toàn xã hội.

Thời gian vừa qua, vấn nạn tin giả, tin độc hại lan tràn trên các phương tiện thông tin truyền thông, đặc biệt là trên mạng xã hội gây ra không ít hệ luỵ tiêu cực. Bên cạnh các đối tượng sử dụng thông tin giả để câu view, giật tít, phục vụ cho những lợi ích cá nhân thông thường, nhiều đối tượng chống đối, cơ hội chính trị trong và ngoài nước đã sử dụng mạng xã hội để tiến hành việc tấn công, hướng lái chính trị, thực hiện diễn biến hoà bình, gây ra nhiều hệ luỵ tiêu cực cho xã hội. Chính vì vậy, việc tăng cường quản lý thông tin có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Ý nghĩa của việc tăng cường quản lý thông tin, đẩy lùi các thông tin độc, hại đối với an ninh quốc gia là điều không cần tranh cãi nhiều. Như hai thái cực ngược chiều, khi cơ quan nhà nước đạt được những kết quả tích cực trong việc xử lý, ngăn chặn tin độc hại, các đối tượng “bên kia chiến tuyến” sẽ ngay lập tức hô hào chống phá, vu khống chính quyền đang ngăn chặn hoạt động tự do ngôn luận.

Hình ảnh thông tin sai trái đang được các đối tượng rêu rao

Tấn công thẳng vào địa hạt của tội phạm: phương thức tốt nhất để bảo vệ dân chủ, nhân quyền!

Theo thông tin được Việt Tân và một số đối tượng núp danh dân chủ đăng tải trên trang mạng xã hội gần đây, Tổ chức theo dõi nhân quyền – HRW (Human Rights Watch) và Tổ chức ân xá quốc tế (AI) đã cáo buộc và lên án chính quyền Việt Nam gây áp lực Facebook, hầu kiểm duyệt thông tin của những người bất đồng chính kiến. “Dựa hơi” HRW và AI, các đối tượng đẩy mạnh việc vu khống Đảng, Nhà nước vi phạm quyền con người, kêu gào sự can thiệp của các cá nhân, tổ chức quốc tế vào Việt Nam.

Trước nhất, nói về HRW và AI, đây là hai tổ chức phi chính phủ núp dưới bóng theo dõi dân chủ, nhân quyền, thường xuyên đưa ra các bản báo cáo có nội dung sai lệch về tình hình của Việt Nam. Chính vì vậy, trước thông tin Chính phủ Việt Nam tăng cường quản lý thông tin trên mạng xã hội, ngay lập tức các tổ chức này đã đưa ra những cáo buộc đối với Chính phủ Việt Nam vi phạm các quyền dân chủ, nhân quyền.

Vậy, việc tăng cường quản lý thông tin có phải là ngăn chặn tự do ngôn luận, vi phạm các quyền dân chủ hay không? Câu trả lời là không. Việc đẩy mạnh quản lý thông tin, xoá bỏ các thông tin độc, hại, sai sự thật là một trong những phương thức quan trọng để quyền con người được bảo đảm.
Nhận thức được các mối nguy hại và nguy cơ bùng nổ các hành vi phạm tội từ mạng xã hội, từ năm 2018, Quốc hội đã ban hành Luật An ninh mạng với những quy định quan trọng để bảo vệ an ninh mạng, ngăn chặn tình trạng tội phạm trên không gian mạng. Ngay sau đó, nhiều thông tư liên quan đến việc siết chặt quản lý thông tin đã được Chính phủ ban hành. Sau hơn một năm Luật An ninh mạng có hiệu lực, môi trường thông tin trên mạng của Việt Nam đã trong sạch hơn. Điều này chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy qua đợt dịch Covid-19 vừa rồi. Nhiều đối tượng lợi dụng mạng xã hội để tung tin đồn thất thiệt và tuyên truyền chống nhà nước đã bị xử lý theo quy định.

Việc Nhà nước tăng cường quản lý thông tin không phải là hoạt động ngăn chặn quyền tự do ngôn luận như các đối tượng cố tình hướng lái, vu khống. Sống trong một nhà nước pháp quyền, bản thân mỗi con người trong xã hội phải có ý thức tôn trọng pháp luật, tôn trọng những lợi ích chung của cộng đồng. Mạng xã hội là ảo nhưng những hệ luỵ mà nó kéo theo là thật. Với những ai sử dụng mạng internet nói chung và mạng xã hội nói riêng một cách đúng đắn, không vi phạm pháp luật thì sẽ không bị hạn chế bất cứ quyền gì. Thậm chí, Nhà nước còn khuyến khích, tạo điều kiện để người dân thông qua mạng xã hội để nói lên tiếng nói của bản thân, đóng góp ý kiến xây dựng nhà nước pháp quyền. Chỉ có những người cố tình sử dụng mạng xã hội vào mục đích xấu, coi đó là phương tiện chống phá nhà nước mới lo sợ khi việc kiểm duyệt thông tin chặt chẽ hơn, gắt gao hơn. Vì đơn giản, khi đó những hành vi phạm tội của các đối tượng này sẽ bị phát hiện và họ sẽ phải đối mặt với những chế tài tương xứng.

Những giá trị dân chủ, nhân quyền chân chính

Dân chủ, nhân quyền là điều mà ai cũng được hưởng. Tuy nhiên, hiện nay các đối tượng chống đối, cơ hội chính trị lại đang cố tình tuyên truyền những luận điệu sai lệch, làm sai lệch bản chất của dân chủ, nhân quyền chân chính.

Các đối tượng tuyên truyền những giá trị dân chủ, nhân quyền phương Tây, từ đó vu khống Việt Nam không có dân chủ, nhân quyền. Cần phải hiểu rõ, bản chất xã hội, hệ thống pháp luật, đặc điểm văn hoá, lịch sử của mỗi quốc gia, dân tộc là khác nhau. Vì vậy, không thể có một thứ dân chủ, nhân quyền đứng trên chủ quyền, chà đạp văn hoá, truyền thống của dân tộc. Những giá trị dân chủ, nhân quyền mà Việt Nam hướng đến là để phục vụ cho tất cả mọi người trong cộng đồng. Những thứ dân chủ ích kỷ, chỉ vì vậy ích cá nhân, không quan tâm đến lợi ích của người khác là điều Việt Nam không chấp nhận.

Quay lại với việc HRW và AI cáo buộc Việt Nam vi phạm nhân quyền, có lẽ hai tổ chức này đang không biết mình là ai và mình ở đâu? Việc các tổ chức này liên tục sử dụng vỏ bọc dân chủ, nhân quyền để công kích Việt Nam là hành động đi vi phạm pháp luật, thể hiện sự thiếu tôn trọng với Việt Nam. Vì vậy, chúng ta cần lên án, vạch trần sự gian trá của các tổ chức này để giữ vững những giá trị dân chủ chân chính.

Bảo An

(Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả)

Đọc nhiều