5
category
648802

LỆCH PHA NHIỆM KỲ

20/05/2025 11:34

Khi một quốc gia bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ, bộ máy lãnh đạo cũng cần được đồng bộ hóa đến từng nhịp chuyển giao. Tuy nhiên, hiện nay đang tồn tại một độ lệch đáng kể giữa nhiệm kỳ của Đảng và Quốc hội – nơi người cũ đã hết thực quyền, người mới lại chưa thể hành động, làm bộ máy rơi vào trạng thái “nửa vận hành – nửa chờ đợi”.

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Điểm nghẹn của cả một hệ thống bấy lâu nay được giải quyết bằng một đề xuất nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV kết thúc sớm 3 tháng!

Đồng bộ hóa thời điểm chuyển giao quyền lực

Theo thông lệ hiện nay, Đại hội Đảng toàn quốc diễn ra vào tháng 1, trong khi Quốc hội khóa mới chỉ họp phiên đầu tiên vào tháng 7. Điều này khiến Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị mới dù đã được bầu ra, lại chưa thể vận hành trọn vẹn hệ thống quyền lực, vì Quốc hội cũ và Chính phủ cũ vẫn còn tại vị.

Tình trạng “hai chính quyền trong một giai đoạn” này từng dẫn đến cảnh một số chức danh lãnh đạo Nhà nước được bầu ở Quốc hội khóa XIV vào tháng 4, rồi lại miễn nhiệm và bầu lại tại Quốc hội khóa XV chưa đầy 90 ngày sau. Một quy trình hình thức, tốn kém và làm giảm tính nghiêm trang của thiết chế quyền lực.

Vì thế, đề xuất rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV – tổ chức bầu cử sớm vào tháng 3/2026 – là để kỳ họp thứ nhất có thể khai mạc ngay trong tháng 4, chỉ ba tháng sau Đại hội Đảng. Đây là bước tinh chỉnh hệ thống nhằm đảm bảo bộ máy mới được thiết lập đồng bộ, không còn “khoảng lặng quyền lực”.

Giải quyết tình trạng “chờ đợi và trì trệ” trong hệ thống

Khoảng trống ấy không chỉ là sự lệch pha giữa hai nhiệm kỳ, mà còn đang xuất hiện một thực tế cấp bách: nơi cán bộ cũ không còn động lực quyết định, trong khi người mới chưa đủ tư cách pháp lý để hành động.

Ví dụ điển hình là một bộ trưởng không còn trong Trung ương khóa mới nhưng vẫn phải tại vị đến kỳ họp Quốc hội giữa năm. Trong khi đó, người kế nhiệm dù đã được quy hoạch, vẫn phải “ngồi chờ” vì chưa đủ điều kiện pháp lý để bổ nhiệm. Bộ máy phía dưới vì thế cũng rơi vào trạng thái mơ hồ – ai là người quyết định? ai là người chịu trách nhiệm?

Tình trạng lệch pha tương tự cũng diễn ra ở cấp tỉnh, khi đại hội đảng bộ và kỳ họp HĐND không trùng khớp. Có nơi tồn tại hai “chủ tịch” trong một giai đoạn – một người không còn trong ban chấp hành tỉnh ủy nhưng vẫn tại vị hành chính; một người được giới thiệu thay thế nhưng chưa thể nhậm chức.

Nếu nhiệm kỳ HĐND các cấp cũng được rút ngắn tương ứng, quá trình chuyển giao sẽ gọn ghẽ hơn, tránh lặp lại những tình huống “hai người – một ghế”, “một hệ thống – hai nhịp”.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Chính vì vậy, đề xuất rút ngắn nhiệm kỳ vì thế không chỉ nhằm tăng tốc thủ tục, mà để khôi phục lại mạch vận hành liền mạch, từ trung ương đến địa phương, từ quyết sách đến hành động. Với một thông điệp chính trị rõ ràng: không chỉ thay đổi con người, mà còn thay đổi cách hệ thống được tổ chức và vận hành.

Khi thế giới chuyển động nhanh hơn, khi thách thức kinh tế – xã hội đòi hỏi phản ứng kịp thời hơn, thì việc cải tiến từ cấu trúc thể chế đến lịch trình quyền lực là điều tất yếu. Đó cũng là bước tiếp nối tinh thần cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy mà Đảng, Bộ Chính trị đã khởi xướng suốt những năm qua.

Lãnh đạo thống nhất – quản lý đồng bộ – thực thi không gián đoạn: đó không chỉ là khẩu hiệu, mà là một nguyên tắc điều hành hiện đại. Và việc đồng bộ thời điểm bầu cử Quốc hội với Đại hội Đảng chính là một bước rất thực tế để hiện thực hóa nguyên tắc ấy – từ cơ chế đến hành động.

Thu An

Đọc nhiều