Lấy đất công viên, lấp sông phân lô bán nền
Đất quy hoạch làm công viên, đất hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch đang bị người dân và cả doanh nghiệp vô tư xẻ thịt để biến làm của riêng mình. Tình trạng này diễn ra khắp nơi trước sự bất lực của chính quyền địa phương.
Đất sông thành đất “ông”
Dọc bờ sông Sài Gòn, đoạn đi qua địa bàn P.Thảo Điền, Q.2, được xem là khu vực nhà đất có giá đắt đỏ nhất TP.HCM với những căn biệt thự, cao ốc, nhà hàng sang trọng mọc san sát nhau. Điều đáng nói gần như toàn bộ diện tích đất hành lang bảo vệ sông Sài Gòn dọc đường Nguyễn Văn Hưởng đã thành sở hữu của các cá nhân, không còn đất công cộng phục vụ cộng đồng. Người dân muốn tiếp cận bờ sông hóng mát cũng không còn khoảng trống để đứng. Những hẻm nhỏ để người dân tiếp cận ra sông cũng đã bị chủ các biệt thự ở đây làm cổng kiên cố, có bảo vệ túc trực 24/24.
Theo ghi nhận của PV, sát mép bờ sông Sài Gòn đoạn ở Thảo Điền, gần như tất cả đất mặt tiền sông đã có chủ. Tại những vị trí này, các chủ đất xây dựng hàng rào kiên cố và khép kín, để bảo vệ và phục vụ nhu cầu sử dụng riêng. Như tại hẻm 189D Nguyễn Văn Hưởng, các chủ đất đã lập chốt barie, có bảo vệ ngồi túc trực, không cho người lạ vào. Mới đây, UBND Q.2 đã ra quyết định cưỡng chế hàng loạt hồ bơi xây trên đất hành lang bảo vệ sông Sài Gòn tại dự án biệt thự ven sông Holm Residences (hay còn gọi là Thảo Điền Sapphire).
Không chỉ mặt tiền sông, mặt tiền rạch cũng bị lấn chiếm. Từ một bãi đậu xe nhỏ khoảng 2 – 3 chiếc ngay trước Bến xe Miền Đông, số 397 đường Đinh Bộ Lĩnh (P.26, Q.Bình Thạnh (đoạn gần cầu Bình Triệu 2), chủ bãi xe đã lấp rạch Thủ Tắc để hiện nay lên đến hàng ngàn mét vuông làm bến xe với sức chứa hàng trăm xe. Theo các hộ dân tại đây, ban đầu chủ bãi đổ xà bần lấn rạch để làm chỗ đậu xe cho gia đình, với quy mô 2 – 3 chiếc. Tiếp theo đó, cứ đêm đến, chủ bãi xe chở đất đá đổ lấn thêm ra và nay đã tăng lên hàng chục chiếc xe tải, xe khách loại lớn. Không dừng lại ở đó, hiện nay chủ bãi xe này vẫn tiếp tục đổ đất lấn dần rạch ngay trước mắt cơ quan chức năng.
Lấy đất công viên, đất sông phân lô
Các hộ dân sinh sống tại chung cư Bắc Đinh Bộ Lĩnh (P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) hàng chục năm qua sống chung với bức xúc vì chủ đầu tư là Công ty phát triển nhà Bình Thạnh đã ngang nhiên lấy đất công viên, lấp sông để phân lô bán nền. Theo bà Vương Thị Thanh Dung, cư dân chung cư Bắc Đinh Bộ Lĩnh, năm 1994 TP.HCM quy hoạch khu này gồm 10 block chung cư và 1 công viên vườn hoa. Tuy nhiên đến khoảng năm 2004 -2005 khu vực được quy hoạch công viên, vườn hoa đã bị Công ty phát triển nhà Bình Thạnh phân ra hàng chục lô đất, diện tích lô nhỏ nhất 85 m2, bán mỗi lô tại thời điểm đó với giá 80 cây vàng 24K. “Khi tôi mua nhà tại đây, chủ đầu tư nói có công viên vườn hoa. Nhưng khi dọn về sống, công viên vườn hoa đã bị chủ đầu tư “xẻ thịt” phân lô bán nền và chia nhau”, bà Dung bức xúc.
Không những vậy, 6 hộ dân bị giải tỏa để lấy đất làm công viên của dự án khu nhà ở Bắc Đinh Bộ Lĩnh đang khiếu nại và tố cáo khắp nơi về việc Công ty phát triển nhà Bình Thạnh và chính quyền địa phương thuê Công ty vệ sĩ Đông Á Hậu Giang đến cưỡng chế tháo dỡ nhà của họ vào năm 2005 mà không bồi thường suốt mười mấy năm qua, đẩy họ vào thế phải dựng 6 căn chòi tạm để ở. Bà Trần Thị Tố Nga, một trong 6 hộ dân bị cưỡng chế nhà, bức xúc chính quyền và Công ty phát triển nhà Bình Thạnh lấy lý do chỉnh trang kênh rạch để giải tỏa nhà của dân nhưng sau đó chính công ty này lại lấy đất đó để phân lô, bán nền. Hiện nay toàn bộ những lô nền và con đường phục vụ cho việc đi lại của những căn nhà phố, biệt thự trong dự án là đất nằm hoàn toàn trên sông.
Điều này được bà Nguyễn Thị Lan, tổ trưởng tổ 31, khu chung cư Bắc Đinh Bộ Lĩnh, P.26, xác nhận. Không những vậy, từ khi chủ đầu tư lấp sông làm dự án đã bít toàn bộ cống thoát nước duy nhất của cả khu vực khiến khu vực này mỗi khi mưa là ngập. Người dân ở đây đã khiếu nại nhiều nơi nhưng không ai giải quyết.
Khu Văn Thánh (Q.Bình Thạnh) được quy hoạch là công viên công cộng cấp đô thị với diện tích khoảng 10 ha, nhưng hiện nay phần đất thuộc công viên này khoảng 6,4 ha đang được biến thành của riêng là khu du lịch Văn Thánh với các dịch vụ nhà hàng, hồ bơi, sân tennis, nhà hàng tiệc cưới… để kinh doanh thu lợi nhuận. Những người dân sống ở đây cho biết, họ bị hạn chế vào vui chơi. “Nếu vào ăn uống, sử dụng các dịch vụ thì không sao chứ vào để tập thể dục thì sẽ bị hạn chế, vô cùng khó khăn bởi bảo vệ không cho chạy bộ, không cho đạp xe, chỉ cho đi bộ. Thậm chí, một khu chung cư sát bên là Mỹ Đức đã bị đơn vị quản lý khu du lịch rào đường lại không cho người dân vào vui chơi”, ông An Văn Quang, một người dân sống ở gần đó, bức xúc.
Cần xử lý hình sự
Việc lấn chiếm đất hành lang bảo vệ sông rạch đã gây nên rất nhiều hệ lụy không chỉ cho người dân mà cho cả nền kinh tế. Cách đây không lâu, Tập đoàn Tuần Châu đã đề xuất làm tuyến đại lộ ven sông Sài Gòn nối từ khu vực Q.1 đến H.Củ Chi. Tập đoàn Tuần Châu khi đó đã bỏ ra khá nhiều tiền để thuê đơn vị tư vấn, thiết kế và đã trình UBND TP.HCM cũng như T.Ư phê duyệt. Nhiều chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách cũng ủng hộ đề án này bởi nó không chỉ là tuyến đường “chia lửa” cho QL22 đã quá tải mà còn giúp vực dậy cả một vùng đất rộng lớn ở khu vực Hóc Môn, Củ Chi, Q.12, giúp TP.HCM giãn dân về vùng đất cao ở phía tây nhằm đối phố với tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Tuy nhiên, đến nay TP.HCM đã khẳng định không khả thi, bác đề án bởi quá nhiều diện tích đất dọc bờ, ven sông đã thành nhà cửa khiến việc giải phóng mặt bằng gặp khó khăn.
“Đất hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch, đất công viên chủ yếu là cây xanh, đường giao thông và các công trình hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo cảnh quan, môi trường trong lành phục vụ người dân. Đồng thời sông rạch còn mang nhiều ý nghĩa liên quan đến vấn đề thoát nước và cấp nước. Nên, việc một số người, tổ chức lấn chiếm, xây dựng rào chắn để ngăn cản sự tiếp cận của nhân dân với cảnh quan dòng sông là điều chính quyền TP cần phải làm rõ. Muốn khắc phục tình trạng này, chính quyền phải xác định rõ đó là đất công, ai chiếm thì xem như chiếm dụng đất công, của công cần phải xử lý nghiêm bằng hình sự”, ông Võ Kim Cương, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển TP.HCM, khuyến nghị.
(Theo Thanh Niên)