Lầu Năm Góc tăng cường sức mạnh ở châu Á, cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc
Các hoạt động hàng hải và quân sự với tần suất ngày càng tăng của Mỹ ở châu Á được cho là nỗ lực cạnh tranh chiến lược, chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực.
Hoạt động hàng hải, thử tên lửa và tập trận đổ bộ là minh chứng cho thấy Lầu Năm Góc đang tăng cường nỗ lực chống lại sức mạnh quân sự ngày một gia tăng của Trung Quốc. Đây được coi là mối đe dọa đối với Washington, theo AFP.
Hôm 13/9, một tàu chiến Mỹ đã áp sát quần đảo Hoàng Sa để khẳng định “tự do hàng hải” quốc tế trong khu vực.
Thách thức yêu sách của Trung Quốc
Tàu khu trục USS Wayne E. Meyer đã thách thức các yêu sách chủ quyền, trong đó có các yêu sách phi pháp của Bắc Kinh quanh quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
“Trung Quốc cố gắng tuyên bố thêm nhiều vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hơn là những gì họ có theo luật pháp quốc tế”, Chỉ huy Reann Mommsen, người phát ngôn Hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ, nói với Reuters.
Động thái hôm 13/9 là lần thứ 6 Mỹ thực hiện “hoạt động tự do hàng hải” trong năm nay, tần suất được cho ngày càng tăng. Trong năm 2017 và 2018, có tổng cộng 8 lần Mỹ triển khai hoạt động tương tự và dưới thời chính quyền tổng thống Obama có 6 lần.
Thủy quân Lục chiến Mỹ hôm 11/9 tuyên bố đã tiến hành tập trận trên đảo Tori Shima của Nhật Bản để thực hành kịch bản đổ bộ lên bờ biển của đối thủ và chiếm giữ khu vực đổ bộ.
Rõ ràng, các cuộc tập trận được thiết kế để Mỹ phô diễn khả năng xâm nhập đảo tranh chấp và lập căn cứ tiếp tế cho hoạt động trên không.
“Hình thức đột kích này mang lại cho các chỉ huy ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương khả năng trù liệu sức mạnh và thực hiện những hoạt động viễn chinh trong khu vực duyên hải có khả năng gây tranh cãi”, Chỉ huy Anthony Cesaro, một trong những sĩ quan phụ trách cuộc tập trận, cho biết trong một tuyên bố.
Tuyên bố từ quan chức Lầu Năm Góc nói trên cho thấy Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đang thúc đẩy việc thực hiện chính sách “cạnh tranh chiến lược” với Trung Quốc và Nga.
Ông Esper từng tuyên bố rõ ràng rằng Mỹ muốn nhanh chóng triển khai hệ thống tên lửa mới ở châu Á để chống lại sức mạnh quân sự đang gia tăng của Trung Quốc. Châu Á cũng là điểm đến cho chuyến công du đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper sau khi nhậm chức.
Thay đổi cấu trúc ở Đông Nam Á
Nói trước Thượng viện Mỹ hôm 12/9, quyền Bộ trưởng Lục quân Mỹ Ryan McCarthy cho rằng loại tên lửa tầm trung mới mà Washington muốn phát triển sẽ “thay đổi cấu trúc ở Đông Nam Á”.
“Nếu chúng ta có được mối quan hệ đối tác phù hợp và quyền lập căn cứ viễn chinh với các đối tác trong khu vực, chúng ta có thể thay đổi cấu trúc và về cơ bản đảo ngược khả năng chống tiếp cận, chống xâm nhập của các đối thủ cạnh tranh ngang hàng”, ông McCarthy nói, đề cập đến việc đẩy lùi yêu sách chủ quyền của Trung Quốc và Nga.
Từ tháng 8, Lầu Năm Góc đã chọn Thái Bình Dương là địa điểm cho vụ thử tên lửa tầm trung đầu tiên kể từ Chiến tranh Lạnh. Mỹ hiện không còn bị ràng buộc bởi Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), trong đó cấm việc sử dụng tên lửa mặt đất với tầm bắn từ 500-5.500 km.
Vào cuối tháng 8, Washington chính thức thành lập Bộ chỉ huy không gian, hay Spacecom, cơ quan chỉ huy mới có nhiệm vụ đảm bảo sự thống trị của Mỹ trong không gian.
Trung Quốc đang ngày càng đẩy mạnh triển khai hoạt động ngoài vũ trụ. Năm 2007, Bắc Kinh khiến các quan chức quân đội Mỹ náo loạn khi phóng một tên lửa nhắm vào và phá hủy một vệ tinh của Trung Quốc. Đây được cho là màn phô diễn khả năng quân sự hóa không gian ngày càng tăng của Bắc Kinh.
Triển khai tên lửa NSM ở Biển Đông
Trong khi đó, việc Hải quân Mỹ triển khai chiến hạm LCS 10 mang theo tên lửa chống hạm tàng hình mới đến Thái Bình Dương là thông điệp mạnh mẽ đến Trung Quốc và các nước đối tác ở châu Á – Thái Bình Dương.
USS Gabrielle Giffords (LCS 10), tàu chiến tuần duyên với thiết kế kiểu trimaran tốc độ cao, tàng hình đã rời quân cảng San Diego vào đầu tháng 9. Nó mang theo tên lửa tấn công hải quân (NSM) mới của Hải quân Mỹ và trực thăng không người lái hỗ trợ nhắm mục tiêu.
Tên lửa tấn công hải quân mới là loại tên lửa hành trình chống hạm có khả năng tàng hình và rất khó phát hiện trên radar. Ngoài ra, nó có thể cơ động để tránh hệ thống phòng thủ của đối phương, theo Raytheon, nhà thầu chính của tên lửa NSM.
Tên lửa NSM được kết nối với trực thăng không người lái MQ-8B Fire Scout để trinh sát và tìm kiếm mục tiêu. Vũ khí mới sẽ làm tăng khả năng sát thương của Hải quân Mỹ, theo John Fage, phát ngôn viên Hạm đội 3, Hải quân Mỹ, người xác nhận việc triển khai LCS 10 đến Thái Bình Dương.
Carl Schuster, nhà phân tích quốc phòng, nói: “Trực thăng không người lái Fire Scout mang đến cho tàu chiến đôi mắt nhìn về phía chân trời. Khả năng nhắm mục tiêu rất quan trọng, bạn chỉ có thể tiêu diệt mục tiêu khi bạn nhìn thấy nó”.
Việc triển khai NSM và MQ-8B lên tàu chiến LCS sẽ giảm gánh nặng cho các tàu khu trục và tuần dương hạm, được thiết kế cho chiến đấu mặt nước trên đại dương mở và đang trở nên quá tải do nhu cầu tăng cao.
Timothy Heath, nhà phân tích quốc phòng thuộc Tập đoàn RAND (tổ chức tư vấn quốc phòng cho Lầu Năm Góc) nói: “Tôi hy vọng sẽ có nhiều LCS hơn hoạt động ở Biển Đông, giải phóng các tàu khu trục và tuần dương hạm khỏi nhiệm vụ tuần tra tự do hàng hải, để ưu tiên cho các nhiệm vụ cần hệ thống cảm biến và vũ khí cao cấp trên tàu”.
Hương Ly/ Zing News