Lật tẩy thủ đoạn “thao túng tâm lý” ăn theo thông tin phòng chống tham nhũng!

Thành An 23/04/2024 15:03

“Thao túng tâm lý” là một thủ đoạn tinh vi và xảo quyệt của các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị, nhằm tác động tiêu cực đến dư luận. Để đối phó với những thủ đoạn này, việc nhận biết và phòng tránh chúng đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố tư tưởng và tâm lý của cán bộ, đảng viên cũng như nhân dân, từ đó đóng góp vào việc thất bại kế hoạch chống phá của các thế lực đối lập và phản động hiện nay.

Nhận diện các thủ đoạn tinh vi

Nhằm “gieo mầm” hạt giống tiêu cực vào tâm lý xã hội, đảo lộn đời sống tâm lý, tinh thần của nhân dân, các đối tượng cơ hội chính trị ranh mãnh đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, đúng lúc, đúng thời điểm, len lỏi vào từng người, từng nhóm xã hội nhằm “lung lạc” nhận thức, “gặm nhấm” tình cảm, điều khiển ý chí và hành động, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. “Thao túng tâm lý” là một thủ đoạn điển hình như vậy.

Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an trong thời gian qua đã trở thành mục tiêu bị xuyên tạc, tấn công bởi các thủ đoạn hết sức tinh vi của các thế lực thù địch.

“Thao túng tâm lý” là cách thức ảnh hưởng tới tâm lý của người khác để chi phối, kiểm soát nhận thức, cảm xúc và hành vi theo một mục đích nhất định. Bằng cách lợi dụng các đặc điểm và quy luật tâm lý, cách thức này có thể điều chỉnh tâm trạng của con người theo hướng mà họ mong muốn. Cơ chế này thường thực hiện thông qua nhiều kênh tác động, nhưng phương tiện thông tin đại chúng là kênh phổ biến nhất. Bằng cách điều chỉnh số lượng, nội dung và cách truyền đạt thông tin, các đối tượng có thể kiểm soát và điều khiển suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của một số người.

Ở Việt Nam, có khoảng 77 triệu người sử dụng mạng xã hội, chiếm 78,1% dân số, đến từ mọi lứa tuổi, trong đó người dùng Facebook chiếm 70,4 triệu người. Các thế lực thù địch và phản động sử dụng cơ chế “thao túng tâm lý” và các đặc điểm của mạng xã hội để kiểm soát tâm trí của con người. Có thể nhìn thấy một số hình thức phổ biến của thủ đoạn “thao túng tâm lý” mà các đối tượng đã và đang thực hiện.

Việc truyền thông tin sai lệch, xuyên tạc và bịa đặt thông qua các trang web, blog và các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, YouTube, TikTok… tạo ra những thông điệp gây rối loạn và xuyên tạc về các “phe phái” trong Đảng, đặc biệt là sử dụng chiến dịch chống tham nhũng để gây nguy hại cho uy tín của các cán bộ và phá vỡ sự đoàn kết trong Đảng. Các đối tượng thường xây dựng những câu chuyện mang tính “thâm cung bí sử”, phóng đại các sai lầm hoặc thiếu sót của một số cán bộ và đảng viên để gây kích động và tạo ra sự phản đối trong dư luận, từ đó thúc đẩy hành vi gây rối trật tự và an ninh.

Việc lan truyền tin đồn, kích động và chia rẽ là một hình thức phổ biến khác. Bằng cách lợi dụng các sự kiện nhạy cảm liên quan đến việc chống tham nhũng và công tác nhân sự, các đối tượng cơ hội chính trị đã tạo ra những tin đồn không có cơ sở trên mạng xã hội để gây rối và gây hiểu lầm trong dư luận, khiến người dân mất niềm tin vào chính quyền. Những tin đồn này thường tác động mạnh mẽ vào cảm xúc và kích động nhóm người thiếu kiến thức hoặc chưa hiểu đúng để tạo nên sức mạnh phản đối.

Hiện nay, các đối tượng cơ hội chính trị đã chuyển hướng chống phá với thủ đoạn tinh vi hơn rất nhiều. Chúng không còn sử dụng các thủ thuật kêu gọi “đa nguyên đa đảng” hoặc tung các luận điệu xuyên tạc như trước. Thay vào đó, chúng “tận dụng” triệt để các thông tin liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực, việc xử lý các cán bộ vi phạm của Đảng để từ đó tung vào các luận điệu mang tính “đấu đá”, “phe phái”, “tranh giành ghế”… từ đó làm sai lệch quan điểm của dư luận về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng do Đảng phát động.

Đi đầu trong cách thức này là các đối tượng cơ hội chính trị như Thanh Hieu Bui (Người Buôn Gió), Lê Nguyễn Hương Trà (Cô gái Đồ Long), Lê Trung Khoa… cùng dàn phụ họa là các đối tượng như Hoàng Dũng, Nguyễn Văn Đài, trang mạng phản động Việt Tân. Chúng sử dụng các thông tin về công tác điều tra sai phạm của các tập đoàn kinh tế, các vụ án phòng chống tham nhũng trên truyền thông chính thống, từ đó bơm thổi thêm các thông tin mang tính suy diễn, đồn đoán để từ đó kích thích sự tò mò của dư luận.

Chúng triệt để sử dụng việc liên kết các thông tin không hề có liên quan, như việc sử dụng thông tin về quê quán của các cán bộ, lãnh đạo Đảng để từ đó thêu dệt nên các “phe phái” mang tính vùng miền. Hoặc sử dụng các thông tin liên quan đến nơi công tác, lĩnh vực công tác từ đó vẽ ra các “nhóm quyền lực” với nhau.

Nguy hiểm hơn, để thu phục được lòng tin của dư luận, các đối tượng cơ hội chính trị sử dụng chiêu bài “tin mật” về việc điều tra, bắt giam hoặc xử lý cán bộ để đưa lên thông tin sớm, từ đó khi các thông tin này được chính thức công bố sẽ tạo mức độ “uy tín” của đối tượng đăng tải.

Thật ra việc đưa tin sớm này không đồng nghĩa các đối tượng cơ hội chính trị tiếp cận được nguồn “tin mật” nào cả. Đơn cử như vụ việc khởi tố, bắt giam Chủ tịch Tập đoàn Thuận An Nguyễn Duy Hưng, việc ông Nguyễn Duy Hưng được “mời làm việc” với cơ quan điều tra đã được giới thạo tin râm ran từ trước. Việc một chủ tịch tập đoàn xây dựng với hàng chục dự án thầu hàng nghìn tỷ đồng trải khắp cả nước bỗng dưng hủy các lịch trình làm việc, không thể liên lạc nhưng không hề mất tích hoặc có lý do gì về bệnh lý thì việc suy đoán có liên quan đến pháp luật là điều dễ hiểu.

Thế nhưng qua bàn tay nhào nặn của các đối tượng cơ hội chính trị, thông tin này trở nên “hấp dẫn” hơn rất nhiều với hàng loạt chi tiết dạng “thêm mắm dặm muối”, với kiểu tán phát thông tin dạng nhỏ giọt để từ đó dẫn dắt dư luận rằng chúng có “tin mật”, từ đó răm rắp tin theo bất cứ thông tin nào chúng đưa ra. Và đó là chiêu bài các đối tượng dùng để dẫn dụ, mê hoặc và thao túng tâm lý một bộ phận dư luận hiện nay.

Tác động tiêu cực, hệ lụy khôn lường

Những thông tin luận điệu lan truyền trên mạng xã hội, dù người tiếp cận có bị thao túng hay chỉ xem đó là dạng “nguồn tin tham khảo” đi chăng nữa thì cũng đều vướng vào những tác động rất thâm sâu từ đối tượng tung tin.

Một là, tác động đến nhận thức, quan điểm, lập trường chính trị. Do triệt để lợi dụng tính tò mò, tâm lý “thích giật gân” và các quy luật thuần tâm lý như: Cảm nhiễm, a dua, ám thị, bắt chước… thủ đoạn “thao túng tâm lý” dễ tác động đến nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Trước những thông tin xuyên tạc, bịa đặt đến dồn dập, những phân tích, bình luận xuất hiện như “nấm mọc sau mưa” dễ đưa người khác vào trạng thái hỗn loạn thông tin. Trạng thái đó khiến nhận thức của con người có thể đi từ phân vân đến hoài nghi, mơ hồ, từ đó dễ làm xói mòn quan điểm, lập trường chính trị.

Hai là, tác động đến cảm xúc, thái độ và niềm tin. Thông tin xuyên tạc, bịa đặt thường liên quan trực tiếp đến nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng của người dân và lợi dụng tác động của dư luận xã hội nên thủ đoạn “thao túng tâm lý” dễ tác động đến cảm xúc, thái độ, niềm tin của quần chúng nhân dân. Dưới tác động của thủ đoạn “thao túng tâm lý”, thái độ của con người có thể chuyển biến từ hoài nghi, hoang mang, dao động đến bất bình, phẫn nộ, phản đối, thậm chí là chống đối, bất hợp tác, mất niềm tin.

Ba là, tác động đến hành vi, hành động. Khi đã kiểm soát được nhận thức, cảm xúc, thái độ, thủ đoạn “thao túng tâm lý” còn trực tiếp kích thích, thúc đẩy những hành vi, hành động tiêu cực của con người. Các thế lực thù địch, phản động thường xuyên tổ chức đăng tải, tán phát các thông tin, tài liệu, hình ảnh, video phỏng vấn theo hướng kích động những nhân sĩ, trí thức trong nước có tư tưởng bất mãn chính trị.

Mục tiêu của thủ đoạn “thao túng tâm lý” dù xem xét dưới góc độ nào: Tâm lý hay chính trị, trước mắt hay lâu dài, ngấm ngầm hay công khai đều mang tính chất phản nhân văn, đi ngược lại những giá trị tốt đẹp của con người. Thực chất đó là một trong những thủ đoạn của cuộc chiến tranh tâm lý, cuộc chiến chống lại con người. Mà ở đây, mục tiêu của chúng chính là chống lại công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng đã phát động nhằm chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng trong thời gian qua. Việc thao túng tâm lý dư luận hòng làm lung lay, hiểu sai giá trị nhân văn trong công tác xây dựng Đảng sẽ gây ra những tác hại khôn lường mà cần thiết phải sớm cảnh giác, nhận thức, đấu tranh và chống lại các thủ đoạn thâm độc đó.

Thành An

Đọc nhiều