8
category
332632

Lắp thang máy lên đỉnh núi: Lo phá vỡ cảnh quan

20/11/2019 06:36

Chuyên gia khẳng định về mặt kỹ thuật, công nghệ hoàn toàn có thể thực hiện việc này nhưng lo ngại công trình phá vỡ cảnh quan.

Thời gian qua nhiều tờ báo đưa tin, một doanh nghiệp đang đề xuất với UBND tỉnh Quảng Ninh xây dựng công trình lá cờ đỏ sao vàng đặt trên đỉnh núi Bài Thơ, tại TP Hạ Long và hệ thống thang máy đưa du khách lên đỉnh núi, ngắm toàn cảnh vịnh Hạ Long.

Theo thiết kế, hệ thống thang máy được xây dựng ở khu vực Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thuỷ sản Quảng Ninh (cạnh chợ Hạ Long I). Từ đây, thang máy sẽ đưa du khách lên đỉnh núi, nơi có lá cờ Tổ quốc cao 60m, làm bằng kim loại. Trên đỉnh của công trình là hệ thống ban công rộng hơn 1.000m2 và tại đây du khách có thể ngắm vịnh Hạ Long bằng ống nhòm.

Không rõ ý tưởng này có được UBND tỉnh Quảng Ninh “gật đầu” hay không, tính khả thi của dự án ra sao nhưng nhiều người cho rằng đây là đề xuất khá táo bạo.

Trước đề xuất lắp thang máy lên đỉnh núi Bài Thơ nói trên, dự án Thang máy ngắm cảnh, tham quan di tích Đồn Cao ở thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn (Hà Giang) cũng đã được UBND tỉnh Hà Giang chấp thuận đầu tư.

Dự án siêu thang máy cao 102 tầng được giới thiệu có khối đế và trục thang máy kết hợp tạo nên dáng dấp cây đàn Tính của người dân tộc Tày, diện tích lòng thang rộng 15m2.

Trao đổi với Đất Việt, một số chuyên gia địa chất đều khẳng định, xét về mặt kỹ thuật, với công nghệ mới hiện nay, các nhà đầu tư hoàn toàn có thể lắp được thang máy lên núi.

Theo PGS.TSKH Vũ Cao Minh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Địa chất (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), về mặt ổn định của núi, các nhà đầu tư khi thực hiện dự án đều phải có khảo sát, lựa chọn vị trí và có thể làm được.

Chẳng hạn, núi Bài Thơ là ngọn núi đá vôi nằm trong lòng TP Hạ Long có địa chất khá phức tạp, nhưng nhà đầu tư vẫn có nhiều cách khắc phục với kỹ thuật, công nghệ hiện nay, đặc biệt các biện pháp gia cường phong phú.

Lap thang may len dinh nui: Lo pha vo canh quan
Núi Bài Thơ nổi tiếng của Hạ Long nằm sát khu đô thị hiện đại của thành phố. Ảnh: Tuổi trẻ

Khẳng định kỹ thuật có thể làm được, PGS.TSKH Vũ Cao Minh dẫn thêm công trình cầu kính trên đèo Hoàng Liên Sơn vừa được khai trương ở huyện Tam Đường, Lai Châu làm ví dụ.

Công trình được gắn chặt vào vách núi đá sa thạch của dãy Hoàng Liên Sơn, nằm ở độ cao hơn 2.000m so với mực nước biển và được xây vươn ra cách vách núi 60m cùng các hành lang kính để du khách đứng tham quan.

“Như vậy, về kỹ thuật thì không cần lo, nhà đầu tư đôi khi rất mạnh bạo, còn về cảnh quan và các vấn đề khác thì phải cân nhắc”, nguyên Phó Viện trưởng Viện Địa chất nói.

Cùng chia sẻ, PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, với công nghệ mới hiện nay, việc xây dựng thang máy hay cáp treo lên núi hoàn toàn không đáng ngại. Tuy nhiên, về mặt giá trị di sản và cảnh quan, ông khẳng định không được phép làm như vậy.

“Những công trình này chỉ hấp dẫn khách du lịch, tạo điều kiện cho địa phương tăng thu nhập từ du lịch, nhưng về lâu dài, nó phá vỡ di sản, phá vỡ cảnh quan. Chính vì thế, phải có ý kiến của Bộ VH-TT-DL, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia”, PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển chỉ rõ.

Vị chuyên gia ngành địa chất bày tỏ sự đau xót khi trong Công viên Cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO ghi danh trong danh mục Công viên địa chất toàn cầu năm 2010 lại tồn tại những công trình phá cảnh quan, di sản như dự án khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú hay dự án thang máy ngắm cảnh, tham quan di tích Đồn Cao.

“Những công trình đó không phải làm trong một sớm một chiều và tôi không hiểu vì sao chính quyền địa phương cho phép làm những công trình như vậy.

Bản thân lãnh đạo địa phương đã không quán triệt tinh thần phải bảo tồn, bảo vệ di sản, mà di sản đó không có khả năng tái tạo. Liệu danh hiệu được UNESCO vinh danh có còn khi di sản bị xâm hại quá nghiêm trọng?”, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản trăn trở.

Tương tự, đối với núi Bài Thơ ở Hạ Long, Quảng Ninh, đó là danh thắng, đồng thời là di tích lịch sử, nằm cạnh di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Bây giờ giờ đưa một khối thép hay khối bê tông lên đó, PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển thấy “rất kệch cỡm”.

Ông cũng nhắc lại bài học Nhà máy Xi măng Cẩm Phả. Ngày xưa, trước khi dự án được xây dựng, ông và nhiều nhà khoa học khác được hỏi ý kiến và dù ông phản đối thì dự án vẫn được xây dựng nên. Khi ấy, chủ đầu tư khẳng định không có vấn đề gì về môi trường nhưng thực tế đã chứng minh ngược lại.

Bởi vậy, trở lại với các dự án du lịch, lắp thang máy lên núi, vị chuyên gia một lần nữa khẳng định, về mặt địa chất, công nghệ, nhà đầu tư hoàn toàn có giải pháp xử lý để làm được, nhưng về mặt cảnh qua, bảo tồn di tích, di sản thì không thể chấp nhận.

Thành Luân/Đất Việt

Đọc nhiều