4
category
397323

Lắp điện mặt trời áp mái đang rất sôi động

30/05/2020 17:10

Việc huy động nguồn điện năng lượng tái tạo được kỳ vọng sẽ sôi động hơn khi quyết định 13 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời vừa được Chính phủ ban hành và có hiệu lực ngày 22-5. 

Điều này sẽ càng có ý nghĩa với người dân khi khả năng thiếu điện trong thời gian tới đang hiển hiện. Ngoài việc tạo ra nguồn điện sử dụng, người dân còn có thể bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Vừa có điện dùng vừa có tiền 

Là một trong những hộ dân lắp hệ thống điện mặt trời áp mái, gia đình ông Nguyễn Đắc Thọ (đường Lê Văn Sỹ, Q.3, TP.HCM) giờ đây không phải trả tiền điện mà mỗi tháng còn nhận đều đặn hơn 2 triệu đồng tiền bán điện cho công ty điện lực.

Ông Thọ lắp hệ thống điện mặt trời trên mái nhà với tổng công suất lắp đặt là 13 kW, sản lượng điện phát lên lưới từ 1.000 – 1.100 kWh điện. Với giá bán điện ưu đãi 9,35 cent/kWh, mỗi tháng ông Thọ được ngành điện chuyển khoản tiền mua điện 2,1 – 2,2 triệu đồng.

Điện mặt trời áp mái rất sôi động - Ảnh 1.
Điện mặt trời của nhà một hộ dân ở TP.HCM – Ảnh: L.P.

Trừ tiền điện gia đình ông sử dụng khoảng 1,5 triệu đồng/tháng, tính ra mỗi tháng gia đình ông Thọ dư ra khoảng 500.000 – 700.000 đồng từ tiền bán điện.

Theo đánh giá của EVN, tình hình đầu tư lắp đặt hệ thống điện áp mái hiện nay rất sôi động. Ông Võ Quang Lâm – phó tổng giám đốc EVN – cho hay từ ngày 1-7-2019 đến 26-5-2020, đã có thêm 21.250 dự án điện mặt trời áp mái với tổng công suất 449 MW.

“Cho đến nay có 27.990 khách hàng, trong đó đặc biệt có 22.900 khách hàng là hộ gia đình và 5.096 khách hàng là doanh nghiệp đã lắp hệ thống điện mặt trời trên mái nhà của mình với tổng công suất 578 MW. Đây là tín hiệu tốt” – ông Lâm cho hay.

Chia sẻ thêm về quyết định 13, ông Hoàng Tiến Dũng – cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) – cho rằng cơ chế khuyến khích trong quyết định này áp dụng chủ yếu cho dự án có chủ trương đầu tư từ cách đây hơn nửa năm, quy mô được áp dụng không nhiều.

Trong khi đó, dự án điện mặt trời có thời gian thi công nhanh, thực tế cho thấy có tập đoàn thực hiện dự án trong thời gian ngắn chỉ 4 tháng.

“Từ nay đến cuối năm còn 7 tháng, các nhà đầu tư hoàn toàn có đủ thời gian để thực hiện dự án và hưởng cơ chế ưu đãi” – ông Dũng nói và cho biết thêm ngay trong tháng 5 đã có văn bản gửi EVN hướng dẫn hợp đồng mua bán điện, điều chỉnh giá điện.

Trên cơ sở đó, EVN hoàn toàn có thể ký kết hợp đồng với người dân trong phát triển điện áp mái.

Thủ tục qua mạng

Với mục tiêu cuối năm 2020, EVN kỳ vọng các khách hàng lắp đặt điện mặt trời áp mái có thể khoảng 1.000 MW nên lãnh đạo EVN cũng cho hay sẽ tạo mọi thuận lợi cho người dân lắp đặt hệ thống điện áp mái.

Theo ông Lâm, để đơn giản hóa thủ tục lắp đặt, EVN đã hoàn thành việc cung cấp dịch vụ công cấp độ 4, nên toàn bộ thủ tục đã được điện tử hóa. Khách hàng chỉ cần liên hệ qua tin nhắn, email và sau 2 ngày từ khi nhận được thông tin, các đơn vị của tập đoàn sẽ liên hệ, ký kết hợp đồng mua bán điện bằng phương thức điện tử.

Ông Nguyễn Quốc Dũng – trưởng ban kinh doanh của EVN – cho biết quy trình ký kết hợp đồng đã dược công khai trên trang web của tập đoàn.

EVN hỗ trợ lắp đặt côngtơ 2 chiều, nên khách hàng chỉ cần đăng ký thông tin khách hàng là có đại diện EVN liên hệ để lắp đặt côngtơ 2 chiều, thủ tục đơn giản, thực hiện theo hợp đồng điện tử và việc mua điện cũng qua mạng.

Vị này cũng tính toán đối với một hộ gia đình có diện tích sử dụng khoảng 100m2, quy mô khoảng 10 kWp (suất đầu tư dao động 13 – 16 triệu đồng/kWp) thì thời gian thi công, đấu nối và bán điện cho EVN chỉ trong khoảng 1 tuần.

Về thời gian thu hồi vốn, ông Dũng cho hay giá điện hiện ở mức hơn 2.900 đồng thì thời gian thu hồi rất nhanh, khoảng 5 – 6 năm thu hồi xong vốn.

Ông Lâm Xuân Tuấn (phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Miền Nam):

Cần hỗ trợ người dân nhiều hơn

xuan tuan
Ông Lâm Xuân Tuấn

Chúng tôi nghĩ nếu Bộ Tài chính, Bộ Công thương tiếp tục có chính sách hỗ trợ nhiều hơn cho người dân khi lắp đặt điện mặt trời áp mái thì nhiều nghìn MW điện mặt trời áp mái sẽ được lắp đặt trên đất nước của chúng ta.

Nếu so sánh với nước Đức, có quy mô dân số gần bằng nước ta, hiện nay họ có 24.000 MW điện từ năng lượng tái tạo, trong đó riêng điện mặt trời áp mái có 10.000 MW. Vì thế, tôi nghĩ nếu có quyết tâm thì sẽ có cơ hội phát triển rất nhanh điện mặt trời áp mái.

N.AN – X.LONG – L.THANH – N.HIỂN/ TTO

Đọc nhiều