Lãnh đạo xin thôi chức vụ: Cần sớm hơn nữa!
Việc một số cán bộ, lãnh đạo thời gian qua có đơn xin thôi chức vụ khi có trách nhiệm đối với các sai phạm của bản thân hoặc của cấp dưới đã cho thấy các quy định về kiểm soát quyền lực, quy định về đạo đức cán bộ của Đảng ngày càng phát huy tính hiệu quả, từ đó hình thành lên văn hóa từ chức đầy nhân văn và được người dân vô cùng ủng hộ.
Khi lãnh đạo xin thôi chức vụ
Sáng ngày 8 tháng 4, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam, trong kỳ họp thứ 21 của nhiệm kỳ 2021 – 2026, đã tiến hành các thủ tục miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh và Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Đồng thời, cũng bãi nhiệm các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ X và tiến hành bầu bổ sung chức vụ Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Trong kỳ họp này, tất cả các đại biểu đã thống nhất và biểu quyết miễn nhiệm ông Lê Trí Thanh khỏi chức vụ Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và miễn nhiệm ông Nguyễn Hồng Quang khỏi chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Các đại biểu thống nhất miễn nhiệm chức danh Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.
Trong cuộc trao đổi với báo chí sau kỳ họp, bà Nguyễn Thị Thu Lan, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam, đã thông tin rằng Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã có kết luận về việc xử lý vi phạm tại Quảng Nam. Ông Lê Trí Thanh, trong vai trò là người đứng đầu Ban cán sự Ủy ban nhân dân tỉnh, đã chịu trách nhiệm và tự nguyện từ chức khi để một số cán bộ dưới quyền của mình phạm sai phạm, bao gồm cả việc một Ủy viên Ban Thường vụ bị xử lý hình sự. Ông Thanh cũng nhận hình thức kỷ luật khiển trách.
Theo quy định 41 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, khi có cán bộ cấp dưới phạm lỗi, người đứng đầu sẽ chịu trách nhiệm, ông Thanh đã tự nhận thức được và tự nguyện viết đơn từ chức các chức vụ trong Ủy ban nhân dân tỉnh.
Bà Lan cũng cho biết rằng các thủ tục miễn nhiệm đã được thông qua theo nguyện vọng của ông Thanh và Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp và thống nhất về việc này.
Ông Lê Trí Thanh được cho thôi làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.
Trường hợp của ông Nguyễn Hồng Quang cũng tương tự, ông đã tự nguyện từ chức các chức vụ Phó Chủ tịch và Ủy viên Ban Thường vụ Ủy ban nhân dân tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp và thống nhất về việc này, đồng thời tuân thủ đúng quy định 41 của Bộ Chính trị.
Trước đó vào tháng 03/2024, Ban Chấp hành Trung ương cũng đã đồng ý để ông Võ Văn Thưởng thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng An ninh nhiệm kỳ 2021-2026, theo nguyện vọng cá nhân.
Thông cáo của Văn phòng Trung ương Đảng cho biết Ban chấp hành Trung ương đánh giá ông Võ Văn Thưởng là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở, được phân công giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, ông Thưởng đã vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Những vi phạm, khuyết điểm của ông Võ Văn Thưởng đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân. Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, ông Thưởng đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác.
Từng bước, mở đường cho văn hoá từ chức
Trước đó vào năm 2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Quy định nêu nguyên tắc, thẩm quyền, căn cứ, quy trình xem xét việc miễn nhiệm, từ chức với cán bộ lãnh đạo, quản lý; áp dụng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.
Quy định nêu rõ kiên quyết, kịp thời xem xét cho miễn nhiệm, từ chức với cán bộ khi có đủ căn cứ. Không thực hiện việc cho từ chức đối với cán bộ thuộc trường hợp phải miễn nhiệm. Cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử theo quy định thì có thẩm quyền xem xét cho cán bộ miễn nhiệm, từ chức.
Một điểm mới khác được nêu trong Quy định 41-QĐ/TW về căn cứ để xem xét miễn nhiệm đó là cán bộ có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định; căn cứ để cán bộ từ chức đó là có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định… Về việc này, tại Quy định 41 của Bộ Chính trị đã định lượng hoá cụ thể về sự tín nhiệm, uy tín của cán bộ. Cán bộ có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều sẽ phải xem xét miễn nhiệm hay từ chức.
Đảng đã yêu cầu cán bộ phải có năng lực, phẩm chất uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Vậy đến khi không còn được tín nhiệm, tín nhiệm thấp thì cũng là một căn cứ để xem xét miễn nhiệm, từ chức. Cùng với đó, Quy định 41 đã ngày càng đi vào hệ thống chính trị, đã từng bước tạo nên sự chuyển biến trong văn hoá từ chức với cán bộ khi mắc khuyết điểm.
Thực tiễn cho thấy, trước kia có tình trạng cán bộ mắc sai phạm đến mức phải kỷ luật, miễn nhiệm thì đương sự đôi khi lại làm đơn từ chức để giảm bớt khuyết điểm của mình. Tuy nhiên, Quy định 41 đã xác định rất rõ, những trường hợp đã xác định miễn nhiệm không được từ chức. Đó chính là lấp những lỗ hổng, những khoảng trống để cán bộ có vi phạm lợi dụng.
Quy định 41 về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ đã ngày càng đi vào đời sống chính trị, mở đường để từng bước hình thành văn hoá từ chức đối với cán bộ mắc khuyết điểm. Và việc từ chức cũng cần được nhìn nhận một cách thoáng hơn trong chính các cơ quan, đơn vị và trong dư luận xã hội. Bên cạnh đó, cũng cần nhìn nhận ở khía cạnh nhân văn với việc từ chức. Khi cán bộ nhận thấy khuyết điểm, sửa chữa khuyết điểm và có những cống hiến vươn lên thì cũng cần được ghi nhận một cách xứng đáng. Điều này sẽ giúp cán bộ khi mắc khuyết điểm sẽ không “ngoan cố” tới cùng, không cố “giữ ghế” tới cùng.
Khi cán bộ mắc khuyết điểm chưa đến mức phải kỷ luật nhưng uy tín giảm sút thì xem xét miễn nhiệm cán bộ, không đợi đến tuổi nghỉ hưu và cũng không đợi hết nhiệm kỳ, cũng không đợi kỷ luật. Còn việc từ chức là khuyến khích cán bộ từ chức khi thấy bản thân liên đới trách nhiệm khi để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng… Đảng sẽ tạo điều kiện cho cán bộ từ chức để đảm bảo linh hoạt hơn trong quá trình giải quyết đối với cán bộ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng với những cán bộ thấy không xứng đáng thì tốt nhất là xin thôi, từ chức.
Qua các sự kiện một số cán bộ, trong đó có cán bộ chủ chốt, lãnh đạo Đảng xin thôi chức vụ thời gian qua đã cho thấy tính hiệu quả, thiết thực của Quy định 41. Thế nhưng, bên cạnh một số lãnh đạo nhanh chóng xin thôi chức vụ ngay khi nhận ra khuyết điểm thì vẫn còn đó một số cán bộ vẫn có tư duy “chờ đợi” kết luận sai phạm, sau đó mới tiến hành thủ tục “làm đơn”.
Như vậy, thủ tục “làm đơn” xin thôi chức vụ một phần mất đi tính tự giác tự nguyện, chỉ đến khi cán bộ mắc sai phạm nhận thấy bản thân “không còn đường thoát” mới tự giác. Đây cũng nên là một yếu tố cần xem xét khi xử lý các sai phạm về sau của cán bộ, việc “tự nguyện” ở thời điểm nào sẽ là thước đo để đánh giá cũng như tiến hành các hình thức kỷ luật về sau.
Thành An