Lãnh đạo VinFast, Vietjet Air, Masan, REE,… kỳ vọng gì trong buổi đối thoại cùng Thủ tướng?

07/03/2021 14:55

Tại buổi “Đối thoại 2045” cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các doanh nghiệp lớn như VinFast, Vietjet Air, Masan, REE, Minh Phú…đã chia sẻ những khát vọng lớn mà họ ấp ủ cho một Việt Nam hùng cường trong tương lai.

Chiều ngày 6/3 tại TP HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc gặp mặt cùng hàng chục doanh nhân, trí thức tiêu biểu với chủ đề “Đối thoại 2045” để lắng nghe ý kiến, đề xuất nhằm xây dựng một Việt Nam hùng cường trong thời gian tới.

Đối thoại 2045: Để có Việt Nam hùng cường, doanh nghiệp lớn ấp ủ khát vọng lớn - Ảnh 1.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Chủ tịch Tập đoàn Sovico, Tổng Giám đốc Vietjet Air kiêm Phó Chủ tịch thường trực HĐQT HDBank. (Ảnh: TTXVN).

Ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, phụ trách Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast, là đại diện doanh nghiệp đầu tiên phát biểu. Theo ông Huệ, dự án sản xuất xe VinFast có thể coi là dấu mốc của ngành công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam và là bước đệm để ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam phát triển đột phá, mang lại giá trị lớn cho nền kinh tế.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan cho rằng, để hướng tới mục tiêu kinh tế phát triển, thu nhập cao vào năm năm 2045 phải tập trung vào các giải pháp đổi mới nền tảng cạnh tranh, gia tăng năng lực cạnh tranh.

Chủ tịch Massan lập luận, hiện nay nền kinh tế toàn cầu đang hội nhập, vấn đề quan trọng là tạo năng lực cạnh tranh cho chuỗi cung ứng. Điển hình, Việt Nam hiện nay đang nổi lên trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản với kim ngạch tăng nhanh, tuy nhiên đây cũng là nhóm hàng gặp nhiều trở ngại, ảnh hưởng do hạ tầng của chuỗi cung ứng và phân phối còn hạn chế.

Chi phí phát sinh sau công đoạn sản xuất đến tiêu dùng hiện chiếm khoảng 30% giá thành. Nếu giảm thiểu chi phí trong lưu thông hàng hóa, doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí đáng kể, hàng hóa lưu thông tốt hơn mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng. Vấn đề then chốt để đẩy mạnh phát triển nền kinh tế là hạ tầng cung ứng và phân phối phải phát triển đồng bộ, ông Nguyễn Đăng Quang nhấn mạnh.

Đối thoại 2045: Để có Việt Nam hùng cường, doanh nghiệp lớn ấp ủ khát vọng lớn - Ảnh 2.
Chủ tịch Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang phát biểu tại “Đối thoại 2045”. Ngồi ngoài cùng bên phải ảnh là ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Thủ sản Minh Phú. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu).

Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Chủ tịch Tập đoàn Sovico, Tổng Giám đốc Vietjet Air kiêm Phó Chủ tịch thường trực HĐQT HDBank, để đưa Việt Nam thành điểm đến du lịch quốc tế với các dịch vụ đa dạng như giải trí, chăm sóc sức khỏe, ẩm thực,…, Chính phủ nên ưu tiên đầu tư mạnh mẽ cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường không, hàng hải, logistic; xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất phụ trợ, đào tạo về dịch vụ hàng không của khu vực và thế giới.

Báo Chính phủ dẫn lời bà Thảo cho biết, Vietjet còn đang gấp rút hoàn thành công trình Công viên công nghệ cao Hi-tech Park, trong đó dành ưu tiên hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ.

Đối thoại 2045: Để có Việt Nam hùng cường, doanh nghiệp lớn ấp ủ khát vọng lớn - Ảnh 3.
Bà Thái Hương, Chủ tịch TH True Milk mong muốn Chính phủ tạo ra một thể chế minh bạch, sáng suốt, làm bệ đỡ cho các doanh nghiệp phát triển. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu).

Cũng tại “Đối thoại 2045”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT kiêm Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng: Hơn lúc nào hết cần khơi dậy khát vọng đưa đất nước trở nên hùng cường trong mỗi con người, mỗi doanh nhân.

Ông Bình nhấn mạnh, để có khát vọng đó cần có niềm tin lớn từ doanh nhân, doanh nghiệp vào Chính phủ và ngược lại Chính phủ cũng có niềm tin vào cộng đồng doanh nghiệp, trở thành “bà đỡ,” tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Cũng trong sự kiện gặp mặt cùng Thủ tướng, ông Trương Gia Bình đã đề xuất cho doanh nghiệp tư nhân xử lý các vấn đề vướng mắc hiện tại của Sàn giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE).

Đối thoại 2045: Để có Việt Nam hùng cường, doanh nghiệp lớn ấp ủ khát vọng lớn - Ảnh 4.
Bà Nguyễn Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cơ điện REE, nhấn mạnh tầm quan trọng của năng lượng tái tạo. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu).

Tham gia tọa đàm, bà Nguyễn Mai Thanh – Chủ tịch HĐQT Công ty cơ điện REE nhắc đến phương châm của người Đức là “cố gắng thực hiện tốt nhu cầu người tiêu dùng”.

Bà Thanh lập luận rằng doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào yếu tốt phục vụ người tiêu dùng tốt bằng việc nâng chất lượng sản phẩm, nâng vị thế thương hiệu của mình.

“Điều này cần tập trung vào khối DN tư nhân – thành phần chính tạo ra các sản phẩm, dịch vụ của nền kinh tế”, bà Thanh nhấn mạnh. Bên cạnh đó, muốn phát triển bền vững, Việt Nam, mỗi doanh nghiệp và mỗi cá nhân nên đặt mục tiêu cao hơn và không nên bằng lòng với những gì mình đạt được.

Bà Thanh cho rằng, qua đại dịch COVID-19, qua những tổn thất từ biến đổi khí hậu, đã đến lúc chúng ta cần chú trọng vào bảo vệ môi trường. Chủ tịch Công ty cơ điện REE lưu ý, nguồn tài nguyên của chúng ta đang cạn kiệt dần, cụ thể là vấn đề năng lượng. Điện đang thiếu dần.

Trong ba năm vừa qua, Việt Nam đã phát triển mạnh về năng lượng tái tạo, về công nghệ viễn thông. Tuy nhiên cần nhìn lại việc xây dựng chiến lược phát triển. Than, dầu mỏ đang ngày một cạn dần. Do đó, cần chú trọng vào điện gió ngoài khơi để đạt năng suất cao và giảm ô nhiễm môi trường, bà Thanh gợi ý.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, ông Lê Văn Quang – Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, đặt mục tiêu tham vọng là biến Việt Nam thành cường quốc tôm đứng đầu thế giới vào năm 2045.

“[Chúng tôi muốn] biến Việt Nam thành cường quốc sản xuất và chế biến tôm số một thế giới, chiếm 25% thị phần tôm toàn cầu với sản lượng gần 4 triệu tấn tôm nguyên liệu, giá trị 20 tỷ USD vào năm 2045”, ông Lê Văn Quang kỳ vọng.

Ông Quang cho biết hiện nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thủy sản, đặc biệt là tôm, đang phát triển mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Với tốc độ tăng trưởng trung bình gần 7%/năm, dự tính đến năm 2045, tổng sản lượng tôm toàn cầu sẽ đạt 15 triệu tấn.

Đối thoại 2045: Để có Việt Nam hùng cường, doanh nghiệp lớn ấp ủ khát vọng lớn - Ảnh 5.
Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hiệp hội Macca Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trồng 300.000 ha macca, giá trị xuất khẩu 5 tỷ USD. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu).

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hiệp hội Macca Việt Nam, cho rằng Chính phủ, cộng đồng DN cần nỗ lực, hình thành nhiều ngành nghề mới có tầm ảnh hưởng rộng lớn đến kinh tế, trong đó có ngành macca.

Theo ông Dương Công Minh, nông sản Việt Nam luôn trong tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa, do đó, nông sản cần phải hình thành chuỗi cung ứng khép kín, nhất là nông sản có lợi thế như cây macca.

Để phát triển mạnh được cây macca trong thời gian tới, ông Dương Công Minh đề xuất Chính phủ có chính sách đất đai để phát triển cây macca, với mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trồng được 300.000 ha có giá trị xuất khẩu khoảng 5 tỷ USD.

Minh Ngọc

Đọc nhiều