8
category
329467

Lãnh đạo ngoại giao Mỹ đi uống cà phê cũng bị Trung Quốc làm khó

21/10/2019 20:17

Đại sứ Branstad kể có lần cả đoàn muốn tới một quán cà phê ở tỉnh Thanh Hải cũng bị ngăn cản. Chỉ sau khi các quan chức Trung Quốc đến trước và dặn không ai trong quán được nói chuyện với người Mỹ, đoàn của ông mới được phép đi uống.

Đại sứ Mỹ kể khổ: Ở Trung Quốc, đi uống cà phê cũng bị làm khó - Ảnh 1.
Đại sứ Mỹ Terry Branstad trong một sự kiện có sự tham dự của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – Ảnh chụp màn hình

Các chia sẻ của đại sứ Mỹ Terry Branstad diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc vừa phản ứng trước các quy định mới đối với phái đoàn ngoại giao của nước này tại Mỹ.

Theo đó, kể từ ngày 16-10, các nhà ngoại giao Trung Quốc sẽ phải báo trước bất kỳ cuộc gặp nào với các quan chức, các viện giáo dục và cơ sở nghiên cứu ở Mỹ.

Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định đây là cách Washington đáp trả những gì Bắc Kinh đang đối xử với các nhà ngoại giao của họ. Phía Mỹ tin rằng Trung Quốc sẽ phải nới lỏng các biện pháp hạn chế với các nhà ngoại giao Mỹ.

Phía Trung Quốc sau đó đã phản ứng, cho rằng Washington đang vi phạm các công ước quốc tế về ngoại giao, cáo buộc Mỹ đang đặt điều cho Trung Quốc.

Điều này buộc đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, với tư cách là người trong cuộc, phải lên tiếng vào ngày 21-10 với báo giới.

Theo đại sứ Branstad, những quy định mới của Mỹ là “rất khiêm tốn” so với những gì Bắc Kinh đang làm với các nhà ngoại giao Mỹ.

“Các phản ứng của Trung Quốc là vô cùng thái quá và không đúng sự thật. Sự thật là chúng tôi có một hệ thống vô cùng mở và họ lại đang duy trì một hệ thống rất khép kín với chúng tôi”, ông Branstad đặt vấn đề với Hãng thông tấn AP.

Đại sứ Mỹ khẳng định phái đoàn của ông được yêu cầu phải đăng ký trước với chính quyền Bắc Kinh nếu muốn gặp các quan chức địa phương hay các học giả, nhấn mạnh xác suất bị từ chối là rất cao.

“Các cuộc gặp với những quan chức thực thi pháp luật thường bị chặn đứng, những đề nghị tới thăm các trường đại học cũng bị từ chối”, ông Branstad dẫn chứng.

Đại sứ Mỹ cũng kể có lần ông và các nhà ngoại giao khác định đi đến một quán cà phê ở tỉnh Thanh Hải trong chuyến đi đến Tây Tạng, các quan chức Trung Quốc đã ngăn cản họ. Chỉ khi phía Trung Quốc đến cửa hàng trước và yêu cầu người trong quán không được hé miệng với người Mỹ, đoàn của ông mới được phép rời đi.

Ông Branstad cũng tiết lộ Washington đang xem xét yêu cầu các nhân viên thuộc những thực thể do Đảng Cộng sản Trung Quốc quản lý phải đăng ký với chính quyền theo quy định của Đạo luật đăng ký đại diện cho nước ngoài.

Theo Đài ABC, ở Úc, các cá nhân và doanh nghiệp cố gắng gây ảnh hưởng đến chính trị hoặc chính phủ cho một quốc gia nước ngoài đã được yêu cầu đăng ký tư cách đại diện kể từ tháng 12.

Quy định này theo sau một báo cáo của chính phủ cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cố gắng tác động tới quá trình hoạch định chính sách của Úc và tìm cách tiếp cận, gây ảnh hưởng tới các chính khách nước này.

(Theo Tuổi Trẻ)

Đọc nhiều