Lãnh đạo dám làm nhưng cũng cần được pháp luật bảo vệ

16/08/2021 09:05

Trong 5 năm qua, có trên 87.000 đảng viên bị xử lý kỷ luật. Đây có lẽ là con số lớn nhất về mức độ vi phạm của đảng viên qua các nhiệm kỳ của Đảng.

Ở một góc nhìn khác, có lẽ trong số này không phải tất cả đều do tham nhũng, tiêu cực mà cũng có những sai phạm do làm trái luật, trái quy định, do người có trách nghiệm dám nghĩ, dám làm cả những điều tưởng rằng sẽ tốt cho dân, cho nước nhưng về nguyên tắc thì vẫn không được phép.

Đã đến lúc Đảng, Nhà nước cần thiết trao cho họ một thứ “kim bài” hầu giúp họ khi quyết định một việc gì đó yên tâm hơn, dám làm cái điều mình suy nghĩ hơn khi thấy cần thiết.

Bỏ phiếu tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 28/7 ký “Quy định 22 về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng” đã cho thấy đây là một việc hết sức cần thiết và đúng đắn. Quy định này của Trung ương thể hiện rõ mục đích, yêu cầu công tác kiểm tra, giám sát phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Quy định này có hiệu lực từ ngày 28/7, thay thế Quy định 30 ngày 26/7/2016 của Ban chấp hành Trung ương khóa 12.

Chuyện của cựu Bộ trưởng Năng lượng

Có một câu chuyện cảm động khiến chúng ta khó có thể quên về một cán bộ cấp cao của Chính phủ phải đi tù cách nay đã trên 1/4 thế kỷ mà theo tôi nghĩ, ông là một con người thanh bạch, không hề có tiêu cực khi thi công công trình thế kỷ.

Người đó chính là cựu Bộ trưởng Năng lượng Vũ Ngọc Hải khi ông trực tiếp làm Tổng chỉ huy công trình xây dựng đường dây truyền tải điện 500KV Bắc Nam vào năm 1992.

Ông luôn được nhiều người trân trọng và nhắc đến trong suốt 27 năm qua như một sự tri ân bởi việc ông mắc sai lầm chỉ là vô tình không hiểu hết việc người ta lợi dụng danh nghĩa của ông khi đó kiêm nhiệm Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam Ba Lan mà ký mua thép cho công trình không đúng nguyên tắc và tiêu chuẩn xây dựng trên danh nghĩa của chính bên Hội đó gửi đến.

Có lẽ thật hy hữu khi trong mấy năm tù, thử hỏi có ai được như ông khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào trại giam thăm ông và mở sâm panh chúc mừng sau khi ông được ông Kiệt gắn huân chương lúc công trình cắt băng khánh thành. Ông có công lớn trong việc đề xuất và thi công đường dây 500KV một kỳ tích bởi từng bị nhiều lực cản trước đó đúng như ý muốn và khát vọng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Không những vậy, các phó Thủ tướng cùng 28 bộ trưởng, thứ trưởng khác cũng vào trại giam thăm ông. Ông Vũ Ngọc Hải từng tâm sự rằng: “Tôi bị cáo buộc tội danh ‘thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng’ và phải đối diện với mức án 3 năm tù. Nhưng bản thân tôi thấy rằng mình luôn trong sạch, liêm chính. Tôi cũng không xem đó là chuỗi ngày u tối. Từng ngày trong tù, tôi vẫn dõi theo từng bước tiến độ thi công công trình và chờ đến ngày hoàn thành”.

Công lao to lớn đó chắc không nhiều người hiểu hết bởi ông đã từng là cánh tay nối dài của Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi cam kết sẽ thực hiện công trình. Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng ra “tối hậu thư” cho ông Hải phải hoàn thành trong 2 năm và giao cho ông phải trả lời Thủ tướng sau 3 ngày suy nghĩ, liệu có thực hiện thành công công khi mà nhiều ý kiến vẫn không ủng hộ chủ trương vì cho rằng mạo hiểm, tốn kém…

Thế nhưng, kết quả thì ngoài mong đợi, được xem như một kỳ tích của ngành xây dựng và năng lượng nước nhà. Mức quyết toán ban đầu được duyệt là 5.713 tỷ đồng, thực hiện chỉ hết 5.237 tỷ, tức là tiết kiệm được so với dự toán gần 500 tỷ. Vì vậy, có thể coi là công trình vừa đảm bảo chất lượng và vừa đảm bảo kinh tế.

Nếu chúng ta hồi đó không có những nhà lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm như Thủ tướng Võ Văn Kiệt, như cựu Bộ trưởng Vũ Ngọc Hải thì thử hỏi vào cái giai đoạn giữa thập niên 1990 cho đến sau này, chúng ta lấy điện ở đâu dùng cho phát triển kinh tế?

Hành trình dài

Từ Quy định 30 để ra đời Quy định 22 là cả một hành trình rất dài, tròn 5 năm.

Song, dù có muộn thì đây cũng là một bước tiến rất quan trọng của quá trình thực hiện cải cách tư pháp của Nhà nước ta dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng. Nhờ vậy, nó sẽ mang lại sự công bằng cho xã hội, trong đó có cả những đảng viên nếu có vi phạm nhưng có thể mức độ nặng, nhẹ khi bị xử lý sẽ khác nhau, công minh hơn, nhân văn hơn và không còn bị áp đặt bằng những mệnh lệnh duy ý chí…

Quay trở lại vấn đề Quy định 22 vừa mới được ban hành. Tôi tin rằng rồi đây, trong đời sống chính trị của đất nước sẽ có nhiều người lãnh đạo cũng như người có trách nhiệm sẽ dũng cảm, tự tin hơn khi dám làm những việc mà họ đã nghĩ và có khát vọng, dám nghĩ để thực hiện nếu không tư lợi, tiêu cực.

Chỉ như vậy xã hội mới phát triển nhanh và lành mạnh. Hy vọng nhờ có Quy định 22 mà những hành động vì dân, vì nước, không vụ lợi của người có trọng trách trong xã hội sẽ nhiều hơn một khi họ đã có “kim bài” bảo hộ cho họ dù chỉ là mức độ nhất định, công bằng.

Một xã hội lành mạnh sẽ có những nhà lãnh đạo bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và không vụ lợi xuất hiện. Cũng nhờ thế, đất nước sẽ phát triển nhanh, sẽ sớm bớt đi những người cơ hội, luôn chờ thăng tiến theo cái cách “đi nhẹ, nói khẽ, cười tươi”. Thay vào đó là lớp cán bộ có bản lĩnh, dũng cảm bảo vệ cái đúng. Còn Đảng ta thì sẽ “luôn lắng nghe, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung”.

Nhất là thời điểm này khi cả nước đang gồng mình chống đại dịch Covid-19 đầy phức tạp, Quốc hội cũng quyết định những trao quyền hạn cực lớn cho người đứng đầu Chính phủ để chỉ huy và quyết định nhiều việc lớn.

Rồi Thủ tướng cũng quyết định giao quyền xuống các tỉnh, thành phố và phải chịu trách nhiệm trước các quyết định mình đưa ra. Nếu như Trung ương Đảng không sớm ban hành Quy định 22 nói trên, sẽ có nhiều người e ngại, không dám mạnh tay dù rất công tâm trong công việc chung, đặc biệt là lúc đang cần sáng suốt, bản lĩnh trong chỉ đạo chống đại dịch này…

Quốc Phong

Đọc nhiều