28
category
320223

‘Làng chài tỷ phú’ giữa vòng vây nợ nần

11/08/2019 18:06

Từng được mệnh danh làng chài tỷ phú nhưng 2 năm gần đây, hàng trăm ngư dân xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi) lâm cảnh khốn khó, đành rời nhà vừa làm thuê, vừa đi trốn nợ. 


Liên tiếp thất bại sau nhiều chuyến biển, cuộc sống của hàng trăm gia đình ngư dân xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi) đang lâm vào cảnh bên bờ vực khốn cùng. Từng sở hữu đôi tàu xa bờ với tổng công suất gần 1.000 CV, đánh bắt thủy sản doanh thu mỗi năm từ 2 đến 3 tỷ đồng nhưng giờ đây, thuyền trưởng Hồ Thanh Lâm (ngụ xã Nghĩa An) lại đối mặt với tình cảnh kiếm “miếng ăn” từng bữa nuôi sống gia đình.

Làm ăn thất bại sau nhiều chuyến biển, không đủ tiền trả cho người lao động, chủ tàu này nợ ngân hàng “lãi mẹ đẻ lãi con”. Ông Lâm đành ngậm ngùi đưa đôi tàu về quê nằm bờ, đi làm công nhân sơ chế tôm ở khu công nghiệp trên địa bàn TP Quảng Ngãi với mức lương vài triệu đồng mỗi tháng.

Tháng 8, vụ mùa đánh bắt thủy sản chính trong năm nhưng “cửa ngõ” về làng chài xã Nghĩa An chật kín tàu công suất lớn nằm bờ. Chỉ tay về phía bến tàu, ông Phạm Cận (ngụ xã Nghĩa An) cho hay không riêng gì trường hợp ông Lâm, hàng trăm chủ tàu một thời “ăn nên làm ra” của làng chài, 2 năm gần đây phải rời quê vào Nam, ra Bắc kiếm sống qua ngày.

'Lang chai ty phu' giua vong vay no nan hinh anh 1
Làng chài xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi), nơi có hàng trăm gia đình ngư dân nợ nần chồng chất do liên tục làm ăn thua lỗ.

Chủ tàu thành… con nợ 

“Mỗi chủ tàu vay ngân hàng và bốc nóng tín dụng đen bên ngoài cao nhất lên đến 8 tỷ đồng, thấp nhất cũng vài trăm triệu đồng. Làm ăn thất bại nhiều năm, nhiều chủ tàu có doanh thu mỗi năm vài tỷ đồng, giờ đây bỗng chốc thành… con nợ”, ông Cận nói.

Hơn 10 năm trước, sau mỗi chuyến biển ra khơi trở về, các đội tàu giã cào (hay lưới kéo) của làng chài xã Nghĩa An thường xuyên trúng đậm tiền tỷ.

Họ cầm cố nhà cửa, chạy vạy mượn tiền, vay tiền ngân hàng để đóng tàu. Nhiều ngư dân đóng thêm tàu mới từ 400 đến 1.000 mã lực, có gia đình đóng tàu sắt trị giá hơn 20 tỷ đồng.

Thời điểm đó, nhiều ngân hàng cử cán bộ tín dụng về tận xã này làm thủ tục cho ngư dân vay vốn. Thời gian đầu “ăn nên, làm ra”, ngư dân nơi đây trả cho ngân hàng đầy đủ, tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay phần lớn chủ tàu lỗ nặng, nợ nần chồng chất.

Ngư dân Phạm Cận chỉ tay về phía hàng trăm chiếc tàu công suất lớn nằm bờ ở "cửa ngõ" dẫn về làng chài xã Nghĩa An.  
Ngư dân Phạm Cận chỉ tay về phía hàng trăm chiếc tàu công suất lớn nằm bờ ở “cửa ngõ” dẫn về làng chài xã Nghĩa An.

Nguồn thủy sản ngày càng cạn kiệt, lao động trên tàu tìm việc khác kiếm sống. Muốn lao động gắn bó thì chủ tàu phải trả mỗi ngày công từ 500.000 đến 700.000 đồng/người.

“Ra khơi nếu thất bại thì lao động quay lưng không đi làm với tàu mình nữa. Nợ nần chồng chất, phía Ngân hàng yêu cầu thu hồi tài sản nhà cửa, tàu thuyền khiến gia đình tôi mất ăn, mất ngủ”, chủ tàu Trần Thanh (ngụ xã Nghĩa An) than thở.

Rời nhà đi… trốn nợ 

Theo thống kê, xã Nghĩa An có hơn 400 gia đình vay vốn không còn khả năng trả nợ. Nợ ngân hàng, nợ người thân, “vay nóng” tín dụng đen… khiến cuộc sống nhiều ngư dân nơi đây điêu đứng.

Dọc theo các tuyến đường vào làng chài, khu dân cư nào cũng có dãy nhà khóa chặt cửa, không bóng người. Ông Trần Mẫu (75 tuổi, ngụ xã Nghĩa An), giải thích họ rời nhà đi “trốn nợ” nhiều tháng qua. “Một số chủ tàu thì đi lao động cho tàu ở tỉnh khác, một số đi hái ớt hay làm công nhân cho các công trình xây dựng”, ông Mẫu thở dài nói.

Ngư dân khốn khó kéo theo HTX Dịch vụ khai thác hải sản xa bờ Nghĩa An, các cơ sở đóng tàu, sản xuất đá lạnh… cũng hoang vắng, đìu hiu. Một số tàu cá đang hoàn thiện ở xưởng bị chủ tàu bỏ mặc, rác thải bủa vây.

'Lang chai ty phu' giua vong vay no nan hinh anh 3
Nhiều ngư dân Nghĩa An khóa chặt cửa, rời nhà đi trốn nợ, làm thuê.

Thống kê sơ bộ của xã Nghĩa An, chỉ riêng một chi nhánh ngân hàng ở Quảng Ngãi đã cho 155 khách hàng là ngư dân xã Nghĩa An vay vốn làm ăn lên đến hơn 343 tỷ đồng.

Lý giải về thực trạng này, bà Phạm Thị Công, Phó bí thư Đảng ủy xã Nghĩa An, cho hay địa phương có hơn 800 tàu thuyền với hơn 10.000 ngư dân hành nghề giã cào xa bờ. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, chuyến biển liên tục mất mùa, các tàu trở về không đủ trả tiền nhân công khiến ngư dân khốn khó.

Trong khi đó, hàng nghìn ngư dân hành nghề câu cá chuồn ở địa phương này cũng điêu đứng do giá giảm mạnh (từ 23.000 xuống 16.000 đồng/kg). Hiện người dân đồng loạt ký đơn cầu cứu cơ quan chức năng can thiệp để các ngân hàng tạo điều kiện khoanh nợ, giãn nợ.

Theo bà Công, đại diện các ngân hàng đã về địa phương làm việc tìm giải pháp hỗ trợ ngư dân. Tuy nhiên, nhiều ngư dân đã ngừng đánh bắt, không còn khả năng trả nợ thì ngân hàng buộc phải thu hồi tài sản.

“Địa phương đã báo cáo thực trạng ngư dân nợ nần đến cơ quan chức năng để có giải pháp hỗ trợ, chia sẻ khó khăn trước mắt cùng bà con”, bà Công cho biết thêm.

(Theo Zing News)

Tags :
Đọc nhiều