Lần tập trung lực lượng trên biển hiếm có của Gepard 3.9
Lữ đoàn 162 – Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đóng tại cảng Cam Ranh là đơn vị được giao khai thác vận hành các tàu tên lửa Gepard 3.9.
Báo Hải quân Việt Nam cho biết, sau khi 2 tàu hộ vệ tên lửa 011 – Đinh Tiên Hoàng và 012 – Lý Thái Tổ cập cảng Cam Ranh vào tháng 3 và tháng 8/2011, Lữ đoàn 162 được Quân chủng Hải quân giao nhiệm vụ quản lý, huấn luyện, khai thác, sử dụng làm chủ các vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại.
Hơn 6 năm sau (tháng 2/2017 và năm 2018), tàu 015 – Trần Hưng Đạo và tàu 016 – Quang Trung tiếp tục được biên chế về Lữ đoàn 162. Được Quân chủng Hải quân và Vùng 4 Hải quân tin tưởng giao quản lý, khai thác sử dụng các tàu hộ vệ tên lửa hiện đại bậc nhất hiện nay, đó là niềm vinh dự, tự hào của mỗi cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 162, song đó cũng là một trọng trách rất lớn.
Chính vì vậy, ngay sau khi tiếp nhận tàu, mỗi cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn luôn nỗ lực rèn luyện, học tập cùng chuyên gia Nga để nhanh chóng làm chủ các trang thiết bị hiện đại tối tân và làm chủ hoàn toàn con tàu.
Cặp tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 tiếp theo của Hải quân Việt Nam gồm 2 chiếc 015 – Trần Hưng Đạo và 016 – Quang Trung được nâng cấp đáng kể về năng lực tác chiến với việc bổ sung thiết bị định vị thủy âm và cụm ống phóng ngư lôi săn ngầm, biến chúng thành chiến hạm đa năng đích thực.
Với đặc thù là “báu vật” của Hải quân Việt Nam, các tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 thường đảm nhiệm vai trò tàu chỉ huy các chiến hạm khác nhỏ hơn trong biên đội, chúng thường đi kèm với Molniya 1241.8, Molniya 1241.RE hay BPS-500 theo đội hình 1 hoặc 2 chiếc.
Tuy nhiên trong phóng sự mới đây do Báo Hải quân Việt Nam thực hiện, cả 4 chiếc Gepard 3.9 đã đồng loạt xuất bến và lập đội hình tác chiến bên cạnh nhau, đây thực sự là cảnh tượng vô cùng hiếm gặp.
Biên đội tàu hộ vệ Gepard 3.9 của chúng ta với cả hai biến thể khi phối hợp cùng nhau sẽ có khả năng chống hạm và chống ngầm khá mạnh, đủ sức bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo trong tình hình mới.
Thông số kỹ thuật của tàu Gepard 3.9
Lượng giãn nước đầy tải: 2.100 tấn; Kích thước ngoài (dài x rộng x mớn nước): 102,2 x 13,1 x 5,3m; Tốc độ tối đa: 28 hải lý/h, tốc độ hành trình: 18 hải lý/giờ; Tầm hoạt động ở tốc độ hải trình tuần biển: 5.000 hải lý; Dự trữ nhiên liệu hoạt động: 20 ngày; Sử dụng vũ khí không hạn chế trong điều kiện biển động tới cấp 5; Động cơ chính: 2×11.000 hp; Thủy thủ đoàn: 103 người với 16 vị trí dự trữ dành cho hải quân đặc nhiệm.
Hoài Nam