“Lằn ranh đỏ” bùng nổ: Iran đã đột phá giới hạn của ông Trump và bị đáp trả xứng đáng?
“Lằn ranh đỏ” của chính quyền Trump về việc người Mỹ thiệt mạng đã bị kiểm tra. Cứ mỗi lần không chịu phản ứng tương đương, Iran ngày càng trở nên “cứng đầu”.
Ngày 22/1/2020, tờ National Interest xuất bản bài viết “Red Line Rumble: Iran Tested the Boundaries of the Trump Administration and Got Burned” (tạm dịch: Lằn ranh đỏ bùng nổ: Iran đã đột phá giới hạn của ông Trump và bị đáp trả) của các tác giả Ari Heistein và Eldad Shavit.
Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn khách quan, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Iran, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
Ba thách thức của Iran đối với Mỹ?
Thiếu tướng Iran Qassem Soleimani, chỉ huy Lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thường được miêu tả là một trong những nhân vật quyền lực nhất ở Iran.
Chính vì vậy, khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump quyết định ám sát ông bằng máy bay không người lái (UAV) vào ngày 3/1/2020, hành động này được cho là thời khắc quan trọng ở Trung Đông.
Mặc dù cái chết của Tướng Soleimani có thể đã thể hiện sự sẵn sàng của chính quyền Trump trong việc sử dụng giải pháp quân sự so với dự đoán trước đây, ba thách thức chính mà Iran đặt ra hoàn toàn chưa được giải quyết.
Thách thức đầu tiên
Thách thức đầu tiên đến từ Tehran là sự leo thang các hoạt động quân sự đã được “hiệu chỉnh” để chống lại cái gọi là “chiến dịch gây áp lực tối đa” của Washington.
Iran đã nỗ lực để tránh chiến tranh toàn diện với Mỹ nhưng gây ra thiệt hại đủ lớn để “cứu vớt” nền kinh tế theo hai cách:
1. Tăng giá dầu, để bù cho lượng dầu xuất khẩu giảm, bằng cách gây ra sự “mất an toàn” địa chính trị và nhắm mục tiêu cung cấp quốc tế.
2. “Khuấy động” một cuộc khủng hoảng có thể được giải quyết thông qua các nhượng bộ bao gồm các khoản bồi thường từ châu Âu hoặc việc nới lỏng các lệnh trừng phạt.
Bằng cách trả lời một cách chính xác “cái giá phải trả” cho chiến dịch gây áp lực của Mỹ, Iran cũng đạt được mục tiêu ngăn chặn các bước leo thang tiếp theo cho đến năm 2021, đó là khi nước Mỹ có thể có một tổng thống mới.
Thách thức thứ hai
Sau tuyên bố gần đây rằng họ sẽ không tuân thủ Thỏa thuận hạt nhân 2015, Iran tiếp tục leo lên ngưỡng cửa của một cường quốc hạt nhân.
Những bước leo thang này nhằm tăng áp lực cho các bên tham gia thỏa thuận để cứu vãn chính thỏa thuận, bằng cách bồi thường tài chính cho Iran về việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận và tái trừng phạt mặc dù vẫn chưa mang lại kết quả kinh tế cuối cùng mà Iran mong muốn.
Song song với đó, bằng cách tăng cường làm giàu và tiến hành nghiên cứu hạt nhân bị cấm theo thỏa thuận, Iran đang thu hẹp khoảng cách với việc sở hữu vũ khí hạt nhân, tăng khả năng tồn tại của một số tình huống nguy hiểm liên quan tới vũ khí hạt nhân.
Thách thức thứ ba
Lực lượng Quds thuộc IRGC đã thực hiện một kế hoạch dài hạn để tăng cường sức mạnh quân sự ngoài lãnh thổ Iran thông qua các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực.
Từ các Đơn vị huy động phổ biến (PMF) ở Iraq đến Hezbollah ở Lebanon và Houthis tại Yemen, Iran đã xây dựng mối quan hệ đối tác với “kẻ thù của kẻ thù” và tìm cách cung cấp cho họ vũ khí ngày càng mạnh mẽ và chính xác.
Kế hoạch này chủ yếu nhằm biến các lực lượng Mỹ và đồng minh trong khu vực (Arab Saudi, UAE và Israel) trở thành “con tin” với mối đe dọa của các cuộc tập kích chính xác nhằm vào các mục tiêu “nhạy cảm”.
Chính sách của Washington đối với Iran được đưa ra vào tháng 5/2018 là liên tục gia tăng áp lực kinh tế đã đạt được một số “thành tựu” nhất định.
Tuy nhiên, Iran đã không đạt được các “mục tiêu chiến lược” lớn hơn là ngăn chặn các hành động khiêu khích, các tiến bộ hạt nhân và ngăn chặn sự tích tụ lực lượng quân sự của tất cả các bên liên quan trong khu vực cũng như đưa Iran trở lại bàn đàm phán.
“Lằn ranh đỏ” bị vượt qua, giới hạn của ông Trump ở đâu?
“Lằn ranh đỏ” của chính quyền Trump về việc người Mỹ thiệt mạng đã bị kiểm tra. Cứ mỗi lần không chịu phản ứng tương đương, Iran ngày càng trở nên “cứng đầu”.
Đầu tiên là việc các tàu chở dầu bị tấn công ở eo biển Hormuz, tiếp theo là một UAV RQ-4A Global Hawk có giá khoảng 200 triệu USD bị bắn rơi trên vùng biển quốc tế.
Khi Tổng thống Trump ngừng cuộc tập kích trả đũa ở những phút cuối cùng, Iran đã thấy “đèn xanh” được bật và cuộc tập kích bằng tên lửa và UAV đã đánh thẳng vào trung tâm nền kinh tế của một đồng minh Mỹ, đó là các cơ sở dầu mỏ quan trọng của Arab Saudi.
Cho đến tuần cuối cùng của tháng 12/2019, khi một nhà thầu quân sự Mỹ thiệt mạng bởi cuộc tấn công do dân quân Iraq (Iran hậu thuẫn), Mỹ đã trực tiếp đối mặt với ba thách thức nói trên ở mức tối thiểu.
Không có gì ngạc nhiên khi phân tích của Iran và hầu hết các chuyên gia trên thế giới đều chính xác rằng phản ứng của Mỹ sau khi “lằn ranh đỏ” bị vượt qua sẽ là tối thiểu.
5 vị trí của dân quân Iraq tại Syria và Iraq bị không kích khiến 25 người thiệt mạng vượt xa những gì Iran “mong đợi”.
Đáp lại, họ đã tổ chức biểu tình và xông vào đại sứ quán Mỹ, điều này khiến người Mỹ nhớ về “ký ức tồi tệ” liên quan tới cuộc khủng hoảng con tin năm 1979 ở Tehran và cuộc tấn công năm 2012 ở Benghazi, Libya.
Có lẽ điều này đã tạo ra một “ấn tượng” quan trọng cho Tổng thống Mỹ Donald Trump tới mức “câu trả lời” là mạng sống của Tướng Soleimani.
Nhưng sau tất cả, không có bất kỳ dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy vụ ám sát làm thay đổi căn bản các thách thức chiến lược và nhiều khả năng, đó sẽ là một sự kiện chỉ xảy ra một lần.
Việc không đáp trả cuộc tập kích tên lửa vào các căn cứ của Mỹ cho thấy chính quyền của ông Trump đã quay trở lại các chính sách trước vụ ám sát Tướng Soleimani. Và vì vậy, quỹ đạo của mối quan hệ Mỹ-Iran vẫn không thay đổi quá nhiều.
Ari Heistein là một nghiên cứu viên của Viện nghiên cứu an ninh quốc gia (INSS).
Eldad Shavit là một nhà nghiên cứu cao cấp tại INSS và trước đây từng giữ cương vị quan trọng trong Tình báo quân sự Israel và Văn phòng Thủ tướng Israel.
(Theo TTT)