8
category
409016

Lan đột biến tiền tỷ, giá trị thật hay chiêu trò thổi giá?

Thành Nhân 13/07/2020 08:19

Dù chưa biết thực hư những vụ giao dịch lan đột biến có giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng thế nào nhưng trên “chợ ảo” hay các nhóm, hội chơi lan đột biến, những giao dịch mua bán lan đột biến giá vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng thì vô cùng sôi động. Dân chơi kháo nhau về việc trồng lan nhanh giàu hơn buôn đất, nhưng sự thật có phải vậy?

Chỉ cần tra từ khóa “lan đột biến” trên công cụ tìm kiếm Google, chỉ sau vài giây đã cho ra vô số các thông tin về lan đột biến, chủ yếu là các thông tin, giao dịch mua bán loài lan này với rất nhiều mức giá khác nhau.

Còn trên nhóm có tên Câu lạc bộ hoa lan đột biến Sông Hàn thu hút hàng chục nghìn thành viên, các thông tin mua bán lan đột biến vô cùng sôi động, với nhiều mức giá khác nhau. Ví dụ, tài khoản có tên Bảo Quyên vừa đăng tin bán một chậu lan đột biến với 7 kie trên thân 4 mầm gốc với giá 179 triệu đồng.

Cũng trên trang này, những mầm cây bé xíu nhưng có giá vài chục triệu đồng nhiều không đếm xuể.

Đầu tháng 6, giới chơi lan được phen trước sự kiện giao dịch 5 giò lan đột biến có tên hoa lan Bình Phước.

Theo hình ảnh công bố, 3 cây lan 5 cánh trắng Bảo Duy có giá từ 5 tỷ đến 12 tỷ đồng. Hai giò lan khác cũng có giá 10 tỷ đồng.

Lan đột biến tiền tỷ, giá trị thật hay chiêu trò thổi giá? - Ảnh 1.
Bông hoa của cây lan đột biến mẹ có tên gọi Huyền thoại bướm đại ngàn được quảng cáo giao dịch thành công với giá 15 tỷ đồng. Ảnh: Chính Trương.

Ngày 2/7, một kie (mầm con phát triển từ mắt của cây mẹ) từ chậu lan đột biến có tên gọi “Huyền thoại bướm đại ngàn” đã được bán thành công với giá 15 tỷ đồng. Giao dịch này đã “soán ngôi” giao dịch chậu lan phi điệp mang tên “Năm cánh trắng vọng xưa” có giá 5 tỷ đồng hồi đầu tháng trước.

Chưa hết sốc thì cách đây vài ngày, cộng đồng chơi lan lại rầm rộ chia sẻ hình ảnh chậu lan Juliet với độ dài chừng 20-30cm được giao dịch với giá 83 tỷ đồng. Thậm chí, có những giao dịch được quảng cáo lên tới hàng trăm tỷ đồng. Nhiều người bày tỏ sự nghi ngờ đây có thể là một chiêu thổi giá.

Tuy vậy, một cán bộ của Hội Sinh vật cảnh Thành phố Hà Nội từng có mặt trong buổi giao dịch giò lan có giá 5 tỉ đồng và người này cho biết đây là những giao dịch thật chứ không ảo.

Theo người này, sở dĩ nhiều người mạnh dạn xuống tiền là do một giò lan đột biến khi mua về có thể giúp chủ nhân lãi vài chục triệu sau một đêm. Do lan đột biến bán tính bằng centimet nên sau vài tháng họ có thể nhân được rất nhiều cây.

Vậy tại sao lan đột biến lại được săn lùng nhiều như vậy? Theo các chuyên gia nông nghiệp, lan đột biến là những giò lan rừng đột biến gen, có mặt hoa, hình dáng độc, lạ. Lan giả hạc là có nhiều dạng đột biến nhất (giả hạc trắng, giả hạc châu như, giả hạc 5 cánh trắng…).

Một chuyên gia trong ngành phân tích: Đột biến là quá trình xảy ra đột ngột, riêng rẽ, ngẫu nhiên, vì vậy, một giống hoa lan đột biến có được màu sắc đẹp, cấu trúc bông chặt chẽ, hương thơm quyến rũ.

Lan đột biến tiền tỷ, giá trị thật hay chiêu trò thổi giá? - Ảnh 2.
Những cây lan đột biến như thế này được giao dịch sôi động trên mạng xã hội. Ảnh: I.T

Tuy lan đột biến rất quý nhưng nhiều người cho rằng thương vụ mua bán lan đột biến gần cả trăm tỷ như vậy là ảo. Thậm chí, những giò lan đột biến giao dịch ở mức 100 triệu đồng là cao và hiếm có giao dịch lên tới 1 tỷ đồng. Thực tế, trên các trang thương mại điện tử, chợ ảo, mức giá lan đột biến thường giao động trong khoảng vài triệu đến vài chục triệu đồng.

Đồng quan điểm, ông Phạm Ngọc Tạo, Chánh Văn phòng Hội Sinh vật cảnh Việt Nam cho rằng, thông tin lan truyền như thế là ảo, không thể có mức giá “khủng” như vậy.

“Lan đột biến quý hiếm, có thể cả vài ba vạn giò mới có 1 giò lan đột biến đẹp. Có giao dịch tiền tỷ tuy nhiên thực tế rất ít. Nhiều người có thể đang muốn đẩy mạnh giá lan đột biến lên nên mới tung giá ảo như vậy”, ông Tạo cho hay.

Điều đáng nói là, theo các chuyên gia trong ngành, lan đột biến hiện không hiếm vì có thể nhân thông thường hoặc cấy ghép mô.

Theo TS. Nguyễn Văn Tỉnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hoa, cây cảnh (Viện Nghiên cứu Rau quả, Bộ NNPTNT), thực ra đột biến rất đơn giản, hai cây lai với nhau tạo ra một giống khác, nó có đặc điểm khác với cây bố mẹ thì là lan đột biến.

Tuy vậy, để đột biến ra được giống hoa có màu sắc đẹp nhiều người thích thì cũng không phải dễ, nó là xác suất may mắn, có khi hàng nghìn con lai, hàng triệu con lai mới ra được giống đẹp như thế.

“Để lai tạo giống mới thì không khó nhưng để tạo ra được cây đặc biệt, màu sắc hài hoà, đẹp thì hiếm”, ông Tỉnh cho hay.

Hiện nay, việc nhân bản lan đột biến khá dễ, nên có nhiều người mua lan đột biến để kiếm lời, một mầm cây được bán theo centimet, mỗi centimet có giá từ mấy trăm nghìn đến cả chục triệu đồng.

Tuy nhiên việc này cũng có rất nhiều rủi ro như cây chết, gãy hoặc “đẻ như rau muống” cho ra nhiều ki nhưng ít hoa, thậm chí không có hoa.

Từ thực tế này, các chuyên gia đưa ra lời khuyên, người chơi lan nên cân nhắc, tìm hiểu kỹ trước khi mua bán bởi hiện tại thị trường lan đột biến đã bị thổi giá lên rất nhiều. Cũng không loại trừ nhiều người vì lợi nhuận tạo ra lan đột biến bằng hình thức nuôi cấy mô, loại này ra nhiều mắt (kei) nhưng ít hoa hoặc màu sắc hoa không đẹp.

Làm giàu nhanh hơn buôn đất?

Quá nhiều giao dịch gây náo loạn thị trường đang khiến nhiều người không tin vào những con số tiền tỷ, chục tỷ, trăm tỷ… đó. Chị Lê Kim Ngân, một người chơi lan lâu năm tại Hà Đông, Hà Nội cho biết: “Những chậu lan có giá vài trăm triệu đến cả tỷ đồng là có thật. Tuy nhiên con số này không nhiều. Trong hội chơi lan của tôi cũng có nhiều người sở hữu lan quý nhưng cũng chỉ có giá lên tới hơn 1 tỷ đồng là hết, những chậu giá vài tỷ đồng thường không phải giá trị thật”.

Chị Ngân nghi ngờ, nhiều vườn lan đang lợi dụng việc mua bán, trao đổi những cành lan đột biến để thổi phồng giá trị, đánh bóng tên tuổi một cách không lành mạnh, mục đích làm nhiều người biết đến vườn lan của mình hơn, thậm chí thu lợi bất chính.

Kei “Huyền thoại Bướm đại ngàn” được một chủ vườn lan tại Hà Nội rao bán với giá 15 tỷ đồng.

Cũng là một người chơi hoa lan lâu năm, anh Đình Trường ở Ba Vì, Hà Nội chia sẻ: “Tôi đã từng tham gia vài buổi giao dịch hoa lan lên tới vài tỷ đồng và nhận thấy kịch bản của họ tương tự nhau là thuê một nhà hàng ăn uống hoặc cà phê rồi trưng biển, phông bạt làm màu. Sau đó là chồng tiền và hoa để cạnh nhau rồi chụp ảnh đăng facebook thậm chí gửi thông tin đến báo chí để quảng bá. Cũng có những thương vụ giao dịch thực sự, nhưng cũng có buổi chỉ làm màu xong là thôi.

Thậm chí, tôi nghi ngờ kịch bản nhiều chủ vườn bỏ tiền thuê người đến vờ trả giá càng lan của mình với giá vài tỷ rồi đăng lên, sau đó cũng có màn trao lan, trao tiền nhưng quay đi quẩn lại vẫn là tiền của người chủ. Thậm chí một thời gian sau họ còn tung tin đã bỏ ra số tiền lớn gấp nhiều lần số tiền ban đầu bán để mua lại chính cành lan đó với lý do có duyên. Nhưng thật ra đây là chiêu trò thổi giá không mới nhằm che mắt những người mới gia nhập sân chơi này”.

Lễ chuyển nhượng cành lan có giá 1.400 tỷ đồng.

Với những người mới chơi hoặc thấy thị trường đang sôi sục có ý định đầu tư, anh Trường cho rằng mọi người nên tìm hiểu thật kỹ các thông tin trước khi mua, bán hoặc đầu tư vào lan để tránh bị lừa, lợi dụng và mất tiền oan.

Nhiều chuyên gia về sinh vật cảnh cũng khẳng định, việc những cành lan có giá trị lớn do hiếm và độc đáo là có, tuy nhiên để có giá vài trăm thậm chí tới nghìn tỷ đồng là không có. Việc nâng giá ảo, bán khống sẽ làm thị trường bị nhiễu loạn thông tin, ảnh hưởng đến thị trường chung và các giao dịch khác. Ngoài ra nó sẽ còn làm mất đi tính ổn định vốn có của thị trường cây cảnh.

Thành Nhân

Đọc nhiều