2
category
452337

Lần đầu phê chuẩn chiến lược quản lý môi trường hạ lưu sông Mekong

27/11/2020 20:09

Ủy hội sông Mekong lần đầu thông qua chiến lược quản lý môi trường bao trùm vùng hạ lưu, nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ hệ sinh thái sông Mekong.

Hội đồng Ủy hội sông Mekong (MRCC) họp theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của nước chủ nhà Lào hôm 26/11, trong đó thông qua nhiều văn kiện mang tính chiến lược, vạch ra hướng đi mới cho MRC và thúc đẩy nỗ lực cân bằng giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tại châu thổ sông Mekong, theo thông cáo của MRCC.

Hội đồng MRC đã lần đầu thông qua chiến lược quản lý môi trường có phạm vi bao trùm toàn bộ vùng hạ lưu sông Mekong mang tên “Chiến lược Quản lý Môi trường toàn lưu vực đối với Tài sản môi trường của Các khu vực sinh thái quan trọng giai đoạn 2021-2025”, nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ hệ sinh thái sông Mekong trước biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế.

Sông Mekong đoạn chảy qua biên giới Thái Lan và Lào hồi năm 2019. Ảnh: Reuters.
Sông Mekong đoạn chảy qua biên giới Thái Lan và Lào hồi năm 2019. Ảnh: Reuters.

“Việc thông qua các tài liệu chiến lược khẳng định rõ ràng cam kết đối phó với những thách thức ngày càng lớn trong khu vực, cũng như mang tới giải pháp phát triển có trách nhiệm để cải thiện đời sống cho người nghèo”, chủ tịch MRCC năm 2020 Sommad Pholsena nói trong cuộc họp.

Hội đồng MRC cũng thông qua Chiến lược Phát triển Lưu vực (BDS) giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch Chiến lược của MRC (SP) giai đoạn 2021-2025. Các tài liệu này thừa nhận vai trò của MRC đã chuyển từ tập trung hợp tác chia sẻ và thu thập kiến thức sang hợp tác toàn diện nhằm phát triển và quản lý tài nguyên nước trên toàn châu thổ sông Mekong.

Quy hoạch tổng thể về giao thông thủy cũng được phê chuẩn, cho phép MRC cải thiện quy tắc di chuyển, thu hút đầu tư và hiện thực hóa tiềm năng thương mại khu vực.

Sông Mekong dài khoảng 4.350 km, bắt nguồn từ Trung Quốc và chảy qua Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar và Việt Nam trước khi đổ ra Biển Đông. Đây được coi là một trong những huyết mạch của Đông Nam Á, bảo đảm cuộc sống cho gần 200 triệu người trong ngành nông nghiệp và thủy sản.

Vũ Anh/VNE

Đọc nhiều