130115
topics
566949

Lần cuối nhìn thấy mẹ trên chiếc xe lăn

19/11/2021 09:36

Vượt qua quãng đường 200 m, hai người dừng lại trước cổng Bệnh viện quận Bình Thạnh. Các nhân viên tại cổng viện mở một lối riêng để đón ca F0 vào cấp cứu. Chị Trần Bạch Lan Anh (con gái bà lão) với tay qua hàng rào phong tỏa để nhận lại chiếc xe lăn từ nhân viên y tế. Đôi mắt người phụ nữ vẫn mở to đầy hoang mang sau cả buổi chiều không thể gọi được xe cứu thương. Đó là lần cuối chị Lan Anh nhìn thấy mẹ.

Con nhieu dieu chua kip lam cho me anh 1

Tiếng bánh xe lăn gõ xuống mặt đường nhựa hòa với tiếng thở dốc của nhân viên y tế. Bước chân của anh gấp gáp khi đẩy bà lão băng theo lề đường Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Bà cụ nhiễm SARS-CoV-2 và đã phải chịu đựng cơn khó thở suốt 2 giờ trước khi được đưa ra khỏi nhà.

Vượt qua quãng đường 200 m, hai người dừng lại trước cổng Bệnh viện quận Bình Thạnh. Các nhân viên tại cổng viện mở một lối riêng để đón ca F0 vào cấp cứu.

Chị Trần Bạch Lan Anh (con gái bà lão) với tay qua hàng rào phong tỏa để nhận lại chiếc xe lăn từ nhân viên y tế. Đôi mắt người phụ nữ vẫn mở to đầy hoang mang sau cả buổi chiều không thể gọi được xe cứu thương. Đó là lần cuối chị Lan Anh nhìn thấy mẹ.

Cơn nguy kịch tại nhà

Chị Trần Bạch Lan Anh (50 tuổi) sống trong một con hẻm cách bệnh viện quận Bình Thạnh 200 mét. Khoảng cách ngắn ngủi đó đã dài đến vô tận trong cái ngày mà y tế địa phương đến dựng hàng rào trước hẻm, yêu cầu những người ở bên trong không được bước ra ngoài.

“Trong lần test nhanh hôm 22/7, 5 người trong nhà tôi thành F0. Riêng con trai lớn của tôi âm tính, nó được tiêm một mũi vaccine”, chị Lan Anh kể lại.

Con nhieu dieu chua kip lam cho me anh 2
Mẹ chị Lan Anh được đưa đến cổng bệnh viện Bình Thạnh bằng xe lăn. Ảnh: Ngọc Tân.

Hai ngày sau, kết quả xét nghiệm rRT-PCR vẫn chưa được báo về, cũng chưa có chuyến xe nào đưa mọi người đi viện. Thời điểm cuối tháng 7, những thành viên F0 trong gia đình chị Lan Anh được hiểu là những người bất đắc dĩ phải ở nhà vì bệnh viện đang quá tải. “Điều trị F0 tại nhà” là khái niệm về sau mới được phổ biến ở TP.HCM.

Dù đã cố gắng không tiếp xúc với nhau, đến trưa 24/7, mọi ranh giới giãn cách giữa những người trong gia đình bị xóa nhòa khi cụ bà 88 tuổi lên cơn khó thở.

“Lúc biết mình dương tính, mẹ tôi cứ nói với các cháu là ‘không sao đâu, bà khỏe mà’. Chắc bà cảm nhận được con cháu lo lắng nên cũng ráng bình tĩnh. Nhưng bà nằm liệt một chỗ, lại có bệnh nền tiểu đường, tim mạch nên triệu chứng phát rất nhanh”, chị Lan Anh chia sẻ.

Trưa 24/7, cả nhà xúm lại quanh bà lão đang thở từng hơi nặng nhọc. “Sao xe lâu tới quá, có máy thở không?”, bà thều thào. Những đứa trẻ chỉ biết xoa bóp chân tay, động viên bà ráng chờ đợi. Một người cháu bật chiếc máy xông mũi họng cho bà dùng đỡ. Chiếc máy gần như vô dụng vì không cung cấp được oxy.

Cán bộ y tế phường có mặt, khám sơ bộ và kết luận bệnh nhân bị tụt oxy. Chỉ kết luận vậy thôi, họ cũng không có bình oxy, thứ quan trọng nhất với bà cụ vào thời điểm ấy.

Ở ngoài cửa nhà, chị Lan Anh luống cuống gọi điện cho cán bộ phường xin đưa mẹ đi cấp cứu. Nhà chị chỉ cách bệnh viện Bình Thạnh 200 m, nhưng ở ngay đầu hẻm là hàng rào phong tỏa. Suốt 2 giờ đồng hồ, không ai gọi được xe cứu thương hay máy thở. Gia đình bệnh nhân xin tự kiếm xe cứu thương nhưng cũng không kiếm được chiếc xe nào.

Đến chập tối, lãnh đạo phường và lực lượng y tế phường đã đứng hết ngoài đầu hẻm. Họ huy động được 2 nhân viên y tế của Bệnh viện quận Bình Thạnh đến nhà thăm khám.

“Hai người mặc đồ bảo hộ bước vào nhà, nhìn thấy mặt mẹ tôi tím tái là họ yêu cầu đưa đi viện ngay, không kịp thăm khám gì nữa”, chị Lan Anh nhớ lại.

Trong dòng xe cộ ngược xuôi đường Lê Văn Duyệt tối hôm đó, nhiều người đã chứng kiến cảnh tượng một bà lão ngồi trên xe lăn, phía sau là một nhân viên y tế đẩy xe chạy băng băng giữa lòng đường. Khi xe vào đến cổng bệnh viện Bình Thạnh, bà cụ đã rơi vào hôn mê.

Khoảng trống trong lòng

Tối hôm đó, chị Lan Anh chưa biết rằng những đứa con của mình sẽ vĩnh viễn mất đi bà ngoại. Bà cụ được cho thở oxy tại bệnh viện Bình Thạnh rồi được chuyển thẳng đến Trung tâm hồi sức bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2. Ở nơi có trang thiết bị tốt và bác sĩ ICU giỏi, bà cụ vẫn không qua khỏi.

“Mẹ mất ngày 7/8, vài ngày sau thì người ta đưa tro cốt của bà về nhà”, chị nhớ lại.

Con nhieu dieu chua kip lam cho me anh 4
Người lính dân quân tự vệ chuyển tro cốt bệnh nhân mất vì Covid-19 về cho gia đình. Ảnh: Ngọc Tân.

Trong lần cả nhà dương tính khi test nhanh SARS-CoV-2, rốt cuộc chỉ có chị Lan Anh và bà cụ được khẳng định mắc Covid-19 khi test lại bằng PCR. Chị nhập viện, trải đủ các triệu chứng và may mắn vượt qua. Di chứng mà Covid-19 để lại cho người phụ nữ 50 tuổi là những cơn đau khớp gối và khó thở khi vận động mạnh.

Sau khi mẹ mất, gia đình chị còn phải trải qua hơn 1 tháng siết chặt giãn cách ở TP.HCM. Đó là những tháng ngày phải chi li tính toán từng bữa ăn. Khi giai đoạn khó khăn qua đi, thành phố khôi phục lại các hoạt động, người phụ nữ 50 tuổi mang chiếc xe Honda đi làm shipper để bù đắp lại thiệt hại kinh tế trong những ngày giãn cách.

“Nhiều khi đi qua một quãng đường, mình cứ nghĩ đi vô cái đường này để mua một miếng bánh về cho bà ăn, nhưng rồi sực nhớ lại là không còn bà nữa”, chị Lan Anh tâm sự.

Sự ra đi của người mẹ để lại một khoảng trống lớn trong căn nhà và cả trong lòng chị Lan Anh. Người cha đã qua đời từ khi chị mới lọt lòng. Chị sống gắn bó với mẹ, ở bên chăm sóc trong những lần bà đổ bệnh. Đến khi mẹ mất, chị mới biết cảm giác mất người thân lần đầu tiên trong đời.

“Còn nhiều điều chưa kịp làm cho mẹ. Bà định trong năm nay sẽ ra Bắc, về thăm quê hương Nam Định một chuyến cuối. Bà cũng muốn thấy con trai út của tôi đậu đại học, rồi chụp tấm hình tốt nghiệp với nó”, chị Lan Anh day dứt.

Quan sát quá trình dập dịch tại TP.HCM nhiều ngày sau đó, chị Lan Anh đã chứng kiến nhiều trường hợp tương tự như mẹ mình đã được cứu sống nhờ những tổ quân y lưu động và những viên thuốc đặc trị Covid-19. TP.HCM đã vượt qua giai đoạn khốc liệt nhờ những thay đổi như chấp nhận cho F0 điều trị tại nhà, phát thuốc cho F0 hay tăng cường bác sĩ quân y cho các phường xã.

Nhắc lại cảm xúc khi thấy lực lượng y tế phường bất lực trong việc cứu mẹ mình, chị Lan Anh thừa nhận ngay lúc đó chị đã rất buồn và tức giận. Nhưng sau này ngẫm lại, chị thông cảm vì hệ thống y tế khi đó đã không thể làm gì hơn. “Tuy buồn và day dứt nhưng tôi cũng thấy mừng khi hệ thống y tế đã lắng nghe và cố gắng thay đổi để cứu sống được nhiều người về sau”, chị chia sẻ.

Ngày 19/11, thời điểm TP.HCM tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào mất vì Covid-19, chị Lan Anh tự nhủ sẽ cùng các con quây quần bên màn hình TV và nhớ về người mẹ đã qua đời.

Minh Ngọc

Tags :
Đọc nhiều