Làm thêm giờ nên vì lợi ích doanh nghiệp hay lợi ích người lao động?

24/10/2019 16:36

Tăng giờ làm thêm là hạn chế quỹ thời gian để người lao động nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, chăm sóc gia đình, vui chơi, giải trí, tham gia các hoạt động xã hội nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và nâng cao trình độ. Việc nâng tuổi nghỉ hưu cũng cần được cân nhắc để tránh gây hệ lụy.
Sáng 23/10, góp ý vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), phản biện lại việc ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị giữ nguyên quy định hiện nay về giờ làm việc bình thường, khu vực hành chính 40 giờ mỗi tuần, khu vực doanh nghiệp 48 giờ; còn giờ làm thêm tối đa tăng lên theo dự thảo Bộ luật, 400 giờ/năm thay vì 300 giờ. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM nêu ý kiến “đặt vấn đề làm thêm giờ là đi ngược lại tiến bộ xã hội”. Bà Tâm cho rằng, Việt Nam nên xây dựng chính sách để công nhân “làm ít giờ nhưng thu nhập tăng thêm, giúp họ có thời gian tái tạo sức lao động, làm việc tốt hơn”.

Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, chúng ta phải trả lời câu hỏi vì sao công nhân cần làm thêm giờ. Bà nhận định đó là câu hỏi quá dễ trả lời, chỉ vì tiền lương, thu nhập hiện nay của người công nhân quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống.
“Hãy nhìn vào cuộc sống thực tế của người công nhân, nhìn vào dáng vẻ của người công nhân, tâm thế của người công nhân khi đến làm việc. Hãy nhìn vào những đứa trẻ mà cha mẹ phải gửi về quê…”, bà Tâm đang tranh luận thì bật khóc. Giọng nghẹn ngào, đại biểu Tâm cho rằng không có người cha, người mẹ nào muốn xa con, thậm chí 1-2 năm họ không được về thăm con. Rất nhiều người ông, người bà rất già rồi vẫn phải giữ cháu để cha mẹ chúng đi làm việc.
“Ta phải trân trọng những lao động như thế. Họ không cam chịu, không muốn trở thành gánh nặng xã hội, họ phải đi tìm việc làm mà nói rằng họ tự nguyện để làm quần quật suốt ngày thì tôi cho rằng quan điểm này cần tranh luận làm rõ”, nữ đại biểu không kìm nén được cảm xúc.

quyetam1234
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) phát biểu tại hội trường ngày 23.10

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Phúc – Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Bình Thuận đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành là thời gian làm thêm không quá 200 giờ mỗi năm, trường hợp đặc biệt giao cho Chính phủ quy định và không quá 300 giờ. Hê lụy là khi các doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng lao động trình độ thấp thì đồng nghĩa là họ không khuyến khích người lao động nâng cao trình độ và các cơ sở giáo dục đào tạo không chịu sức ép của thị trường để đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo. Việc này làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp, kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, ảnh hưởng rất lớn tới sức cạnh tranh về lao động của Việt Nam so với các quốc gia khác.

Ngoài ra, trên thực tế, giờ làm việc tiêu chuẩn của Việt Nam là 48 giờ/ tuần, tương đương với các quốc gia đang phát triển, cạnh tranh lao động với Việt Nam như Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh, Malaysia, Philippines, Lào… Vì vậy, không thể nói thời gian làm việc của Việt Nam nhiều hơn các nước nên không tăng khung thời gian làm thêm giờ.

Chúng ta không thể không thừa nhận thực tế là năng suất lao động của Việt Nam còn thấp, tỷ trọng các ngành thâm dụng lao động có giá trị gia tăng thấp vẫn còn lớn. Thực tế đó cho thấy, nhu cầu mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ là nhu cầu có thực để góp phần tăng thu nhập cho người lao động, tăng tính linh hoạt khi tổ chức làm thêm giờ và góp phần tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

Thực tế đáng buồn không thể phủ nhận trên đưa đến hệ lụy là năng suất lao động của chúng ta ở hạng bét trong khu vực. Tính theo PPP 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2018 chỉ bằng 7,3% so với của Singapore; 19% của Malaysia; 37% của Thái Lan; gần 45% của Indonesia, và gần 56% của Philippines.
Đến nay, năng suất lao động của Việt Nam mới đạt 11.142 USD. Chênh lệch năng suất lao động (tính theo PPP 2011) của Singapore và Việt Nam tăng từ 132.566 USD năm 2011 lên 141.276 USD năm 2018; tương tự, của Malaysia từ 42.397 USD lên 47.545 USD; Thái Lan từ 14.985 USD lên 18.973 USD. Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của nước.

Sáng 14/8 vừa qua, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về vấn đề mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa của người lao động và cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân xin phép nói dài vì từng là Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đã nghiên cứu nhiều về vấn đề này. Bà Ngân chia sẻ lịch sử của những lần điều chỉnh giờ làm thêm từng có những phiên tranh luận gay gắt. Thậm chí, có lần doanh nghiệp, các hiệp hội, ngành nghề đề xuất tăng giờ làm thêm lên tới mức 700-800 giờ/năm.

“Giảm giờ làm là một xu hướng tiến bộ, là mong muốn của chúng ta. Ta chưa giảm được mà còn tính tăng thêm giờ làm. Xã hội tiến bộ, phát triển văn minh mà chúng ta ngồi đây bàn tăng thời gian làm thêm cho người lao động thì phải cân nhắc”, bà Ngân nói và thể hiện quan điểm không đồng ý.

Làm thêm giờ có những thời điểm được coi là yếu tố sống còn của doanh nghiệp bởi nó quyết định năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau, với các đối thủ nước ngoài. Vì có thể cùng một đơn hàng, một doanh nghiệp ở quốc gia khác hoàn thành nhanh hơn một doanh nghiệp ở Việt Nam, đương nhiên nhà đầu tư sẽ chọn doanh nghiệp hoàn thành đúng tiến độ.
Đất nước còn nghèo, mức sống thấp, người lao động cũng muốn làm thêm để thêm thu nhập. Nhưng người Việt có đủ sức khỏe tăng ca triền miên trong điều kiện làm việc và ăn uống hiện tại? Đó cũng là điều cần tính kỹ cho lâu dài.

Quy định, nhất là những quy định liên quan đến con người, đến sức khỏe của hàng chục triệu con người là điều cần cân nhắc. Những ai thường làm thêm giờ? Đa phần là anh chị em công nhân trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Ngoài thể trạng và sức khỏe của người Việt Nam còn hạn chế thì điều kiện làm việc trong các doanh nghiệp này không phải tất cả đều tốt.

Không phải người lao động nào cũng có nhu cầu và đủ sức khỏe đáp ứng việc tăng ca liên tục. Tăng giờ làm thêm, tăng thu nhập là thực tế nhưng cũng là cách các chủ doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn trong việc ép người lao động làm thêm. Có những người làm thêm đến suy kiệt sức khỏe, bệnh tật và cuối cùng tự nghỉ việc hoặc bị sa thải một cách “rất hợp lý”.

Nếu được tăng thêm giờ làm, doanh nghiệp sẽ hạn chế tuyển dụng lao động mới; điều này cũng sẽ gây áp lực về mặt xã hội rất lớn về cơ hội việc làm. Tăng giờ làm thêm là nhu cầu có thật của một bộ phận người lao động.
Không thể mãi tập trung lựa chọn việc tăng giờ làm thêm, gây nên hạn chế quỹ thời gian để người lao động nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, chăm sóc gia đình, vui chơi, giải trí, tham gia các hoạt động xã hội nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và nâng cao trình độ. Việc nâng tuổi nghỉ hưu cũng cần được cân nhắc để tránh gây hệ lụy.

Phạm Minh Hà

Đọc nhiều