Làm sao phát hiện, loại bỏ lãnh đạo chỉ lo giữ mình vì sợ mất phiếu

18/08/2019 06:39

Theo TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đối với cán bộ lãnh đạo có biểu hiện giữ mình, né tránh, sợ mất phiếu khi Đại hội Đảng diễn ra, tuy họ kín đáo nhưng vẫn có sự bộc lộ để nhận diện.

lam sao phat hien, loai bo lanh dao chi lo giu minh vi so mat phieu hinh anh 1
Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký Kết luận 55 của Ban Bí thư về việc tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ để chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (ảnh Đ.D).

Mới đây Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Kết luận số 55 về việc tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ để chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Theo TS. Nguyễn Tiến Dĩnh, đối với công tác nhân sự chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp và tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc bao giờ cũng được chuẩn bị chu đáo, công phu từ quy trình giới thiệu, lựa chọn và đưa vào quy hoạch.

“Liên quan đến việc chuẩn bị nhân sự nhiệm kỳ tới, ngoài Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có Kết luận số 55, trong đó có nhấn mạnh về công tác phát hiện, sàng lọc và kiên quyết loại bỏ những người bảo đảm tiêu chuẩn về độ tuổi, uy tín…; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mất đoàn kết, “cục bộ”, “lợi ích nhóm”; thiếu gương mẫu, không sẵn sàng chấp hành sự phân công, điều động của cấp có thẩm quyền; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, gây thất thoát tiền bạc, tài sản của Nhà nước; phẩm chất, năng lực hạn chế, có biểu hiện “chạy chọt, vận động, tranh thủ lẫn nhau”; thiếu tích cực trong công tác, sợ trách nhiệm, “dĩ hòa vi quý”…”, TS Dĩnh nói và khẳng định đây là điều rất cần thiết trong công tác nhân sự của Đảng.

Điểm đáng chú ý của Kết luận 55, Ban Bí thư đã nêu, có nơi, cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, nhất là người đứng đầu cấp ủy còn đủ điều kiện tái cử có hiện tượng giữ mình, né tránh, ngại va chạm, không chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận; thiếu tích cực triển khai các mặt công tác, nhất là những việc khó, nhạy cảm, phức tạp vì sợ “mất phiếu”, ảnh hưởng đến bản thân, gây ra sự trì trệ trong xử lý, giải quyết công việc chung.

TS. Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, đối với cán bộ lãnh đạo mà chỉ lo giữ mình thì sẽ triệt tiêu sự đấu tranh để phát triển, làm trì trệ đơn vị. “Đây là dạng người cơ hội, nếu để lọt vào bộ máy thì chẳng đem lại tác dụng gì, thậm chí còn nguy hại”, TS Dĩnh nói.

Vẫn theo TS Dĩnh, người đã vào cấp ủy, nhất là đứng đầu cấp ủy thì phải có tính chiến đấu vì mục tiêu chung, còn như sợ mất phiếu rồi biểu hiện né tránh, ngại va chạm, giữ mình kiểu “tròn vo” thì người này chỉ vì lợi ích cá nhân.

Vậy kiểu người này do không bộc lộ rõ ra ngoài, bản thân họ luôn “dĩ hòa vi quý” nên thường sẽ không mất lòng người khác, như vậy việc nhận diện, phát hiện để loại bỏ có gặp khó khăn?

Theo TS Nguyễn Tiến Dĩnh, loại người kiểu này dễ phát hiện nhưng cấp ủy Đảng hoặc người đứng đầu cấp ủy gặp phải trường hợp như vậy có mạnh dạn chỉ ra không hay lại xuê xoa cho rằng họ là người tốt; hay vì lý do này, lý do khác cố tình không phát hiện.

“Kiểu người này thường kín đáo, không bộc lộ điều gì ra ngoài, tuy nhiên không bộc lộ thành bộc lộ. Chẳng hạn trước một vấn đề, sự việc nào đó, anh là người trong cấp ủy, hoặc là đứng đầu cấp ủy mà không bày tỏ chính kiến, quan điểm gì có nghĩa anh đang né tránh, giữ mình; trường hợp người đứng đầu cấp ủy không tích cực triển khai các mặt công tác, nhất là việc khó, nhạy cảm thì cũng lộ ra ý đồ lo giữ mình”, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói.

Lương Kết/Dân Việt

Đọc nhiều