Làm sao để giữ chân niềm tin cho người đầu tư trái phiếu?
Liên tiếp những “biến cố” tại doanh nghiệp lớn như Tân Hoàng Minh, FLC, Công ty An Đông… đã khiến thị trường liên tục chao đảo, sụt giảm mạnh. Nguyên nhân chính là do nhà đầu tư đang mất niềm tin vào thị trường. Việc cần làm ngay bây giờ là lấy lại niềm tin của nhà đầu tư cho thị trường.
Khủng hoảng niềm tin trên thị trường trái phiếu
Năm 2022, chúng ta liên tiếp đón nhận những thông tin chấn động về vi phạm của những doanh nghiệp hàng đầu như Tân Hoàng Minh, FLC, Vạn Thịnh Phát và mới đây là SCB. Đây đều là những “ông lớn” trong các lĩnh vực bất động sản, tài chính…
Việc điều tra, xử lý nghiêm các vụ án liên quan đến lĩnh vực này là cần thiết để thanh lọc thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và chứng khoán. Tuy nhiên, việc này đã gây nên cú sốc cho thị trường chứng khoán. Theo khảo sát trong 10 tháng của năm 2022, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt gần 330.000 tỷ đồng, giảm 25,2% so với năm 2021.
Số lượng trái phiếu phát hành mới sụt giảm, các công ty vẫn phải mua lại trái phiếu trước hạn do trái phiếu có sai phạm hoặc nhiều nhà đầu tư lo lắng và muốn rút tiền sớm…Và đặc biệt hơn, điều này đã gây mất niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường.
Các tin đồn trên thị trường tài chính liên quan đến một số tập đoàn, khó khăn của thị trường bất động sản khiến nhà đầu tư lo lắng, mất niềm tin. Các rủi ro trái phiếu doanh nghiệp bị thổi phồng, nhà đầu tư quay lưng với cả những cổ phiếu không liên quan. Kể cả những người đang nắm tiền mặt cũng chưa sẵn sàng tham gia vào thị trường. Bên cạnh đó lãi suất ngân hàng cao khiến nhiều người bán trái phiếu để chuyển sang gửi tiết kiệm.
Niềm tin chung vào thị trường bị sụt giảm, tâm lý lo sợ đã khiến nhà đầu tư bán tống bán tháo trái phiếu, bất kể là trái phiếu tốt hay xấu. Doanh nghiệp đã khó tiếp cận vốn lại phải gồng mình mua lại trái phiếu do nhà đầu tư bán.
Tác động này lan truyền mạnh mẽ từ các doanh nghiệp như doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp, một số công ty chứng khoán và ngân hàng thương mại có tham gia phát hành trái phiếu doanh nghiệp và lan sang cả thị trường tài chính.
Và nếu tình trạng này không được giải quyết, nó sẽ tác động đến cả nền kinh tế. Những nguy cơ đóng cửa kinh doanh, sa thải lao động là điều có thể.
Rất cần các giải pháp thiết thực, kịp thời
Nguyên tắc quy luật vận hành thị trường là các doanh nghiệp hay nhà đầu tư đều phải tự chịu trách nhiệm với các hoạt động giao dịch, đầu tư của mình. Tuy nhiên, để tránh đổ vỡ dây chuyền, gây ra những hệ lụy lớn thì trong một giai đoạn nhất định, Chính phủ cần có sự can thiệp.
Trong đợt khủng hoảng tài chính năm 2008, Chính phủ Mỹ cũng đã phải cứu trợ, ngăn đổ vỡ dây chuyền, chứ không thể để mặc cho doanh nghiệp tự xoay xở theo đúng nguyên tắc kinh tế thị trường. Cụ thể, chính quyền liên bang Mỹ đã dùng 200 tỷ USD để cứu Freddie Mac và Fannie Mae (hai nhà cho vay thế chấp lớn nhất nước) khỏi phá sản và cứu AIG (một trong ba công ty bảo hiểm lớn nhất) bằng cách mua 80% cổ phần tương đương 85 tỷ USD.
Với nhiều điểm tương đồng với sự kiện của Mỹ năm 2008, Việt Nam có thể khảo sát một kịch bản khả thi. Trong đó, Chính phủ có thể đưa ra chương trình trả nợ linh hoạt đối với một số trái phiếu phát hành đúng quy định hay cho vay đặc biệt đối với một số doanh nghiệp để họ có phần trả nợ từ đó lấy lại niềm tin đối với người mua.
Giải pháp cấp thiết được nhiều người nhắc đến hiện nay, đó là nới room tín dụng ngân hàng, như một cách “bơm thêm máu” cho thị trường tiếp tục hoạt động. Bởi hiện tại, nguồn vốn đang ngày càng khó khăn, trong khi các kênh huy động đều bị thắt lại.
Tuy nhiên, thay vì cung tiền và nâng lãi suất toàn thị trường, Ngân hàng Nhà nước cũng có thể cân nhắc phương án thanh khoản cho các ngân hàng thương mại mua lại trái phiếu doanh nghiệp. Lãi suất huy động giảm, lãi suất cho vay cũng sẽ giảm và như vậy sẽ giảm nguy cơ gây bất ổn vĩ mô.
Thực tế, Chính phủ cũng đã có những thông điệp rõ ràng rằng, “Chính phủ đã nhìn thấy những khó khăn và đang tìm cách giải quyết nhanh nhất để lấy lại niềm tin với khách hàng”.
Ở chiều ngược lại của các doanh nghiệp, họ cũng cần đồng hành nhiều hơn cùng cơ quan quản lý trong việc lấy lại niềm tin thị trường. Doanh nghiệp phải đẩy mạnh việc tuyên truyền đối thoại với người mua. Họ phải để người dân và các nhà đầu tư hiểu được rằng, cổ phiếu là kênh đầu tư hiệu quả. Để làm được điều đó, sự chủ động trong việc chia sẻ với các cơ quan truyền thông về những thông tin tích cực, hữu ích là tiền đề đầu tiên, nếu không nói là quan trọng nhất.
Đặc biệt, đúng như quan điểm của Bộ Tài chính, doanh nghiệp cần có trách nhiệm với nhà đầu tư theo đúng những gì mình cam kết. Để giữ được niềm tin với khách hàng, doanh nghiệp phải trả nợ trái phiếu đúng hạn. Dẫu khó khăn, phải bán các tài sản, không được để nhà đầu tư mất niềm tin.
Về lâu dài, xây dựng niềm tin vào trái phiếu doanh nghiệp cần có phương thức xếp hạng tín dụng doanh nghiệp sát sao hơn để phản ánh đúng tình hình doanh nghiệp. Và cũng cần ần có lộ trình để bắt buộc doanh nghiệp niêm yết trái phiếu công khai để tiến tới giao dịch công khai như thị trường cổ phiếu. Đồng thời những quy định, luật liên quan đến cổ phiếu cũng được hoàn thiện chặt chẽ hơn
Hi vọng, những nỗ lực và giải pháp đồng bộ từ cả Chính phủ, doanh nghiệp và người dân sẽ từng nước đưa trái phiếu doanh nghiệp trở lại quỹ đạo tăng trưởng tốt và giảm áp lực cho vay cho các ngân hàng.
Phan Tâm