Làm rõ tin đồn “Việt Nam phải đền cho Repsol 1 tỷ 200 triệu USD”

Hàn Nguyên 29/06/2020 18:53

Ngày 23/6, trang thoibao.de đăng tải bài viết với tiêu đề “Việt Nam phải đền cho Repsol 1 tỷ 200 triệu USD” mà theo “tờ báo” này huênh hoang là “thông tin tuyệt mật”. Theo đó, thoibao.de loan tin rằng Tập đoàn dầu khí Repsol (Tây Ban Nha) yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam – PVN) phải bồi thường số tiền lên đến hơn 1 tỷ USD do bị Chính phủ Việt Nam buộc chấm dứt họat động thăm dò mò dầu mỏ ở lô 136-03. Nhưng những gì mà thoibao.de gắn mác “tuyệt mật” đáng tin được bao nhiêu phần?

Theo thông tin chính thức được thông báo từ Tập đoàn Repsol, hoạt động thăm dò lô 136-03 bắt đầu từ tháng 6/2017. Đến tháng 8/2017, Repsol xác nhận ngừng các hoạt động thăm dò mỏ khí tại khu vực. Đây là cái cớ mà các trang mạng lợi dụng để loan truyền những thông tin về tình hình kinh tế biển Việt Nam, với đủ các thuyết âm mưu được đưa ra, từ “Trung Quốc đe dọa”, “Việt Nam đầu hàng”, cho đến các luận điệu xuyên tạc gây chia rẽ từ chính doanh nghiệp Việt Nam khi gọi đây là “đòn đánh làm kiệt quệ PVN”.

Tuy nhiên, cần nhớ rằng trong thông cáo của mình, Tập đoàn dầu khí Repsol hoàn toàn không hề đề cập đến cái gọi là “đền bù thiệt hại” mà những trang mạng trôi nổi đang vuốt ve bản thân bằng hai chữ “tuyệt mật” tự phong.

Giàn khoan Hakuryu-5 thuộc Công ty khoan Nhật Bản (JDC) điều hành đang tiến hành khoan thăm dò bình thường tại lô 06.1, bể Nam Côn Sơn từ ngày 15-5 đến 30-7-2019.

Đối với các tập đoàn khoáng sản-năng lượng trên thế giới, việc chấm dứt hoặc cắt giảm các hoạt động thăm dò, khai thác thực tế là điều không hề hiếm gặp, và thường gắn liền với câu chuyện ngân sách và bài toán kinh tế, thương mại. Điển hình nhất, Tập đoàn Nghiên cứu và Tư vấn năng lượng Wood Mackenzie (Anh Quốc) trong một báo cáo cho biết có đến hơn 68 dự án khai thác dầu bị hủy bỏ do giá dầu xuống dốc kỷ lục.

Tương tự, tại Mỹ, sau khi dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL bị bác bỏ vào năm 2015, có đến hơn 28 dự án bị trì hoãn hoặc đình chỉ hoàn toàn, theo báo cáo của InsideClimate News. Xuất hiện trong các dự án chịu số phận hẩm hiu có tên của những “ông lớn” trong ngành năng lượng thế giới như Shell, Wespac, Oregon LNG…

ThoiBao.De tự gắn cái mác “thông tin tuyệt mật” nhằm che đậy cho việc phát tán tin giả

Hiển nhiên, tập đoàn Repsol cũng không phải ngoại lệ trong vòng xoáy thương mại của ngành năng lượng. Điển hình nhất, tại Bolivia, tình hình tài chính tại quốc gia Nam Mỹ đã khiến Repsol cùng nhiều công ty khai khoáng khác phải cắt giảm các khoản đầu tư năm 2005 xuống chỉ còn 14,5 triệu USD, so với 71,9 triệu USD cùng kỳ năm trước. Repsol khi đó chỉ hoạt động ở mức cầm chừng với chỉ một mũi thăm dò mới tại lô Marmore. Tập đoàn Petrobrás (Brazil) thậm chí không đặt thêm mũi thăm dò mới nào trong suốt năm 2004.

Còn tại Cuba, vào năm 2012, sau nhiều tháng khảo sát tại vùng biển ngoài khơi, Repsol thông báo chấm dứt các hoạt động của mình tại các lô trong hợp đồng với quốc gia vùng Caribbe. Khi đó, phát ngôn viên Kristian Rix cho biết khai thác dầu khí ngoài khơi là một hoạt động vô cùng tốn kém, và Repsol đánh giá dự án trên không đủ tiềm năng để tập đoàn tiếp tục dự án vốn đã tiêu tốn hơn 100 triệu USD. Trở lại câu chuyện lô 136-03 của Việt Nam, theo thông tin chính thức từ Giám đốc Tài chính Miguel Martinez, tổng kinh phí mà Repsol đã đầu tư khi đó chỉ mới dừng ở mức 27 triệu USD, một con số rất nhỏ so với quy mô của tập đoàn đa quốc gia như Repsol.


Giàn khoan Lan Tây được vận hành bởi Rosneft, đang hoạt động khai thác dầu khí bình thường tại Lô 06.1, nằm cách bờ biển Việt Nam 370km vào năm 2018.

Những sự kiện đó cho thấy, khai thác khoáng sản vốn là một ngành công nghiệp tốn kém và chứa đựng không ít sự mạo hiểm và rủi ro tài chính. Bên cạnh quy luật thị trường, các công ty khoáng sản cũng thường xuyên phải đối mặt với những khó khăn từ chính thiên nhiên, cũng như đánh giá những tác động đến môi trường trong các hoạt động của mình.

Cần nhớ, với cự ly hơn 237 hải lý (440km) về phía Nam tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thử thách vị trí địa lý của bãi Cá Rồng Đỏ hay lô 136-03 là một yếu tố không hề nhỏ mà chắc chắn các lãnh đạo của tập đoàn Repsol đã không quên đặt lên bàn tính. Nếu không đáp ứng những tiêu chí đặt ra khi bắt tay khởi động dự án, ban quản trị của một trong những tập đoàn năng lượng lớn nhất thế giới chắc chắn sẽ không ‘ném tiền qua cửa sổ.’

Một cụm giàn khoan của Repsol.

Thế nhưng, một quyết định có thể nói là rất bình thường đối với tập đoàn Repsol, lại bị lợi dụng bóp méo thành một cái cớ phục vụ cho thủ đoạn và những mục đích “bất thường” của những kẻ cơ hội. Có hay không cái gọi là “hủy hợp đồng” và “bồi thường 1 tỷ 200 triệu USD” bằng một thông tin “tuyệt mật” tưởng tượng, hẳn người dân Việt Nam chính là những người hiểu rõ hơn hết.

Hàn Nguyên

Đọc nhiều