Làm rõ cảnh sát giao thông TP.HCM chửi tục khi bị tài xế phản ứng
Thế giới đang phải đối mặt với hậu quả khủng khiếp của biến đổi khí hậu và điều này sẽ trở nên thường xuyên hơn nếu chúng ta không có biện pháp kiểm soát hữu hiệu.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) ngày 18/7 đã đưa ra cảnh báo rủi ro sức khỏe liên quan đến nắng nóng cực độ, đồng thời nhấn mạnh thế giới nên chuẩn bị cho những đợt nắng nóng dữ dội và thường xuyên hơn.
Cảnh báo của cơ quan này được đưa ra trong bối cảnh, nhiều khu vực ở châu Âu đang đối mặt với đợt nắng nóng khắc nghiệt, Italy, Pháp, Tây Ban Nha, Hy Lạp… đang chứng kiến nền nhiệt cao nhất từ trước tới nay. Đảo Sardinia, Italia ghi nhận nhiệt độ lên tới 47 độ C trong ngày 18/7.
Cơ quan Thời tiết Tây Ban Nha (AEMET) hôm qua cũng cho biết, nhiệt độ đạt đỉnh 45,3 độ C tại đô thị Figueres ở vùng Catalonia, còn quần đảo Balearic hứng chịu cái nóng tới 43,7 độ C. Cùng ngày, tại Pháp, cơ quan Thời tiết Meteo France đã ghi nhận nhiều kỷ lục nhiệt độ tại một số trạm quan trắc thời tiết ở miền Nam, trong đó có các vùng núi Alps và Pyrenees.
Tình trạng mất điện đã được ghi nhận ở một số khu vực của thủ đô Rome khi nhiệt độ lên gần 40 độ C vào ngày 17/7. Theo hãng tin AP, sự cố này được gây ra do nhu cầu sử dụng máy điều hòa không khí quá cao, gây áp lực lên lưới điện.
Tại miền nam Pháp, nhiệt độ ở các vùng núi cao như Alpes, Pyrénées và đảo Corse đã vượt qua các kỷ lục trước đó và cao hơn từ 8 đến 11,9 độ C so với mức bình thường vào mùa này.
Ở Mỹ, Phoenix, thủ phủ của bang Arizona, ở miền nam đã ghi nhận ngày thứ 19 liên tiếp nhiệt độ cao trên 43,3 độ C.
Ở Hy Lạp, trong 24 giờ qua, đã xảy ra tới 47 đám cháy. Tình hình nắng nóng nghiêm trọng khiến thủ tướng Hy Lạp phải rời khỏi thượng đỉnh Châu Âu – Châu Mỹ Latinh sớm hơn dự kiến để trở về nước chuẩn bị kế hoạch đối phó với đợt nắng nóng mới dự kiến sẽ bắt đầu từ ngày mai, 20/07.
Cùng ngày, theo thông tin từ hãng tin Reuters, tại Thụy Sĩ, khoảng 200 lính cứu hỏa, binh sĩ và cảnh sát đã nỗ lực dập tắt đám cháy ở bang Valais nhưng không thành công. Trong khi đó, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã thông báo về nhiều đám cháy rừng xuất hiện tại một số tỉnh và thành phố như Canakkale, Hatay, Tekirdag từ ngày 15 đến 17/7.
Nhà chức trách Tây Ban Nha cũng đã thông báo rằng ít nhất 4.000 người đã phải được sơ tán vào cuối tuần trước khi cháy rừng hoành hành “ngoài tầm kiểm soát” trên đảo La Palma thuộc quần đảo Canary.
Bên cạnh đó, tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, đã trải qua ngày thứ 27 liên tiếp với nhiệt độ trên 35 độ C. Đây được coi là đợt nắng nóng cao độ và kéo dài nhất tính từ 27 năm trở lại đây. Nhiệt độ còn tăng lên đáng kể tại vùng Tân Cương, miền tây, khi vào ngày 16/07, đã đạt đến 52,2 độ C.
Theo ông John Nairn, cố vấn cấp cao về nhiệt độ cực cao của Tổ chức khí tượng thế giới, nhiệt độ cực đoan đang sẵn sàng “tăng lên về tần suất, thời gian và cường độ”
“Nhiệt độ toàn cầu hiện nay ấm hơn El Nino vào những năm 1980. Xu hướng nhiệt độ toàn cầu tăng lên đang tiếp tục phát triển. Vì vậy, tôi không biết rằng chúng ta thực sự có thể nói về ‘sự bình thường’ bởi vì nó sẽ tiếp tục thay đổi. Nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa”, ông Nairn nói.
Trái ngược với tình hình tại châu Âu, châu Á lại đang chứng kiến những đợt mưa lũ nghiêm trọng trong những ngày qua. Nước sông Yamuna đã dâng lên chạm đến những bức tường của Đền Taj Mahal ở Ấn Độ lần đầu tiên sau 45 năm và nhấn chìm một khu vườn đằng sau đền. Mực nước sông ở đây đã lên tới 152 mét, vượt qua mức “ngập lụt cấp độ thấp” là 150,8 mét.
Khu vực miền Nam Trung Quốc cũng đang phải hứng chịu lượng mưa lớn bất thường. Theo Tân Hoa Xã, đầu tuần này, hơn 2.600 cư dân đã được sơ tán sau khi mưa lớn gây ngập lụt đường phố và nhà cửa ở Thành phố Trùng Khánh, Tây Nam Trung Quốc. Mưa lớn trước đó cũng ảnh hưởng đến tỉnh Tứ Xuyên. Hơn 85.000 cư dân tại đây đã phải di dời.
Đặc biệt, tại Hàn Quốc, hơn 40 người thiệt mạng trong đợt mưa lũ gần đây đã khiến Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol yêu cầu nước này xem xét lại hệ thống ứng phó thảm họa để có thể đối phó tốt hơn các cuộc khủng hoảng do biến đổi khí hậu gây ra.
Ông Yoon Suk Yeol nhấn mạnh, biến đổi khí hậu đang gây ra những thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng và nước này không thể ứng phó với thời tiết bất thường chưa từng có theo cách vẫn làm từ trước đến nay.
“Những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như thế này sẽ luôn ở xung quanh chúng ta và chúng ta cần phải đối phó với tình hình này với quyết tâm phi thường”, Tổng thống Yoon Suk Yeol nói.
Theo Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới, Petteri Taalas, thế giới đang phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng của biến đối khí hậu. El Nino sẽ làm tăng đáng kể khả năng phá vỡ các kỷ lục về nhiệt độ và gây ra nhiệt độ cực đoan hơn ở nhiều nơi trên thế giới.
Hiện tượng El Nino mạnh cộng với sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra có thể đẩy nhiệt độ năm 2023 hoặc 2024 phá vỡ kỷ lục năm 2016. Trong khi đó, hiện tượng phá rừng và tác động thay đổi dòng chảy các con sông lớn tại châu Á cũng khiến mưa lũ xảy ra thường xuyên hơn.
Do đó, để đảm bảo an toàn và sinh kế của người dân, chính phủ các nước ngoài việc thiết lập các hệ thống cảnh báo sớm và chuẩn bị cho các sự kiện thời tiết bất ổn tiếp theo thì cần phải tham gia một cách tích cực và có trách nhiệm trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tuệ Ngô