Lạm phát Nhật Bản cao kỷ lục: Hệ lụy, cơ hội và hướng đi cho kinh tế Việt Nam

Diệu Hương 25/11/2022 15:23

Nhật Bản – một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới – đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nhức nhối, trong đó có lạm phát đã lên mức cao nhất trong hơn 40 năm qua. Đây là những yếu tố tác động không nhỏ tới tiến trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, trong khủng hoảng, chúng ta vẫn có những cơ hội. Điều cần thiết bây giờ là cả Nhà nước và doanh nghiệp cần có những biện pháp phù hợp để ứng phó hiệu quả.

Lạm phát của Nhật Bản trong tháng 10 đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 40 năm qua trong bối cảnh giá nguyên liệu nhập khẩu tăng và đồng yen mất giá.

Lạm phát của Nhật tăng cao kỷ lục và thách thức với kinh tế Việt Nam

Theo báo cáo ngày 18/11 của Bộ Nội vụ, Thông tin và Truyền thông Nhật Bản, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 10 đã tăng lên 3,6% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức lạm phát cao nhất trong hơn 40 năm và tháng thứ 14 lạm phát tăng liên tiếp. Nguyên nhân chủ yếu khiến chỉ số CPI của Nhật Bản tăng cao là do xu hướng đồng Yen yếu, khiến năng lượng, nguyên liệu nhập khẩu cũng như các mặt hàng sinh hoạt liên tục tăng giá trong thời gian vừa qua.

Theo dự báo củaTrung tâm Nghiên cứu Kinh tế tổng hợp Nhật Bản, chỉ số giá tiêu dùng của Nhật Bản sẽ tiếp tục vượt kỳ vọng 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Theo đó, có thể đạt mức 3,23% trong quý 4/2022 và 2,55% trong quý 1/2023. Điều này ảnh hưởng lớn đến Việt Nam, vì Việt Nam là quốc gia có độ mở thương mại lớn (chiếm tới hơn 200% GDP) nên tình hình lạm phát tại các đối tác thương mại lớn như Nhật Bản tác động rất lớn tới nước ta.

Tại Việt Nam, căn cứ vào các yếu tố tác động từ lạm phát chuỗi cung ứng; thiếu hụt nguồn cung; tổng cầu tăng đột biến; thiếu hụt lao động và tăng lương tối thiểu vùng; giá xăng dầu, giá điện dự báo tiếp tục tăng; căng thẳng địa chính trị trên thế giới… giới chuyên môn dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2022 sẽ nằm trong khoảng 4-4,5%. Nếu không kiểm soát tốt lạm phát, không chỉ người dân, mà các tổ chức, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn.

Những thách thức trên đang gây sức ép lớn đối với công tác điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ trong năm 2022 của Việt Nam. Mục tiêu tăng trưởng từ 6-6,5% trong năm 2022 của Chính phủ đang đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi phải có những chính sách, nỗ lực thực thi cải cách tốt hơn, mang tính bước ngoặt, mạnh mẽ hơn.

Vẫn có những cơ hội

Bên cạnh một số bất lợi, thì vấn đề lạm phát của Nhật Bản vẫn mang đến những cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Theo các chuyên gia kinh tế, đây là thời điểm để doanh nghiệp đổi mới và thích nghi, tìm kiếm thế mạnh để cạnh tranh bứt phá. Đồng thời, việc giá đồng nội tệ rẻ hơn giá ngoại tệ có thể là dấu hiệu tích cực hỗ trợ xuất khẩu.

Việt Nam là quốc gia có tiềm năng về xuất khẩu nông sản. Dự báo 2022 sẽ là một năm thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt xuất khẩu các mặt hàng như thuỷ sản, nông sản, cao su…

Dự báo 2022 sẽ là một năm thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt xuất khẩu các mặt hàng như thuỷ sản, nông sản, cao su…

Ngoài ra, một số doanh nghiệp nguyên vật liệu như thép, xi măng, xây dựng… được kỳ vọng sẽ là nhóm tiếp theo hưởng lợi. Theo “Báo cáo Tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 5 tháng năm 2022”, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công cũng là nguyên nhân tác động tích cực đến phục hồi và tăng trưởng cho những ngành nêu trên.

Mặt khác, lạm phát thúc đẩy giá trị thật của bất động sản. Cụ thể, đây cũng là cơ sở cho các doanh nghiệp sở hữu quỹ đất ở, đất khu công nghiệp có thể tái định giá với giá cho thuê cao hơn trước đại dịch.
Chúng ta phải làm gì?

Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu ngày càng tăng cao, Việt Nam cần có chiến lược xây dựng thể chế kinh tế, nâng cao khả năng chống chịu và tính tự chủ của nền kinh tế.

Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 được Quốc hội thông qua vào ngày 10/11/2022 vạch ra mục tiêu tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế…

Theo đó, tốc độ tăng GDP trong năm 2023 được xác định khoảng 6,5%, tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4,5%. Để kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định vĩ mô, tạo nền tảng quan trọng cho phục hồi và phát triển kinh tế, cần tăng cường theo dõi và đánh giá những biến động chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư để có các các kịch bản, phương án ứng phó kịp thời, đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế.

Diệu Hương

Đọc nhiều