‘Làm ơn, tôi không có bảo hiểm’ – chủ cửa hàng Mỹ khóc giữa biểu tình

01/06/2020 21:01

Hàng loạt doanh nghiệp trên khắp nước Mỹ đang trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của nạn cướp bóc, đốt phá trong làn sóng biểu tình vụ việc người đàn ông da đen bị cảnh sát ghì cổ chết.

Ở trung tâm thành phố Chicago, người dân bò qua cửa sổ vỡ của cửa hiệu đồ thể thao và chạy ra ngoài, trên tay ôm đầy túi xách và quần áo.

Trên đại lộ Melrose ở Los Angeles, người biểu tình đốt thùng rác và phá khóa các cửa tiệm sang trọng, vơ vét hàng loạt túi xách và quần jeans thiết kế.

Và khi màn đêm buông xuống ở thành phố Minneapolis, tâm điểm của làn sóng biểu tình những ngày gần đây tại Mỹ, các chủ cửa hàng tuyệt vọng đứng ngoài cửa, cầu xin nhóm người kích động đừng phá hoại công sức họ dành cả đời để gây dựng.

“Tôi đứng bên ngoài và nói ‘Làm ơn, tôi không có bảo hiểm đâu!'”, Hussein Aloshani, người nhập cư từ Iraq, thất vọng kể lại với New York Times bên ngoài quán ăn do gia đình anh sở hữu.

Những ngày qua, các doanh nghiệp trên khắp nước Mỹ đã phải chịu tổn thất do làn sóng biểu tình bạo lực lan rộng. Người dân đổ xuống đường do bất mãn trước cái chết của George Floyd, người đàn ông da đen 46 tuổi bị viên sĩ quan cảnh sát da trắng tên Derek Chauvin ghì đầu gối lên cổ, dẫn đến tử vong.

‘Lam on, toi khong co bao hiem’ - chu cua hang My khoc giua bieu tinh hinh anh 1 cua_hang_nyt_2.jpg
Một cửa hàng ở Manhattan đã bị cướp phá hôm 30/5. Ảnh: New York Times.

Nạn nhân bất đắc dĩ

Ở một số nơi, người biểu tình vẽ nguệch ngoạc ngoài mặt tiền các cửa hàng với nội dung lên án sự tàn bạo của cảnh sát đối với người Mỹ gốc Phi, hoặc viết lại những lời cuối cùng Floyd nói trước khi chết.

Ở một số nơi khác, người biểu tình quá khích ném xà beng và búa vào cửa sổ, sử dụng xăng để phóng hỏa các tòa nhà.

Các quan chức cho biết họ đang điều tra xem liệu các vụ cướp bóc và đốt phá này có phải do những kẻ kích động vì mục đích chính trị xúi giục hay không. Tại một số thành phố, những người biểu tình ôn hòa bị các nhóm kích động chèn ép, trong đó có cả người da trắng có xu hướng phá hoại hơn là muốn lên tiếng phản đối vụ việc của Floyd.

Dù kẻ thủ phạm là ai, nhiều chủ cửa hàng cho biết họ cảm thấy mình đang trở thành nạn nhân bất đắc dĩ. Do đại dịch Covid-19, doanh nghiệp của họ đã gặp phải nhiều khó khăn và giờ đây có thể sẽ không phục hồi lại được.

“Rất nhiều người không biết chúng tôi đã phải hy sinh máu, mồ hôi và nước mắt để có thể sở hữu cửa hàng như hiện tại”, Kris Shelby, chủ cửa hàng quần áo xa xỉ tại North Atlanta, nói. Ông thức giấc lúc 1h sáng hôm 30/5 do tiếng súng nổ bên ngoài căn hộ, gần cửa hàng có tên Attom của ông.

Ông Shelby và đối tác kinh doanh ra mắt Attom vào năm 2016 với mục tiêu đưa các thương hiệu xa xỉ đến thành phố của họ. Họ thành công thu hút các khách hàng nổi tiếng như nhạc sĩ Migos và Justin Bieber. Cửa hàng này cũng cung cấp phục trang cho bộ phim bom tấn “Black Panther”. Đây cũng là điểm đến của nhiều người dân thuộc đủ các tầng lớp của Atlanta, ông Shelby nói.

‘Lam on, toi khong co bao hiem’ - chu cua hang My khoc giua bieu tinh hinh anh 2 cua_hang_nyt.jpg
Kính cửa sổ một nhà hàng ở Louisville bị đập vỡ trong cuộc biểu tình. Ảnh: New York Times.

Nhưng khi trở lại cửa hàng vào khoảng 5h sáng 30/5, ông Shelby nhận ra tất cả hàng hóa của mình đã biến mất. Các video trên mạng xã hội cho thấy nhiều người trẻ đeo khẩu trang lao vào từ cửa sổ vỡ và lấy đi quần áo, phụ kiện trị giá hàng trăm USD mỗi món.

Ông Shelby thể hiện niềm tiếc thương và đồng cảm với người dân trước cái chết của Floyd, nhưng ông tin rằng việc cướp bóc không phải là cách để ngăn chặn vụ việc tương tự như của Floyd xảy ra trong tương lai.

“Vụ việc của Floyd thật đau thương, thực sự đau thương. Là một người đàn ông da đen, cũng là chủ một doanh nghiệp, đây cũng là điều đáng buồn. Thành thực mà nói đây là trái đắng mà chúng tôi đang phải nếm trải”, ông Shelby nói.

“Chỉ nhìn thôi đã thấy khủng khiếp”

Cuối tuần qua, thay vì được ngủ nướng, Ricardo Hernandezy đã ở trên một chiếc xe tải bên ngoài cửa hàng kem Mexico do anh và vợ làm chủ ở phía nam thành phố Minneapolis. Anh đã phải thương lượng với người biểu tình bằng cách đưa kem que cho họ, đổi lại họ để cho cửa hàng của anh được yên.

“Chỉ nhìn thôi cũng đã thấy khủng khiếp. Không thể tin được chuyện này là thật”, Hernandezy nói về đống đổ nát và thủy tinh vỡ rải khắp khu phố.

Vào chiều 30/5, các chủ doanh nghiệp người Mỹ Latinh ở Minneapolis đã tụ họp tại bãi đậu xe để chuẩn bị đối phó với một đêm bạo loạn nữa. Hầu hết họ có cửa hàng trên phố Lake, nơi hàng chục tòa nhà đã bị phá hoại trong hai đêm trước đó.

Họ chia nhau canh gác và theo dõi khu phố theo ca suốt đêm, chia ca làm việc để đảm bảo rằng khu phố sẽ được theo dõi suốt đêm. Các chủ doanh nghiệp được khuyến cáo không nên sử dụng vũ khí chống lại người biểu tình, và họ cũng có kế hoạch đặt áo có in logo của lực lượng an ninh đường phố để tránh bị người biểu tình tưởng nhầm với cảnh sát.

‘Lam on, toi khong co bao hiem’ - chu cua hang My khoc giua bieu tinh hinh anh 3 cua_hang_nyt_3.jpg
Tình nguyện viên thu dọn khu phố bị đốt phá ở thành phố Minneapolis hôm 30/5. Ảnh: New York Times.

Maya Santamaria cũng đến tham gia buổi họp ở bãi đậu xe nhưng bà dự định ở nhà vào tối 30/5, vì bà cũng không còn gì để mất. Tòa nhà bà từng sở hữu và cũng là nơi ông Floyd từng được bà thuê làm nhân viên bảo vệ, đã bị đốt cháy từ tối ngày 29/5.

Bà Santamaria cho rằng cái chết của Floyd là lỗi của cảnh sát và lực lượng hành pháp cũng không nỗ lực hết sức để bảo vệ các doanh nghiệp trước làn sóng biểu tình.

“Chúng tôi đã gọi 911 và chúng tôi đã gọi cho Sở cảnh sát, nhưng không có phản hồi”, bà nói. Bà chia sẻmình không muốn cảnh sát sử dụng bạo lực chống lại người biểu tình, nhưng “họ không thể không xuất hiện và để mặc người biểu tình đốt phá được”.

“Tiền có thể kiếm lại, nhưng mạng người thì không”

Doanh nghiệp in ấn mới thành lập của Kester Wubben ở Minneapolis vừa bắt đầu đi vào hoạt động khi đại dịch bùng phát. Cuối tuần qua, doanh nghiệp này đã bị cướp phá. TV, iPad và xe tải đã bị đánh cắp.

Ông Wubben phải hy sinh rất nhiều – từ việc rút tiền tiết kiệm khỏi tài khoản hưu trí và làm việc ca đêm 7 ngày/tuần – để kiếm tiền thành lập doanh nghiệp của riêng mình.

Trong chưa đầy một năm kinh doanh, ông đã có nhiều khách quen. Ông Wubben, cũng là người da đen, cho biết ông sống cách nơi Floyd bị cảnh sát bắt khoảng 5 tòa nhà. Khi được hỏi liệu doanh nghiệp có thể phục hồi lại sau tổn thất hay không, ông trả lời mệt nhọc: “Chúng tôi phải buông xuôi mọi thứ và thử lại vào khi khác thôi”.

Ông Wubben hiểu sự phẫn nộ của người dân trước cái chết của Floyd. “Người đó đã có thể là tôi, và đó là cách tôi nhìn nhận vụ việc. Thật vô nhân đạo”, ông nói.

Người đàn ông da đen này cho biết ông đã suy nghĩ về những mất mát của ông với tư cách một chủ doanh nghiệp có là gì so với mất mát của gia đình Floyd hay không. “Khi bạn đánh đồng mạng sống với đồng tiền, cái nào có sức nặng hơn? Tôi có thể kiếm lại được tiền, tôi có thể mở một công ty khác, nhưng chúng ta không thể khiến George Floyd sống lại. Cuộc sống của anh ấy đã kết thúc rồi”.

(Theo New York Times)

Đọc nhiều