3
category
206452

Làm láng giềng với Trung Quốc, Việt Nam trở nên “khó nhằn” hơn!

Thế Khoa 31/07/2019 16:44

Nói về chuyện Bãi Tư Chính những ngày qua, trong khi lực lượng chấp pháp ngoài biển, các chiến sỹ đang căng mình để đối phó với Trung Quốc thì một bộ phận bỗng dưng yêu nước bù lu bù loa, hô hào đòi “tẩy chay Trung Quốc”. Làm như thế khác nào tự tra cổ vào thòng lọng?!

Đấu tranh bảo vệ chủ quyền là điều chắc chắn phải làm nhưng các bạn ghét Trung Quốc một cách mù quáng để cho nó chi phối tất cả mọi hành động và suy nghĩ là cực kỳ thiển cận. Một nước như Trung Quốc với tỉ 4 dân, nền kinh tế đứng nhất nhì thế giới mà các bạn không biết cách lợi dụng vào họ kiếm tiền mà tại sao lại đòi chống, tẩy chay Trung Quốc để theo Mỹ? Có tin Trung Quốc đóng toàn bộ cửa khẩu vài tháng, không thông quan hàng hóa không? Lúc đó cả km xe dưa hấu, thanh long, vải thiều, lợn hơi… sẽ bị úng thối, thiệt hại đó ai phải gánh chịu ngoài hàng vạn người nông dân chân lấm tay bùn, khóc dở chết dở!

Thú thật nếu chỉ có mỗi yếu tố cảm xúc thì tôi dám khẳng định rằng 99% người Việt Nam sẽ đồng tâm hô đánh, “lành làm gáo, vỡ làm môi”. Thế nhưng, chúng ta là con người sống có niềm tin, trí tuệ, biết phân biệt thiệt hơn, chứ không sống chỉ bằng cảm tính. Chính phủ ta, quân đội ta, nhân dân ta không phải không biết dã tâm của Trung Quốc và chưa bao giờ mất cảnh giác. Thế nhưng, vì Trung Quốc có quan hệ làm ăn kinh tế với Việt Nam sâu rộng nên mỗi một hành động, một phản ứng chúng ta đều phải tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo khéo léo để bảo vệ chủ quyền nhưng lại phải ứng xử ra sao để không xảy ra tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, vẫn sống với hàng xóm, qua lại, giao thiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay. Chẳng phải riêng Việt Nam ta phải chịu đựng gã hàng xóm đáng ghét này, đến ngay cả Mỹ cũng muốn hạ gục bằng chiến tranh thương mại, nhưng e rằng diệt được họ thì Mỹ cũng “ngoắt nghẻo” nên đã vừa đánh vừa đàm phán đấy thôi.

Trên thực tế, các bạn đọc sử sẽ thấy ông cha ta chưa một lần nào gào thét vì ở cạnh Trung Quốc, hoặc mỗi lần gã hàng xóm lắm chiêu giở trò quấy phá thì kêu khóc nữa lời nào. Mà thay vào đó cha ông ta đã luôn tìm cách đấu tranh khôn khéo để giữ yên bờ cõi. Làm láng giềng với một gã hàng xóm mà tư tưởng và văn hóa bành trướng đã ăn vào máu, nên một cách vô thức, chúng ta cũng trở nên “khó nhằn” hơn. Trên thế giới hiện nay không có dân tộc nào hiểu người Trung Quốc, đối đầu nhiều với người Trung Quốc hơn dân tộc Việt Nam.

Việt Nam không sợ bất cứ thế lực nào nhưng phải đủ khôn ngoan để đối phó với Trung Quốc như cha ông ta từng dạy. Chúng ta chủ trương giải quyết tranh chấp bằng đối thoại, hòa bình là phù hợp với lý tưởng thời đại. Cùng với đối thoại hòa bình phải vận động ngoại giao. Thời đại ngày nay, thế giới chỉ trong lòng bàn tay. Nhân loại sẽ không để yên cho bất cứ kẻ nào ngang ngược dùng sức mạnh vi phạm chủ quyền lãnh thổ nước khác. Tất nhiên, không ỉ lại, trông chờ, nước Việt Nam hùng cường cũng là một cách chống hành động của Trung Quốc hòng độc chiếm biển Đông thành cái ao nhà.

Nói ra vậy để thấy sách lược bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam khéo léo, linh hoạt, cố gắng tối đa để giữ vững hòa bình, ổn định. Mặt khác vẫn “rũa vuốt, mài gươm”, sẵn sàng cho mọi tình huống. Không ai mong muốn, nhưng bạn và tôi hãy cứ yên tâm rằng nếu chẳng may anh hàng xóm lắm chiêu đi quá giới hạn thì Việt Nam cũng không khoanh tay để yên đâu!

Cho nên, một khi chúng ta chưa hiểu được chủ trương, chiến lược của Chính phủ về giải quyết vấn đề biển Đông thì đừng nên vội vàng trách cứ là “chính phủ Việt Nam nhu nhược, hèn nhát, sợ Trung Quốc”. Trong bối cảnh hiện nay chúng ta không nên manh động, nhất là nghe theo một bộ phận “đục nước béo cò” để gây thế khó cho Việt Nam trên mặt trận ngoại giao. Không những thế, sẽ đẩy việc đấu tranh chống sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông càng khó khăn hơn. Vì, một mặt Chính phủ phải nghĩ kế đối phó với Trung Quốc; lại phải lo dàn xếp, ngăn chặn những hành động kích động, loan tin thất thiệt; mặt khác nữa lại phải đề phòng dàn xếp những vụ bạo loạn có thể xảy ra.

Thế Khoa

Đọc nhiều