2
category
326005

Làm đường cao tốc Bắc Nam thì không chống tham nhũng sao?

Đặng Trường 23/09/2019 20:03

Sau nhiều tháng ngày cùng các chuyên gia nghiên cứu, bàn bạc, cân nhắc kỹ lưỡng, nước ta đã khởi công xây dựng tuyến đường cao tốc Cam Lộ – La Sơn nối Quảng Trị và Thừa Thiên Huế thuộc đại dự án cao tốc Bắc Nam. Tại Lễ khởi công, Thủ tướng đã có những phát biểu chỉ đạo, chính thức phát lệnh triển khai dự án. Ngay sau đó, một số kẻ cơ hội chính trị và trang mạng đã rêu rao rằng “Thủ tướng bỏ ngoài tai lời cảnh báo bị nhà đầu tư Trung Quốc thao túng, gây đống nợ, phá hoại đất nước” và “chuyện tiêu cực, tham nhũng, trục lợi đã ăn vào xương tuỷ hệ thống quản lý Việt Nam nên không vì lời sáo rỗng của Thủ tướng mà biến mất”. Sự thật thì…

Thủ tướng phát lệnh khởi công dự án đường cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lộ – La Sơn.

Thứ nhất, đúng là có rất nhiều ý kiến phản hồi về vấn đề xây đường cao tốc Bắc Nam, dù có cả tốt và xấu nhưng lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương, các Bộ, ban, ngành vẫn luôn tiếp thu tất cả. Không phải ngẫu nhiên mà người đứng đầu Chính phủ liên tục làm việc với Tổ tư vấn kinh tế. Không phải tự nhiên Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với các tổ chức tư vấn trong và ngoài nước nghiên cứu, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà kinh tế và các tổ chức xã hội để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu dự án. Cũng không phải ngẫu hứng mà đại diện Văn phòng Chính phủ liên tục gửi đi nội dung, kết luận của cuộc họp hay việc gửi yêu cầu các đơn vị liên quan đảm bảo đúng tiến độ. Tất cả đều xuất phát từ mong muốn lắng nghe, tiếp thu nguyện vọng của nhân dân và kết quả là quyết định lựa chọn doanh nghiệp trong nước hiện thực hóa ý tưởng thay đổi diện mạo Việt Nam. Trong một buổi làm việc với Tổ tư vấn, Thủ tướng đã chia sẻ thẳng thắn có nhiều đóng góp có giá trị, kịp thời, ông đã chọn lọc, lắng nghe để chỉ đạo đưa vào Nghị quyết của Chính phủ hoặc ra văn bản: “Mỗi một bức thư, mỗi một đề nghị của quý vị, chúng tôi đều tư duy, giao các bộ, ngành nghiên cứu thực hiện”. Như vậy có xem là “bỏ ngoài tai những lời cảnh báo”?

Thứ hai, rõ ràng đã công bố danh sách hai nhà thầu Quân đội có tên tuổi lớn trên thị trường xây lắp làm đoạn cao tốc Cam Lộ – La Sơn chứ không phải nhà thầu Trung Quốc. Vậy mà một số trang tin còn đơm đặt “Thủ tướng bỏ ngoài tai lời cảnh báo bị nhà thầu Trung Quốc thao túng, gây đống nợ”. Thật đáng lên án, chỉ vì muốn hạ uy tín của Thủ tướng, tác động tiêu cực đến tâm lý nhân dân mà họ bất chấp hành vi đơm đặt thông tin, bóp méo sự thật.

Thứ ba, trước kia có rất nhiều người muốn công khai danh sách nhà thầu vì lo ngại mối hiểm họa từ nhà thầu Trung Quốc, có những kẻ “dân chủ” phản động trong và ngoài nước còn giật dây kích động người dân biểu tình, bạo loạn phản đối xây dựng đường cao tốc Bắc Nam với luận điệu “lãnh đạo cấu kết bán nước, thông đồng với Trung Quốc phá hoại đất nước”. Vậy mà khi Chính phủ công bố hai cái tên nhà thầu không liên quan gì đến Trung Quốc làm đoạn đường cao tốc đầu tiên thì những cái lưỡi không xương, lắt léo kia lại bắt đầu vẽ ra kịch bản tham nhũng, trục lợi, cắt xén vật liệu các kiểu. Có lẽ vì vội lên kịch bản mà họ đã không suy nghĩ tới lý do vì sao chúng ta lại chọn nhà thầu Quân đội. Có lẽ, mọi người cũng hiểu dự án đường cao tốc Bắc Nam là công trình trọng điểm quốc gia, là cú hích quan trọng đối với việc thay đổi diện mạo cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế của một số tỉnh mà dự án đi qua. Vậy thì đất nước và nhân dân có an tâm khi giao nó cho nhà thầu nước ngoài hay doanh nghiệp chưa đủ cứng về tầm nhìn chiến lược, không đảm bảo an ninh, quốc phòng, tiềm lực tài chính, kinh nghiệm và kỹ thuật không? Huống hồ việc chọn nhà thầu Quân đội còn xuất phát từ tính kỷ luật thép, đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ của công trình. Thế nên, chỉ có não trạng đen tối mới sản sinh ra những suy nghĩ tiêu cực là tham nhũng, là cắt xén vật tư, là chất lượng thấp mà thôi.

Mà giả dụ có tham nhũng, chậm tiến độ, chất lượng công trình kém, chẳng lẽ tai mắt của nhân dân và thanh tra Chính phủ sẽ bỏ qua sao? Từ trước đến nay khi chưa có kế hoạch xây dựng đường cao tốc Bắc Nam thì công cuộc phòng, chống tham nhũng vẫn diễn ra xuyên suốt. Bất kể ở lĩnh vực nào, lãnh đạo, cán bộ nào sai phạm cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nhiều dự án “rút ruột” công trình ở địa phương cũng bị xử lý. Nên có thể khẳng định rằng làm đường cao tốc Bắc Nam thì công cuộc chống tham nhũng vẫn tiếp tục được thực hiện song song nên chẳng có gì chúng ta phải lo sợ tham nhũng. Chúng ta vẫn thường khen Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Singapore, Malaysia,… có cơ sở hạ tầng hiện đại rồi tự hỏi Việt Nam bao giờ mới bắt kịp. Bây giờ có cơ hội thì tại sao lại do dự, trong khi đất nước vẫn kiên quyết chống tham nhũng đến cùng?

Đúng là dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông và nhiều dự án khác đã để lại nhiều bài học rất cay đắng cho Việt Nam, những hạt sạn nhức nhối trong mắt người dân và khiến mọi người phải suy nghĩ. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, tất cả dự án đó là cái gương soi nhắc nhở chúng ta nhận biết tốt xấu, thận trọng và nâng cao cảnh giác cho những dự án sau, đặc biệt là tuyến cao tốc Bắc – Nam lần này. Thêm nữa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ mong muốn tiếp tục lắng nghe các ý kiến về các bất cập, hạn chế chưa tháo gỡ được, nhất là những “hiến kế” giải quyết vấn đề phát sinh, đồng thời thể hiện rõ quyết tâm: “Nếu để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, bớt xén vật tư, vật liệu, giảm định mức làm cho đường kém chất lượng, bán thầu B thành B phẩy, B hai phẩy, thậm chí B ba phẩy là có lỗi với đất nước và nhân dân. Chính phủ sẽ xử lý nghiêm bất cứ sai phạm, thất thoát, tham nhũng tại các dự án đường cao tốc Bắc – Nam”. Vì vậy, nếu chỉ vì sợ tham nhũng mà không làm đường cao tốc thì chẳng khác nào chưa ra trận đã từ bỏ vũ khí?

Ngay bây giờ, chúng ta cần phải hành động nhanh, quyết liệt nếu không “dân tộc mình già trước khi giàu”. Từ lãnh đạo trung ương đến địa phương, đội ngũ cán bộ và nhân dân khắp cả nước phải có khát vọng phát triển mạnh mẽ, như khát vọng vô địch trong bóng đá không chỉ đơn giản là chiến thắng trong một môn thể thao mà đó còn là khát vọng ngẩng cao đầu trước thế giới.

Đặng Trường

Đọc nhiều