419
category
430782

Lại giở trò mượn cớ hạ bệ ngành tư pháp Việt Nam

Hải Anh 16/09/2020 18:21

Chiều 14/9, bản án cuối cùng dành cho tội ác của 29 bị cáo ở Đồng Tâm đã được công bố. Theo đó, TAND Hà Nội tuyên bị cáo Lê Đình Công, 56 tuổi và Lê Đình Chức, 40 tuổi, mức phạt tử hình về tội Giết người; 14 bị cáo được trả tự do ngay tại tòa. Cùng tội danh, bị cáo Lê Đình Doanh, 32 tuổi, con của Lê Đình Công, án chung thân. Bị cáo Bùi Viết Hiểu, 77 tuổi, bị phạt 16 năm tù; Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù; Nguyễn Văn Tuyển, 12 năm tù. Tuy nhiên, với những cá nhân tổ chức thù địch, vụ án này vẫn là mảnh đất màu mỡ để chúng tiếp tục chống phá chính quyền, chúng cố tình đưa ra những thông tin, luận điệu vô căn cứ nhằm kêu oan, xuyên tạc bản chất vụ án, thông qua đó xâm hại đến uy tín, hình ảnh của Đảng, Nhà nước, thậm chí chúng còn dùng những luận điệu vu cáo, xuyên tạc nhắm vào thẩm phán của vụ án và ngành Toà án. 

Cụ thể, mới đây trên trang facebook của Việt Tân đăng tải bài viết có tiêu đề: “VỤ ÁN ĐỒNG TÂM: THẨM PHÁN TRƯƠNG VIỆT TOÀN TUYÊN ÁN BẤT KỂ SỰ THẬT VÀ CÔNG LÝ”, trong đó chúng lu loa rằng vụ án tại Đồng Tâm đã tuyên án, gia đình cụ Lê Đình Kình sẽ mất thêm hai thành viên nữa vì bị hệ thống tư pháp Việt Nam phạt tử hình, chưa kể một thành viên khác là thế hệ thứ ba của gia đình này sẽ bị giam giữ cho đến chết.

Việt Tân dùng những luận điệu vu cáo, xuyên tạc nhắm vào thẩm phán của vụ án và ngành Toà án.

Đặc biệt, những đối tượng này còn lộng ngôn xuyên tạc rằng: “Việc ba sĩ quan công an tử nạn đã được sử dụng như lý do để xóa bỏ trách nhiệm của những cá nhân lập kế hoạch đột kích và ra lệnh thực hiện cuộc tấn công vừa càn rỡ so với luật pháp hiện hành tại Việt Nam, vừa bất cẩn và kém cỏi khiến ba thuộc cấp của họ uổng mạng, ba gia đình mất con, mất chồng, mất cha. Việc ba sĩ quan công an tử nạn còn được sử dụng để biện minh cho việc giết cụ Lê Đình Kình, khởi tố 29 công dân… và nay, hệ thống tư pháp quyết định giết thêm hai người nữa nhằm răn đe công chúng!”

Thực tế, sau khi hết lý do để bao biện, kêu oan cho các bị cáo thì chúng bắt đầu chuyển hướng sang công kích thẩm phán của vụ án, các thông tin này có những lời lẽ kêu gọi chống phá hệ thống tư pháp và hội đồng xét xử vụ án. Đặc biệt, có những nội dung mang tính bôi nhọ, xuyên tạc cả hệ thống tư pháp.

Xin nói rõ, các bị cáo trong vụ án đã nhận tội, hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án có sự chuẩn bị từ trước, thể hiện qua việc tập hợp lực lượng, đóng góp tiền mua vũ khí, họp bàn phân công nhiệm vụ cho từng đối tượng. Đồng thời, kết luận điều tra cũng nhận định hành vi phạm tội của các đối tượng là man rợ, có tính chất côn đồ, giết chết nhiều người, cần phải được xử lý nghiêm để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Không hiểu vì sao vụ án Đồng Tâm đã có phán quyết cuối cùng từ hội đồng xét xử nhưng nhiều đối tượng “rận chủ” vẫn luôn cố tình mượn cớ vụ án này để chống phá, đưa ra những lý do, sơ hở vô cùng phi lý.

Đặc biệt cần nói rõ một điều rằng để có được một bản án công minh, đúng người, đúng tội thì phải có một quá trình thực hiện tố tụng, xét xử chặt chẽ, khoa học, theo đúng luật định. Trong vụ án xảy ra tại xã Đồng Tâm từ việc điều tra, truy tố, xét xử đến thời điểm tòa tuyên án, cho chúng ta thấy là tất cả đều diễn ra một cách khách quan, minh bạch. Những mức hình phạt được HĐXX đưa ra phải trải qua một quá trình dài thẩm tra, xem xét, căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đều được cân nhắc, bàn bạc một cách kỹ càng.

Về thẩm phán trong vụ án Đồng Tâm là Thẩm phán Trương Việt Toàn – Phó Chánh tòa Phụ trách Tòa Hình sự của Tòa án nhân dân (TAND) TP Hà Nội. Đây là một Thẩm phán kỳ cựu là người “cầm cân nảy mực” về lĩnh vực hình sự.

Ông từng có mặt trong hội đồng xét xử của rất nhiều vụ đại án như vụ án Hà Văn Thắm, vụ án Trịnh Xuân Thanh, vụ án Đinh La Thăng. “Quá trình xử án phải chủ động cách ly, đối chất khi cần thiết và yêu cầu Kiểm sát viên đối đáp với quan điểm của luật sư bào chữa nhằm bảo đảm nguyên tắc mọi chứng cứ đều phải được thẩm tra công khai tại phiên tòa. Bên cạnh đó cũng cần phải xác định việc tranh tụng dân chủ chính là một trong những điều kiện để HĐXX ra được bản án đúng pháp luật, thấu tình đạt lý và “tâm phục, khẩu phục””, vị thẩm phán từng khẳng định.

Đồng Tâm là một vụ án nghiêm trọng, chỉ vì lòng tham che mờ lý trí mà các đối tượng trên đã thực hiện hành vi lấn chiếm trái phép đất quốc phòng, đưa yêu sách đòi bồi thường với nhà nước, bất chấp việc chính quyền công bố các kết luận thanh tra chỉ rõ diện tích đất trên là đất quốc phòng và hành vi của các đối tượng là chiếm dụng trái phép. Tuy nhiên, khi vụ án kết thúc những thông tin giả vẫn liên tục xuất hiện trên mạng xã hội, điều này có thể sẽ làm cho xã hội nhìn nhận, đánh giá hoàn toàn sai lệch về quy trình điều tra, xét xử, khiến cho các tầng lớp nhân dân hiểu không đúng về bản chất vụ án, từ đó biểu hiện thái độ thiếu tin tưởng vào sự công minh của nền tư pháp Việt Nam.

Có thể nói, bản án đối với 29 bị cáo ở Đồng Tâm là một bản án vừa hợp tình vừa hợp lý thể hiện sự nghiêm khắc cũng như nhân văn nhân đạo của pháp luật Việt Nam. Thiết nghĩ, đối với cơ quan Tư pháp, trong những vụ án lớn có sức ép từ dư luận thì hơn lúc nào hết, người thực thi công lý càng phải thể hiện được bản lĩnh; biết lắng nghe cái đúng, nhưng cũng cần phải giữ được nguyên tắc nghề nghiệp là thượng tôn pháp luật, không bị bất cứ một thông tin, sức ép nào làm nhụt ý chí, dẫn tới làm sai pháp luật.

Hải Anh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags :
Đọc nhiều