130115
topics
456546
‘Là bác sĩ truyền nhiễm, tôi luôn tâm niệm sẵn sàng cho mọi tình huống của dịch’
13/12/2020 06:44

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp là bác sĩ trực tiếp điều trị từ những ca dương tính SARS-CoV-2 đầu tiên của miền Bắc, cũng là một trong những ‘thuyền trưởng’ có vai trò quan trọng trong việc khống chế thành công dịch bệnh.

Tháng 1 tới đây sẽ vừa tròn một năm kể từ khi Việt Nam ghi nhận các ca Covid-19 đầu tiên, mà thời điểm ấy chỉ có tên gọi là ca nhiễm virus corona chủng mới. Sau một năm đầy thử thách, dịch bệnh đã tạm thời được kiểm soát. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cơ sở y tế tuyến đầu chống Covid-19 hiện chỉ còn điều trị khoảng vài chục ca dương tính SARS-CoV-2, song song duy trì trở lại hoạt động khám chữa bệnh thông thường.

Giai đoạn này, bác sĩ Cấp có nhiều thời gian rảnh hơn cho bản thân, gia đình, cho việc điều trị các bệnh lý khác. Bên cạnh đó, ông cùng các đồng nghiệp tiếp tục lên những phương án, kế hoạch ứng phó nếu dịch có bùng phát trở lại.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp sinh năm 1970, quê Hưng Yên, là Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ông là bác sĩ trực tiếp điều trị từ những ca dương tính SARS-CoV-2 đầu tiên của miền Bắc, cũng là một trong những “thuyền trưởng” có vai trò quan trọng trong việc khống chế thành công dịch bệnh.

Mùng 5 Tết Canh Tý, bác sĩ Cấp khi ấy đang trong ca trực, nhận được thông tin về ca dương tính SARS-CoV-2 đầu tiên tại miền Bắc. Người này thuộc nhóm công dân Việt về từ Vũ Hán, đã chuyển đến cách ly tại bệnh viện một vài ngày trước đó.

Ngay lập tức, ông Cấp gọi điện thông báo, giao nhiệm vụ cho các đồng nghiệp trong khoa, rà soát lại từng bước trong kế hoạch chống dịch. Đồng thời, nhờ gia đình sắp xếp sẵn vali quần áo, gửi vào bệnh viện để chuẩn bị cho “cuộc chiến” dài hơi.

“Tôi vào bệnh viện từ ngày mùng 2 Tết, khi đi không mang nhiều đồ vì nghĩ sẽ chỉ ở lại trực ngắn ngày. Nhưng có ca bệnh nên chúng tôi xác định phải ở lại luôn. Lúc ấy, cũng chỉ kịp gọi thông báo đôi câu với gia đình. Đợt đó, tôi ở lại viện liền hơn 2 tháng”, ông Cấp kể.

Ngay khi Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán cuối năm 2019, các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho việc dịch có thể tràn sang Việt Nam, nhất là dịp Tết, khi người Việt về nước rất nhiều.

Khoa Cấp cứu của bác sĩ Cấp được giao nhiệm vụ tiếp nhận cách ly, điều trị các ca bệnh đầu tiên. Nhóm trực chiến gồm 22 y bác sĩ khi ấy trải qua cái Tết khá đặc biệt. Họ phân thành từng nhóm, thay nhau túc trực tại bệnh viện, sẵn sàng cho các tình huống.

Theo quy định, những bác sĩ không trong ca trực tránh di chuyển xa Hà Nội quá 50km, trước khi đi phải báo cáo và không quá 1/3 người trong nhóm được di chuyển khỏi Hà Nội. Đặc biệt, điện thoại luôn phải để chuông, để khi cần có thể kịp thởi huy động nhân sự.

Những ngày đầu tiếp nhận bệnh nhân là giai đoạn khó khăn nhất với các bác sĩ. Thời điểm ấy, họ loay hoay “dò đường”, gặp rất nhiều lúng túng trong việc tiếp cận với bệnh lý nguy hiểm mà hiểu biết chung trên thế giới phần nhiều vẫn là ẩn số.

Đầu tháng 3, một bệnh nhân trung tuổi có diễn biến nguy kịch, là một trong những ca nặng đầu tiên của cả nước. Phác đồ điều trị tổn thương phổi nặng được nhiều nơi triển khai lúc bấy giờ dựa trên nguyên tắc thông thường của bệnh lý tương tự Covid-19 như SARS, MERS-CoV: bệnh nhân được chỉ định thở máy ngay, diễn biến nặng hơn sẽ chỉ định can thiệp ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo).

Tuy nhiên, sau 5 bệnh nhân nặng phải thở máy đầu tiên, bác sĩ Cấp và các đồng nghiệp quyết định đi theo một hướng mới phù hợp hơn với tình trạng cụ thể của các bệnh nhân: ưu tiên can thiệp hỗ trợ oxy không xâm nhập, hạn chế tỷ lệ bệnh nhân phải thở máy.

Chiến lược này có vẻ mạo hiểm, vì đa số các bệnh nhân đều suy hô hấp rất nặng, đối chiếu với các tiêu chuẩn kinh điển thì đều phải thở máy, thậm chí chạy ECMO. Khi hỗ trợ hô hấp không xâm nhập, nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế cũng cao hơn. Nhưng nhóm thầy thuốc vẫn rất kiên định với chiến lược của mình.

“Những nguyên lý chung của y học có thể áp dụng cho tất cả các bệnh lý. Nhưng trên một trường hợp cụ thể, có nững diễn biến riêng biệt thì cần bám sát theo đặc trưng đó để điều trị. Nguyên tắc của chúng tôi là cá thể hóa điều trị cho từng bệnh nhân, bệnh nhân luôn ở trung tâm”, bác sĩ Cấp nói.

Qua một thời gian chăm sóc tích cực, đa số các bệnh nhân đáp ứng tốt và dần hồi phục. Sau này, các thông tin y học cho thấy nhiều tác giả lớn trên thế giới cũng có quan điểm tương tự, chứng minh đây là hướng đi đúng.

Việc thay đổi chiến lược điều trị thời điểm ấy của các bác sĩ mang tính bước ngoặt, có ý nghĩa rất lớn nếu dịch bệnh lan rộng ở nước ta, vì máy thở và thiết bị ECMO, ngay cả số bác sĩ sử dụng thành thạo chúng cũng không nhiều. Ngoài ra, hạn chế số bệnh nhân thở máy, ECMO cũng giúp người bệnh hạn chế nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn và các hệ lụy khi quá trình điều trị kéo dài.

Cũng trong tháng 3, Khoa Cấp cứu ghi nhận hai nhân viên y tế đầu tiên nhiễm chéo SARS-CoV-2 từ bệnh nhân dù tuân thủ rất tốt việc phòng hộ, nghi ngờ lây nhiễm xảy ra khi thực hiện thủ thuật đặt ống nội khí quản cho bệnh nhân. Đây là lúc các bác sĩ bắt đầu thay đổi quan điểm phòng hộ, xác định SARS-CoV-2 lây truyền dễ dàng từ người sang người, không phải lây truyền hạn chế như các khuyến cáo sẵn có. Đồng thời, trong môi trường cấp cứu, hồi sức, virus hoàn toàn có thể lây qua aerosol (khí dung).

Các bác sĩ lập tức nâng nguy cơ lây nhiễm trong phòng hồi sức cấp cứu lên một bậc. Bên cạnh đảm bảo phương tiện phòng hộ chuẩn như khẩu trang N95, mạng che mặt, găng tay, quần áo phòng hộ, khoa Cấp cứu quyết định áp dụng phòng hộ cao hơn: sử dụng mũ trùm đầu và máy lọc khí cá nhân cho những người thực hiện thao tác nguy hiểm như: đặt ống nội khí quản, khí dung, nội soi phế quản, hút đờm dãi, vỗ rung chăm sóc hô hấp, …

Mũ trùm đầu, máy lọc khí khi ấy không có sẵn, họ tự tìm cách thiết kế, sáng tạo trên những vật dụng đang có. Từ đó đến nay, đơn vị không có thêm nhân viên y tế lây nhiễm chéo SARS-CoV-2.

Tháng 8, bác sĩ Cấp cùng bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích khi tham gia tăng viện cho tâm dịch miền Trung đã đem những kinh nghiệm quý báu chia sẻ lại cho các đồng nghiệp.

“Các đồng nghiệp của chúng tôi tại miền Trung đều là những thầy thuốc giỏi. Nếu không có sự hỗ trợ của chúng tôi, họ cũng sẽ tự rút được kinh nghiệm sau một thời gian. Nhưng bệnh nhân thì không chờ được thời gian đó, họ có thể chết trước khi bác sĩ rút ra được kinh nghiệm. Những kiến thức, kinh nghiệm của chúng tôi đã giúp rút ngắn được thời gian đó và giúp cứu sống thêm nhiều bệnh nhân”, bác sĩ Cấp chia sẻ.

Để hạn chế nguy cơ lây nhiễm, các bác sĩ phải tập quen với cách tổ chức, sắp xếp công việc rất mới.

Nhân sự Khoa Cấp cứu lúc ấy chia thành ba vòng. Vòng 1 trực tiếp thăm khám bệnh nhân, thực hiện các chụp chiếu, xét nghiệm, sau đó gửi kết quả ra ngoài. Vòng 2 đóng vai trò như cơ quan “đầu não”, có nhiệm vụ hội chẩn, giao ban, đưa ra chỉ định điều trị. Vòng ngoài cùng không tiếp xúc với vòng 1, làm nhiệm vụ hậu cần như lĩnh thuốc, chuẩn bị thức ăn,… Các nhóm giao tiếp với nhau chủ yếu qua các thiết bị thông minh.

Một ca làm việc tại vòng 1 kéo dài 6 tiếng. Trong suốt thời gian ấy, các bác sĩ hạn chế tối đa việc cởi bỏ bộ đồ bảo hộ để đảm bảo an toàn, vừa tránh tiêu hao vật tư, nhất là giai đoạn đầu khi nguồn cung thiếu thốn. “Mặc đồ bảo hộ, lực đè ép của khẩu trang N95 thường xuyên tạo ra những vết hằn trên mặt, thậm chí vết bầm tím khá đau. Tuy nhiên, do vẫn phải đảm bảo khẩu trang kín khít với mặt nên không thể độn lót vật dụng gì khác, ngoài vị trí dây đeo”, bác sĩ Cấp kể.

Nếu không vào buồng điều trị, những bác sĩ có kinh nghiệm như ông Cấp vẫn theo sát từng diễn biến, trao đổi thường xuyên từ phía ngoài nhờ hệ thống camera giám sát, các thông tin từ buồng bệnh gửi ra qua mạng xã hội hay số liệu cập nhật trên kho lưu trữ trực tuyến chung. Khi bệnh nhân diễn tiến xấu hoặc cần can thiệp các thủ thuật khó, ông sẽ lập tức vào hỗ trợ đồng nghiệp.

Ngày đầu, điện thoại bác sĩ Cấp và các lãnh đạo khác trong Khoa gần như đổ chuông liên tục. Không chỉ cuộc gọi trao đổi chuyên môn giữa các nhóm, cuộc gọi từ bệnh nhân,…họ nhận thêm nhiều cuộc điện thoại nhờ tư vấn từ các bệnh viện địa phương có ca dương tính như ở Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Thái Bình, Quảng Ninh…

Gần 1 năm căng mình theo từng diễn biến của dịch bệnh, bác sĩ Cấp có nhiều kỷ niệm đặc biệt, mà theo ông chẳng thể kể hết một sớm một chiều. Ông Cấp nhớ nhất hình ảnh sau mỗi ca làm việc, các bác sĩ lại tranh thủ gọi điện về nhà. Người hướng dẫn con học bài, dạy con cách nấu ăn; người hướng dẫn cha mẹ cách tự chăm sóc khi đau ốm. Thậm chí, có người phải dạy con… tự sửa ống nước.

“Thực ra, chúng tôi đã quen vì theo đuổi nghề này nhiều năm, không ít lần xa nhà dài ngày hay Tết không thể về. Khó khăn hơn có lẽ là những người thân ở nhà. Nếu cả hai vợ chồng cùng ở lại viện, ông bà, con cái sẽ là người khổ nhất”, bác sĩ Cấp tâm sự.

Câu chuyện khác khiến ông rất nhớ, là về một nam bệnh nhân có thời gian dương tính SARS-CoV-2 khá dài. Ngày nào cũng vậy, anh đều hỏi bác sĩ: “Đến lúc nào em được đi chụp phim X-quang?” Lý do là bởi cách ly trong phòng lâu ngày quá, anh tha thiết được ra ngoài, dù chỉ là ra khỏi buồng bệnh, được ngắm nhìn đất trời trên đường xuống đến phòng chụp X-quang.

“Bạn ấy từng ngại chuyện chụp X-quang vì lo sợ tia ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng lại vì khao khát được ra ngoài mà có mong ước như vậy. Tôi thấy rất cảm động. Chúng tôi cũng có những lúc như vậy, dù đôi khi chỉ là mong được đi dạo một vòng hay được nhìn thấy đường phố có mọi người qua lại”, ông Cấp nói.

Khi bác sĩ Cấp hết thời hạn cách ly sau hơn 2 tháng và được về nhà, cũng là lúc Hà Nội dỡ bỏ phong tỏa. Ông rất thích cảm giác ngồi ngoài phố, uống một ly cà phê và ngắm người dân đi lại trên đường. Bác sĩ Cấp bảo, sự bình yên ấy khiến ông thấy phấn đấu của mình và anh em có ý nghĩa.

25 năm theo ngành hồi sức cấp cứu, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp đã có 14 năm gắn bó với bệnh viện đầu ngành truyền nhiễm.

Ông Cấp dùng hai chữ “duyên phận” để nói về lý do gắn bó với công việc này. “Cũng giống như suốt thời gian đi học, tôi thích môn Vật lý, nhưng tới khi thi đại học không hiểu sao lại quyết định chọn khối B và ngành Y. Sau khi ra trường, tôi về với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, làm bác sĩ cấp cứu trong ngành truyền nhiễm cũng là một cái duyên”, ông chia sẻ.

Hồi sức là chuyên ngành vô cùng vất vả, gian khổ, riêng Truyền nhiễm còn gắn thêm sự nguy hiểm. Làm bác sĩ hồi sức trong ngành truyền nhiễm, mọi khó khăn nhân lên gấp đôi. Thế nhưng, bác sĩ Cấp và các đồng nghiệp có những niềm vui nho nhỏ mỗi ngày là động lực phấn đấu. Đó, là sự tiến triển tốt của bệnh nhân, đặc biệt là các ca bệnh khó.

“Làm truyền nhiễm tuy nghèo và vất vả, nguy hiểm nhưng có những điểm rất thú vị. Nếu như một số ngành khác chỉ có thể điều trị để bệnh nhân ổn định trong trạng thái mạn tính, truyền nhiễm nếu chữa đúng thì nhiều bệnh nhân có thể khỏi hoàn toàn. Điều thứ hai liên quan đến công tác chống dịch, thay vì cứu được một vài bệnh nhân, nếu làm tốt, ta có thể cứu được rất nhiều người và thậm chí cả cộng đồng”, bác sĩ Cấp tâm sự.

Ông Cấp đánh giá, Việt Nam hiện vẫn đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Tuy nhiên, Covid-19 có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào do tình hình dịch tại các nước xung quanh còn phức tạp. Đây là “thời điểm vàng” để hệ thống y tế tổ chức đào tạo tập huấn, chuyển giao cho tất cả các tuyến, phòng trường hợp có các chùm ca bệnh mới.

“Bác sĩ ngành truyền nhiễm vẫn luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho mọi tình huống. Việc này chúng tôi đã làm trong rất nhiều năm qua, với mọi dịch bệnh chứ không riêng Covid-19, và nhiều năm tới vẫn sẽ như thế”, ông Cấp nói.

PV/VNN

Đọc nhiều