“Là Anh hùng nhưng không thoát khỏi cám dỗ của quyền lực và tiền bạc”
“Nhiều người từng vào sinh ra tử, có người trở thành anh hùng nhưng họ không thoát khỏi cám dỗ của quyền lực và tiền bạc”.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đang đến gần. Một nhiệm kỳ với nhiều thăng trầm, thử thách sắp khép lại. Gần 5 năm qua, nhân dân đã chứng kiến quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước trong công cuộc làm trong sạch đảng, trong sạch đội ngũ. Bằng chứng là hàng nghìn tổ chức, hàng vạn đảng viên bị thi hành kỷ luật. Đặc biệt, công tác phòng, chống tham nhũng với nhiều kết quả quan trọng đã thắp lên niềm tin trong nhân dân. Họ tin tưởng và ủng hộ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng- Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng khi tuyên bố “lò đã nóng thì củi tươi vào cũng cháy”. Nhưng, bấy nhiêu vụ án, bấy nhiêu cán bộ cao cấp bị đưa ra xét xử vì tội tham ô, tham nhũng vẫn chưa hẳn làm người dân yên tâm. Họ vẫn còn những tâm tư, trăn trở.
Phóng viên cảm nhận rõ điều này khi trò chuyện với Đại tá Nguyễn Quý – người đã có 50 năm phục vụ quân đội, gần 65 năm tuổi Đảng. Đại tá Nguyễn Quý năm nay 88 tuổi, tham gia quân đội từ kháng chiến chống Pháp, năm 1946.
PV: Thưa Đại tá Nguyễn Quý, mỗi khi nghe tin kỷ luật Đảng hoặc xét xử những vụ án tham nhũng liên quan đến những cán bộ cấp cao, ông thường có suy nghĩ gì?
Đại tá Nguyễn Quý: Là một cựu chiến binh, từng đi qua những năm tháng chiến tranh, tôi thực sự rất buồn khi phải chứng kiến nhiều cán bộ bị xử lý kỷ luật Đảng và vi phạm pháp luật của Nhà nước. Nhiều người trong số họ từng là những đảng viên rất tốt, có nhiều thành tích trong kháng chiến và xây dựng đất nước, vậy mà giờ đây bị tha hóa vì tham ô, tham nhũng, trong đó có những cán bộ cao cấp. Đó là điều rất đáng tiếc.
Tôi rất tán thành với lời nói của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng rằng “rất đau lòng khi phải xử đồng chí mình nhưng để làm trong sạch nội bộ Đảng, mang lại niềm tin đối với nhân dân thì chúng ta phải kiên quyết loại trừ những con sâu mọt ra khỏi đời sống xã hội”. Dù vậy, chúng tôi cũng rất tin tưởng Đảng và Nhà nước ta, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, mong công cuộc phòng chống tham nhũng sẽ ngày càng thành công hơn.
PV: Là chứng nhân lịch sử, ông thấy đã khi nào mà công tác phòng chống tham nhũng mạnh như thời kỳ này hay chưa?
Đại tá Nguyễn Quý: Trước đây, tôi từng chứng kiến phiên tòa xét xử Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu và đồng bọn can tội “Biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến”. Phiên tòa diễn ra vào năm 1950 tại Thái Nguyên – Thủ đô kháng chiến. Trần Dụ Châu đã bị Tòa án binh tối cao phạt án tử hình, đồng thời bị tước quân hàm Đại tá. Phiên tòa diễn ra công khai.
Sau khi tuyên án tử hình Trần Dụ Châu, mọi người chứng kiến phiên tòa rất hồ hởi, phấn khởi. Bộ đội và quần chúng nhân dân hò reo vì mức án đích đáng. Sau đó, tử tù Trần Dụ Châu có gửi đơn lên Hồ Chủ tịch xin tha tội chết nhưng Hồ Chủ tịch đã ký lệnh y án. Thời kỳ đó, việc tham ô, tham nhũng không nhiều nhưng vẫn có những kẻ tha hóa và bị xử rất nghiêm minh.
Hồ Chủ tịch đã từng có những đêm trắng khi phải đưa ra quyết định như vậy và ngày nay, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đau xót khi phải xử lý kỷ luật đồng chí của mình. Có nhiều người từng “vào sinh ra tử”, có người trở thành Anh hùng nhưng họ không thoát khỏi cám dỗ của quyền lực và tiền bạc.
Chẳng hạn như Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, tôi đã tiếp xúc và nghĩ rằng, đó là một người có tài trong chỉ huy quân sự. Lên được chức Đô đốc nghĩa là ngang hàng Thượng tướng, Tư lệnh Hải quân. Thật đáng tiếc, ông đã vi phạm, vấp váp và bị xử lý kỷ luật và bị đưa ra xét xử.
Hay như ông Nguyễn Đức Chung gần đây, ông ấy cũng có thành tích, được phong Anh hùng. Nếu không mắc những sai phạm như vậy, họ có thể trở thành cán bộ chủ chốt của Đảng, Nhà nước hay Quân đội, Công an…
PV: Theo ông, việc xử lý cán bộ tham ô, tham nhũng thời gian qua có tác dụng cảnh tỉnh thế nào và những cựu chiến binh như ông có thực sự cảm thấy yên tâm?
Đại tá Nguyễn Quý: Tôi nghĩ, những vụ việc như vậy có tác dụng cảnh tỉnh và răn đe rất lớn. Những ai sắp vi phạm hoặc đã vi phạm nhưng chưa lún sâu, họ có thể dừng lại hoặc sám hối. Nhưng cá nhân tôi và nhiều cựu chiến binh cũng như cán bộ nghỉ hưu thấy rằng, dường như Trung ương làm mạnh hơn địa phương. Điều quan trọng là phải dấy lên phong trào chống tham nhũng ở tất cả các ngành, các lĩnh vực và tất cả các địa phương, kể cả xuống đến cấp phường, xã.
Tham ô, tham nhũng nhỏ ở địa phương cũng phải “xắn tay áo” lên làm và làm một cách mạnh mẽ hơn nữa. Chúng tôi rất muốn những người kế nhiệm đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tiếp tục “truyền lửa” chống tham nhũng để thực sự tạo thành một phong trào rộng khắp. Chúng tôi sợ nhất là sự buông xuôi, không sâu sát.
Điều quan trọng nhất bây giờ là lãnh đạo các địa phương phải quyết liệt. Đại hội Đảng các cấp vừa qua, chúng tôi theo dõi và rất kỳ vọng vào công tác nhân sự. Như Bác Hồ đã nói, cán bộ quyết định hết thảy. Cán bộ tốt thì mới có phong trào tốt. Cán bộ có liêm khiết thì mới chống tham nhũng được và ngược lại. Cho nên, công tác cán bộ, chọn đúng người tài- đức vẹn toàn là một điều rất khó.
PV: Vậy muốn tạo thành phong trào ở các bộ, ngành, địa phương thì theo ông, có cách nào hiệu quả?
Đại tá Nguyễn Quý: Theo chúng tôi quan sát, ngoài cán bộ chủ chốt có quyết tâm chống tham nhũng thì những cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra cũng phải thực sự liêm khiết. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói rồi, đội ngũ này mà không trong sạch thì rất khó để phát hiện tham nhũng. Ủy ban kiểm tra, công an, tòa án, viện kiểm sát không trong sạch thì làm sao chống tham nhũng được. Suy cho cùng, vẫn là công tác cán bộ.
Những đảng viên lão thành, những người đã từng chiến đấu, vào sinh ra tử rất lo lắng khi cho rằng, thành quả của sự hy sinh xương máu liệu có tốt đẹp như chúng ta mong muốn hay không?
Niềm tin của nhân dân quan trọng lắm. Người đẩy thuyền và người lật thuyền đều là nhân dân. Cho nên, hơn lúc nào hết, muốn giữ được chế độ thì Đảng phải gương mẫu, trong sạch, vững mạnh, trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân. Phải coi chống tham nhũng như chống ngoại xâm, thậm chí mạnh hơn bởi đó là kẻ thù nội xâm, ngay trong lòng chúng ta.
Ngày hôm nay, anh có thể là Anh hùng nhưng ngày mai, anh không giữ được phẩm chất, đạo đức, tha hóa thì anh sẽ trở thành tội đồ, rất nhanh. Do đó, tu dưỡng đạo đức phải là việc làm suốt đời thì mới tránh khỏi cám dỗ của quyền lực và đồng tiền. Không thể cứ vỗ ngực ta là cán bộ cao cấp, ta là đảng viên lâu lăm, ta là anh hùng thì ta có thể cho phép mình làm nhiều thứ, kể cả phạm pháp.
PV: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhiều lần nhắc đến đạo đức cách mạng, danh dự của người đảng viên, nhắc đến tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Liên Xô (cũ) Nhicalai Axtơrốpxki. Hơn ai hết, những người thuộc thế hệ của ông thấm thía hơn cả?
Đại tá Nguyễn Quý: Đúng như vậy. Thế hệ thanh niên chúng tôi một thời coi đó là cuốn sách “gối đầu giường”, nghĩa là luôn luôn phấn đấu để theo gương Pavel Korchagin…Ngày xưa, chúng tôi phấn đấu vào Đảng không đơn giản đâu. Phải đánh vài trận để chứng tỏ lòng dũng cảm, lòng trung thành của mình, phải sống với chiến sĩ, với nhân dân, phải thử thách bao nhiêu lần mới được kết nạp Đảng nhưng giờ đây, tôi thấy việc kết nạp Đảng “nhẹ nhàng” quá. Rõ ràng, một người đảng viên trước đây và bây giờ, ngay từ điểm khởi đầu đã khác nhau về chất.
Không vượt qua những thử thách để đứng trong hàng ngũ của đảng thì họ sẽ không biết trân trọng và cũng rất dễ sa ngã. Mấy chục năm đã qua nhưng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vẫn nhắc lại một tác phẩm “nằm lòng” của thế hệ thanh niên những năm kháng chiến. Và tôi nghĩ, ở giai đoạn nào thì sự rèn luyện cũng đều cần thiết và quý giá. Không rèn luyện, không trải qua thử thách thì rất khó có những đảng viên tốt, cán bộ tốt.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Giáng Hương/ VOV