439
category
365905

Ký ức lịch sử của người lính trong tổ bắt sống tướng Đờ Cát

23/02/2020 11:38

Đại tá, Anh hùng Hoàng Đăng Vinh, người cuối cùng trong tổ bắt sống tướng Đờ Cát năm xưa vừa qua đời tháng 10/2019. Vài tháng trước khi ông mất, chúng tôi có dịp gặp và hiểu thêm những câu chuyện từ người anh hùng Điện Biên…

Phòng lưu niệm của chiến sĩ Điện Biên

Giữa năm ngoái, tôi và thạc sĩ Đồng Khắc Thọ, một cộng tác viên lâu năm của báo Tiền Phong đã cùng nhau tới thăm đại tá Hoàng Đăng Vinh. Anh Thọ nguyên là Trưởng Ban quản lý Khu Di tích lịch sử – Sinh thái ATK Định Hóa (Thái Nguyên), nay tuy đã về hưu nhưng yêu nghề nên anh vẫn năng gặp những nhân vật lịch sử để sưu tầm các tư liệu cần thiết và bổ sung thêm kiến thức cho mình.

Trở lại nhà đại tá Vinh tại Khu tập thể Công binh (thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) sau vài năm, tôi mừng khi thấy căn nhà một tầng trước đây của ông nay đã được xây mới thành bốn tầng. Đưa chúng tôi lên căn phòng rộng trên tầng hai, đại tá Vinh cho biết, cách đây hai năm khi xây ngôi nhà này, điều đầu tiên ông nghĩ là làm một phòng lưu niệm. Bước vào phòng, chúng tôi thấy bàn thờ Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Giữa bàn thờ được đặt bức ảnh chụp năm 1958, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Bộ Quốc Phòng chúc sức khỏe Bác nhân kỷ niệm 14 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Hai bên bức ảnh, thấp phía dưới được treo hai bài thơ “Dâng hoa lên Người” và “Bác Giáp ơi” do ông Vinh làm để tưởng niệm Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bên cạnh đó, những kỷ vật, huân huy chương thời chiến, ảnh kỷ niệm của đại tá Vinh được để trong tủ kính hoặc treo trên tường, khiến căn phòng không khác một bảo tàng thu nhỏ.

Đại tá Hoàng Đăng Vinh cho biết, sau chiến thắng Điện Biên Phủ hơn chục ngày, nhân kỷ niệm 64 năm ngày sinh nhật Bác, ông được về ATK (an toàn khu) để gặp Người. Bài thơ “Dâng hoa lên Người” xuất phát từ những lời dạy của Bác trong dịp ông được gặp Người lần đầu tiên ấy. Ông kể, sáng 19/5, khi đoàn đại biểu chiến sĩ Điện Biên được lên gặp Bác, đã thấy Người và các cán bộ Trung ương Đảng đứng chờ trước một dãy nhà của cơ quan. Mừng quá, ông Vinh và các chiến sĩ đạt thành tích cao trong chiến dịch Điện Biên vội reo lên và chạy tắt theo lối gần nhất để đến bên Bác.

Cuộc gặp cuối với người của tổ bắt sống tướng Đờ Cát - ảnh 1
Anh hùng Hoàng Đăng Vinh kể lại những kỷ niệm tại ATK Định Hóa năm xưa 

Thấy vậy, Bác cười đôn hậu: “Các chú phải đi đúng đường để các nhà báo còn tác nghiệp chứ”. Sau đó, khi các chiến sĩ ngồi quây quần xung quanh, Người nói Chính phủ và Bác rất vui vì các chú đã lập công trong chiến dịch Điện Biên, nhưng các chú phải khiêm tốn, không được chủ quan vì nhiệm vụ của chúng ta còn rất nặng nề. Đến khi trao Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên cho các chiến sĩ, Bác hỏi: “Ở đây chú nào trẻ nhất?”. Một chiến sĩ trong hàng vội thưa: “Thưa Bác, chiến sĩ Hoàng Đăng Vinh trẻ nhất, mới 19 tuổi ạ”. Bác cười: “Vậy để Bác gắn Huy hiệu Điện Biên cho chú Vinh trước tiên”. “Lúc được gắn huy hiệu, vì xúc động quá nên tôi cứ đứng nghiêm mà quên làm động tác chào, nên Bác nhắc nhỏ tôi: Chú Vinh chào đi”- Đại tá Hoàng Đăng Vinh bồi hồi nhớ lại.

Đại tá Hoàng Đăng Vinh kể, trong quá trình gặp gỡ, Bác Hồ đã hỏi thăm hoàn cảnh gia đình và trình độ văn hóa của từng chiến sĩ. Đến lượt mình, Hoàng Đăng Vinh đáp: “Thưa Bác, vì nhà nghèo, lại đông anh em nên cháu mới chỉ biết đọc, biết viết trước khi vào bộ đội”. Bác khuyên: “Hễ có điều kiện là chú phải học, như thế mới tiến bộ được”. “Lời nói của Bác đã ăn sâu vào tâm trí tôi suốt 65 năm qua. Vài năm trước, nhớ lại lời dạy của Bác, tôi đã làm bài thơ Dâng hoa lên Người”- Đại tá Vinh cho biết. Rồi ông đọc bài thơ, trong đó có đoạn: “… Lời của Bác năm ấy/Rung động trái tim con/Bảo cho con chân lý/Dạy con biết làm người/Nay đã ngoài tám mươi/Vượt biết bao gian khó/Con hoàn thành nhiệm vụ/Việc nước đã vẹn toàn…”.

Tại cuộc gặp gỡ trên, Hoàng Đăng Vinh cũng lần đầu được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi được Đại tướng hỏi “làm thế nào để chỉ huy được tiểu đội?”, ông đã trả lời: “Em bắt chước những tiểu đội trưởng đi trước, và trong mọi trận đánh em đều lao lên trước”. Đại tướng khen: “Đồng chí Vinh như thế là dũng cảm. Nhưng nhớ vừa học tập những người đi trước, cũng cần phải biết sáng tạo để chiến đấu có hiệu quả”. Rồi vào dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Vinh có dịp gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp lần cuối.

Đại tướng nói: “Sau 50 năm còn gặp lại nhau thế này là hạnh phúc lắm rồi”. “Lời nói đó đến giờ vẫn văng vẳng bên tôi. Vậy mà năm 2013, khi cách kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ một năm, Đại tướng đã không còn nữa”- Đại tá Vinh xúc động nói, rồi đọc bài thơ “Bác Giáp ơi” ông đã làm nghe tin Đại tướng mất: “Cả đời Bác bận việc quân/Đến khi về nghỉ quây quần cố hương/Gió chiều lồng lộng bốn phương/Ru hồn Bác nghỉ bốn phương Quảng Bình/Thiên tài, đức độ, anh minh/Cả đời chiến đấu quên mình vì dân/Kính mong Bác mãi anh minh/Độ trì tổ quốc hòa bình ngàn năm”.

Những trang sách để lại

Tại cuộc gặp, Đại tá Vinh tặng chúng tôi cuốn sách “Chiến sĩ Điện Biên Hoàng Đăng Vinh”, kể về cuộc đời ông từ lúc sinh, tham gia quân ngũ cho đến khi nghỉ hưu. Đại tá Vinh cho biết, bên cạnh chuyện tham gia chiến dịch Điện Biên và bắt sống tường Đờ Cát, thì quãng thời gian trước khi đi bộ đội cũng là điều ông tâm đắc trong cuốn sách này. Bồi hồi, đại tá Vinh chia sẻ huyện Phù Cừ (Hưng Yên) quê ông trước đây từng bị thực dân Pháp đặt bốt La Tiến để đàn áp và giết hại du kích trong vùng.

Cuộc gặp cuối với người của tổ bắt sống tướng Đờ Cát - ảnh 2
 Anh hùng Hoàng Đăng Vinh tặng thạc sĩ Đồng Khắc Thọ cuốn “Chiến sĩ Điện Biên Hoàng Đăng Vinh”    

Có lần, trong một trận càn, địch bắt được một số du kích, khi xử lý đã bắt người dân đứng chứng kiến. Cứ sau mỗi câu hỏi không được trả lời, chúng lại chém một ngón tay, một bàn tay, xẻo một bên tai, xẻo cả hai môi… rồi giết hại. Năm 1950, anh ruột ông Vinh là Hoàng Mạnh Trình khi tham gia du kích cũng bị địch giết hại. Đầu năm 1952, khi chưa đầy 17 tuổi, Hoàng Đăng Vinh cũng bị địch bắt đưa về bốt La Tiến trong một trận càn. May sao, đợt đó chúng bắt nhiều quá nên sau đành thả bớt một số người, trong đó có ông Vinh. Về nhà, Hoàng Đăng Vinh tìm cách để bắt liên lạc với Việt Minh.

“Một đêm, khi đang kéo vó bè, một thanh niên đã bơi thuyền lại gần tôi và hỏi: Vinh ơi, có muốn đi bộ đội không? Mừng quá, tôi đồng ý ngay. Ba hôm sau, tôi rời nhà đi bộ đội, rồi được tham gia chiến dịch Điện Biên”- đại tá Hoàng Đăng Vinh cho biết. Rồi ông cho biết thêm: “Năm 2015, đền và cây đa La Tiến (cạnh bốt La Tiến) được công nhận là di tích lịch sử quốc gia. Gần gốc đa La Tiến cũng được dựng tấm bia ghi lại tội ác của địch, khi từ năm 1949-1954, chúng đã giết hại hơn một ngàn du kích và đồng bào ta tại đây”.

Trước cuộc gặp, anh Đồng Khắc Thọ đã chuẩn bị hai cuốn sách “Nơi khởi nguồn chiến dịch Điện Biên” và “ATK in dấu lịch sử” mà anh là tác giả để tặng đại tá Hoàng Đăng Vinh. Khi tặng sách ông, anh Thọ cho biết vào ngày 6/12/1953, tại ATK Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Như vậy, ATK Định Hóa là nơi khởi nguồn chiến dịch Điện Biên, và cũng là nơi báo công khi chiến dịch kết thúc thắng lợi, mà thời điểm sau ông Hoàng Đăng Vinh là một đại diện đã được về đây tham dự.

Đến nay, ATK Định Hóa đã trở thành Khu Di tích lịch sử -Sinh thái ATK Định Hóa, năm 2012 được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Hiện Khu Di tích lịch sử -Sinh thái ATK Định Hóa là một điểm du lịch hấp dẫn, mỗi năm thu hút vài trăm ngàn lượt du khách tham gia. “Vào dịp thích hợp, mời chú về ATK Định Hóa để thăm lại nơi này”- anh Đồng Khắc Thọ mời và đại tá Hoàng Đăng Vinh đã vui vẻ nhận lời.

Vậy mà vài tháng sau, chúng tôi thảng thốt nghe tin anh hùng Hoàng Đăng Vinh đột ngột qua đời. Anh Đồng Khắc Thọ nói với tôi, qua cuộc gặp với đại tá Hoàng Đăng Vinh lần trước đã giúp anh có thêm những tư liệu, hình ảnh để đóng góp thêm cho việc trưng bày, thuyết minh về nơi khởi nguồn chiến dịch Điện Biên tại Khu Di tích lịch sử -Sinh thái ATK Định Hóa. “Chỉ tiếc một điều là chưa đón được anh hùng Hoàng Đăng Vinh trở lại nơi này…”- anh Thọ bùi ngùi.

Kiến Nghĩa/TPO

Đọc nhiều