419
category
397153

Kỳ tích của bệnh nhân 19 và kỳ tích của ngành y tế Việt Nam

Quỳnh Quỳnh 28/05/2020 17:50

Bệnh nhân phi công ngày 27/5 đã tỉnh, có phản xạ ho và cử động được các ngón tay; cơ hoành và các cơ khác còn liệt. Có thể nói đây là kỳ tích của bệnh nhân 19 nói riêng và cũng chính là kỳ tích của ngành y tế Việt Nam nói chung.

Kỳ tích của bệnh nhân 19

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương sáng 27/5 công bố thêm 6 bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh, trong đó có bệnh nhân số 19 (BN19) là bệnh nhân nặng nhất miền Bắc.

BN 19 là ca đặc biệt nặng

Đặc biệt, bệnh nhân số 19 cũng là bệnh nhân nặng nhất trong số các bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, quá trình điều trị từng nhiều lần nguy kịch tưởng không thể qua khỏi.

Thông tin từ bệnh viện cho biết, bệnh nhân này đã từng phải can thiệp thở máy xâm nhập, ECMO, từng ngừng tim 3 lần, các y bác sĩ của bệnh viện phải cấp cứu liên tục mới có thể tái lập tuần hoàn cho người bệnh.

Hiện các bệnh nhân sức khoẻ ổn định, không ho, không sốt, tỉnh táo và sẽ tiếp tục được theo dõi sức khoẻ trong 14 ngày tiếp theo.

Bệnh nhân phi công người Anh, là ca Covid-19 nặng nhất ở Việt Nam. Anh mắc hội chứng “bão cytokine”, tức hệ miễn dịch phản ứng thái quá giải phóng nhiều cytokine chống lại cơ thể thay vì bảo vệ. Sau 65 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, bệnh nhân âm tính nCoV 7 lần liên tiếp, chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 22/5 để tiếp tục điều trị.

Hôm nay, Bộ Y tế không ghi nhận ca nhiễm nCoV. Thêm 6 người khỏi bệnh, trong đó có “bệnh nhân 19” là ca nặng nhất miền Bắc. 41 ngày không lây nhiễm cộng đồng. 49 người đang điều trị tại 9 cơ sở y tế đa số sức khỏe ổn định. Hiện, 6 bệnh nhân xét nghiệm âm tính lần một, 17 người âm tính lần hai.

Kỳ tích của ngành y tế Việt Nam

Đến nay là 30 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng. Thành công chống dịch của Việt Nam được gọi là “kỳ tích” theo cách nhìn của các phương tiện thông tin đại chúng ở nước ngoài. Tuy nhiên, chúng ta vui mừng nhưng tuyệt đối không chủ quan.

Thành công chống dịch của ngành y tế và cả đất nước Việt Nam đang được quốc tế đánh giá cao như một kỳ tích trong cuộc chiến với dịch bệnh.

Truyền thông Nga coi mô hình phòng, chống Covid-19 của Việt Nam là: “có một không hai”; Thời báo Berlin (Ðức) khẳng định: “Thành tích chống Covid-19 của Việt Nam thật phi thường và đáng kinh ngạc mà nhiều nước châu Âu phải học hỏi…”; Báo Lemonde (Pháp) ngày 20-4 dành vị trí trang trọng với tiêu đề: “Ngoài Ðại thắng mùa Xuân năm 1975, Việt Nam có thêm một đại thắng mùa xuân năm 2020, đó là chiến thắng đại dịch Covid- 19”. Các hãng thông tấn lớn trên thế giới Reuters, CNN, NewYork Times, ABC, BBC… trong những ngày qua cũng đồng loạt ca ngợi sự kỳ diệu của Việt Nam trong phòng, chống đại dịch.

Lực lượng nòng cốt đứng đầu chiến tuyến đáng được xem là kỳ tích vẫn là các y, bác sĩ, điều dưỡng, những nhà quản lý, nhà khoa học ngành y, các bệnh viện, trung tâm y tế từ Trung ương đến địa phương. Họ hy sinh thầm lặng, làm việc tại các cơ sở khám, chữa bệnh hàng tháng trời, tận tụy, không mệt mỏi, sống chung với đại dịch.

Mỗi ngày, các y bác sĩ của chúng ta phải tiếp nhận hàng chục hồ sơ bệnh án, thăm khám, theo dõi sức khỏe của từng người, chưa tính đến việc phải trả lời hàng trăm thắc mắc từ bệnh nhân và người thuộc diện cách ly. Trong những ngày cao điểm khi phải tiếp nhận 30-40 người thuộc diện F1, F2, phải làm xuyên đêm để lấy mẫu bệnh phẩm, phân loại, làm hồ sơ, xếp phòng điều trị…. Họ vẫn cố gắng nở nụ cười, điềm tĩnh và kiên nhẫn với từng bệnh nhân dẫu đã mệt mỏi, thiếu ngủ, quá tải nhiều ngày. Lại một lần nữa, họ cứ làm đã! Vì bệnh nhân đang cần.

Để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo, các cán bộ, y bác sĩ phải mặc đồ bảo hộ suốt cả ngày. Trong giai đoạn đầu, khi hệ thống sản xuất chưa thể cung ứng đủ vật tư y tế, các y bác sĩ đã phải san sẻ cho nhau từng chiếc khẩu trang, từng bộ đồ, hạn chế đi vệ sinh, ăn uống để tránh lãng phí thiết bị. Cảm giác bức bí cùng những vết hằn của khẩu trang, mũ, cổ áo in sâu lên cơ thể có lẽ sẽ là những lời giãi bày chân thật nhất về sự khốc liệt của bệnh tật.

Nhưng điều đặc biệt nhất khiến các y, bác sĩ nhớ về không phải là những khó khăn mà là ánh mắt hạnh phúc, nụ cười rạng rỡ và những lời chào tạm biệt của bệnh nhân khỏi bệnh. Những giọt nước mắt vui sướng của các bác sĩ khi chữa khỏi cho bệnh nhân là minh chứng sống động nhất cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của họ.

Bạn đọc Cao Nga viết: “Xin trân trọng cảm ơn các bác sĩ, y tá, điều dưỡng… và tất cả những ai đang ở tuyến đầu chống dịch. Nếu không có họ thì đất nước đâu được an toàn như bây giờ. Chúc cho họ và những người thân của họ mãi được mạnh khỏe vui vẻ và hạnh phúc. Tôi yêu Việt Nam”.

Có bạn đọc đã không ngần ngại gọi họ là những “Siêu anh hùng của đời thực” hay “Anh hùng đất Việt là đây”, “Xin cám ơn những chiến binh y tế”. Còn bạn đọc có tên Dã Quỳ: “Thật sự rất ấn tượng với ấn tượng Việt Nam – Những y, bác sĩ, dân quân, quân nhân… đã vững tay chèo nơi đầu sóng ngọn gió để chinh phục đại dịch, mang lại sự an tâm, tin tưởng và đồng lòng chung tay của người dân”.

Vâng, thật sự họ là những người hùng, những kỳ tích. Xin được cúi đầu cảm ơn.

Quỳnh Quỳnh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Đọc nhiều