130115
topics
442313
Kỳ tích chiến thắng đại dịch nhìn từ các giá trị văn hóa Việt Nam
26/10/2020 08:15

Trải qua 9 tháng chống dịch Covid-19 đầy cam go, Việt Nam cơ bản kiểm soát được tình hình. Sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự gắn kết của toàn dân đã làm nên kỳ tích.

Tối 30 Tết Âm lịch năm 2020, một ngày sau khi Việt Nam phát hiện 2 bệnh nhân Covid-19 đầu tiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn xuất hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Hôm ấy, Thứ trưởng Sơn chỉ vừa trở về Việt Nam sau chuyến công tác 5 ngày tại Davos (Thụy Sỹ).

Khoác lên mình bộ đồ bảo hộ xám và đi thẳng vào khu cách ly đặc biệt tại khoa Bệnh Nhiệt đới, ông Sơn vừa nắm nhẹ cổ tay ông Li Ding đang nằm trên giường bệnh, vừa trao đổi với anh Li Zichao – con trai bệnh nhân Li Ding. Hai người đàn ông Trung Quốc này vừa được xác định dương tính với virus corona. Đây là hai bệnh nhân Covid-19 đầu tiên được xác định tại Việt Nam.

“Phải nói là rất lo lắng”, Thứ trưởng Bộ Y tế kể lại, “lúc đó, Việt Nam chưa có kinh nghiệm, chưa có nghiên cứu, chưa có bệnh nhân cho đến khi Bệnh viện Chợ Rẫy phát hiện 2 trường hợp này”.

9 tháng kể từ khi bước vào cuộc chiến chống Covid-19 với “3 chưa” như vậy, Việt Nam cơ bản kiểm soát được Covid-19. Với 1.107 ca nhiễm, chúng ta chỉ có 35 ca tử vong – tương ứng 3,16% – và 54 ngày liên tiếp không có ca nhiễm trong cộng đồng (tính đến 26/10).

Báo chí thế giới gọi thành công trong chống dịch của Việt Nam là “kỳ tích”. Còn theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đây là minh chứng hùng hồn cho “tính ưu việt của chế độ”. Đó là truyền thống đoàn kết, lòng yêu nước, tình nhân ái và ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam. Càng trong khó khăn, thử thách, phẩm chất và truyền thống đó càng được phát huy và nhân lên gấp bội.

Xuân Canh Tý, lãnh đạo Đảng và Chính phủ gần như không có Tết. Tất cả cùng đón năm mới trong tâm thế chiến đấu với một dịch bệnh toàn cầu.

Tinh thần “chống dịch như chống giặc” được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu cao ngay từ ngày đầu có dịch.

“Tôi đồng ý là có thể thiệt hại về kinh tế đôi chút, nhưng tính mạng và sức khỏe của người dân vẫn là điều quan trọng nhất đối với Đảng, Nhà nước và Chính phủ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại buổi họp Chính phủ tối mùng 3 Tết (ngày 29/1).

Đây cũng là “kim chỉ nam” của toàn hệ thống chính trị xuyên suốt cuộc chiến chống Covid-19.

Chính phủ quyết liệt họp bàn chống dịch dù chưa hình thành tư duy một cách hệ thống, bởi chưa thể đánh giá được mức độ nguy hiểm của đại dịch. Chỉ trong 28 ngày (mùng 2 Tết đến cuối tháng 1 Âm lịch), Thủ tướng, các phó thủ tướng đã có 70 cuộc họp, trong đó 11 cuộc với nội dung phòng, chống dịch Covid-19. Mọi biện pháp phòng, chống dịch đều được đặt cao hơn một mức so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

“Khi ấy, Thủ tướng, các phó thủ tướng, thành viên Chính phủ chỉ có chút thời gian ngắn ngủi về thăm gia đình, sau đó tập trung chỉ đạo phòng, chống dịch”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng kể.

Lời kêu gọi toàn toàn thể dân tộc Việt Nam cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch Covid-19 của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã được đáp lại.

Những “ổ dịch” lần lượt được phát hiện và được dập tắt: Xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc); chuỗi lây nhiễm từ bệnh nhân 17 trở về từ Italy và bệnh nhân 34 trở về từ Mỹ; Bệnh viện Bạch Mai; Bar Buddha với ca khởi phát là bệnh nhân 91…

Chỉ thị 16 về cách ly xã hội được ban hành cùng các biện pháp phòng, chống dịch chưa từng có tiền lệ. 22 ngày đầu tháng 4, nhiều tỉnh, thành trên cả nước cùng nhau “bế quan tỏa cảng”, đồng tâm hiệp lực tập trung chiến đấu với dịch bệnh.

Nhờ đó, ngày 24/4, Chỉ thị 19 về giãn cách xã hội đã được ban hành, đánh dấu thành công của giai đoạn đầu chống dịch. Cả nước chuyển mình sang giai đoạn “sống chung” với Covid-19. Các hoạt động kinh tế từng bước được khôi phục, các loại hình giao thông liên tỉnh lần lượt được tái khởi động. Hồi phục kinh tế là điều được Chính phủ, doanh nghiệp và mỗi người dân ưu tiên.

Ngày 25/5, tạp chí chính trị uy tín của Mỹ là Politico công bố danh sách 30 quốc gia, vùng lãnh thổ đi đầu về hiệu suất kinh tế và sức khỏe cộng đồng. Việt Nam được vinh danh là quốc gia “ứng phó thành công nhất với Covid-19 trên toàn cầu” khi chỉ có hơn 300 ca nhiễm và chưa có ca tử vong.

Thế nhưng, đúng như dự báo của Chính phủ, dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, có thể kéo dài và bùng phát bất cứ lúc nào.

Giữa tháng 7, Việt Nam bước vào giai đoạn chống dịch mới với ca nhiễm không xác định được nguồn lây ở Đà Nẵng sau 99 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng.

3 bệnh viện trung tâm bị phong tỏa. Các nhân viên y tế tại đây cũng phải cách ly. Hệ thống y tế Đà Nẵng gồng mình chống đỡ.

Ngay lập tức, hàng trăm bác sĩ, điều dưỡng từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Hải Phòng, Nghệ An… đã lên xe, hướng về Đà Nẵng. Trên quyết định đi chi viện của họ khi đó đều chỉ có ngày đi, không ghi ngày về.

Bác sĩ Phạm Thế Thạch là một trong những chuyên gia đến Đà Nẵng chi viện ngay từ những ngày đầu tiên bùng dịch. Nói về giai đoạn ấy, bác sĩ Thạch luôn nhắc đi nhắc lại rằng đây không chỉ là nhiệm vụ của người thầy thuốc, mà còn là nghĩa vụ của người dân mà anh chỉ là một đại diện.

“Nếu chúng ta kiểm soát dịch tốt thì thời gian khống chế dịch sẽ ngắn lại, con cái chúng ta được đi học. Đấy là nghĩa vụ không thuần túy là của Đà Nẵng mà là của cả nước, của người dân”, bác sĩ Thạch nói.

Hai tháng sau khi tái bùng dịch, dịch bệnh tại Đà Nẵng được kiểm soát. Việt Nam lúc này vẫn kiên định “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa lo phục hồi và phát triển kinh tế.

Là người trực tiếp chỉ đạo chống dịch tại Đà Nẵng khi ấy, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định thành công trong chống dịch tại Đà Nẵng phụ thuộc rất lớn vào tinh thần đoàn kết, sự ủng hộ của người dân trong cuộc chiến chống Covid-19.

“Chúng tôi đặc biệt cảm động khi nhận được những sự trợ giúp không chỉ bằng vật chất mà cả về tinh thần. Tình yêu và niềm tin của mỗi người Việt Nam đặt vào đội ngũ thầy thuốc đã tiếp cho chúng tôi sức mạnh vượt qua mọi khó khăn, vất vả và hy sinh trong cuộc chiến này”, ông nói.

“Thế là chồng tôi và mọi người được về nước để điều trị rồi”, chị Hồ Thị Phương (28 tuổi, xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) vỡ òa khi nghe thông tin về việc tổ chức chuyến bay cứu hộ công dân ở Guinea Xích Đạo vào ngày 10/7.

Chồng chị, anh Nguyễn Bá Du, là một trong 219 người lao động Việt mắc kẹt tại Guinea Xích đạo.

Anh Du qua nước bạn lao động từ tháng 9/2019 với hy vọng đưa gia đình thoát cảnh “hộ cận nghèo”. Thế nhưng, anh sang chưa được bao lâu thì dịch Covid-19 bùng phát.

Đầu tháng 7, biết tin chồng dương tính với Covid-19, chị suy sụp. Người phụ nữ 28 tuổi dùng đủ mọi cách với hy vọng đưa chồng hồi hương, từ gửi đơn thư cầu cứu chính quyền địa phương, Sở Ngoại vụ đến chia sẻ thông tin lên mạng xã hội.

19 ngày sau chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 29/7, chồng chị Phương cùng 218 công dân Việt Nam chính thức được đón trở về quê nhà

“Đấy là nghĩa đồng bào!”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, nhiều lần nhắc lại thông điệp này tại các cuộc họp của Ban chỉ đạo khi nói về việc đón công dân về nước. “Những trường hợp thật sự cần thiết phải về nước, dù còn nhiều khó khăn, Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước luôn nỗ lực hết sức để lo cho bà con”, ông nói.

Ngay từ khi diễn biến dịch trong nước còn phức tạp, Chính phủ đã liên tục tính toán các phương án và tổ chức chuyến bay để đưa công dân ở nước ngoài về nước. Cùng với đó, hàng chục phi công, tiếp viên cũng đăng ký tình nguyện đi vào tâm dịch để đưa người Việt về nước.

Tinh thần tương thân tương ái của dân tộc Việt không chỉ dành riêng cho người Việt. Đến nay, 100% bệnh nhân nước ngoài đều đã được Việt Nam chữa khỏi Covid-19.

Trong đó, bệnh nhân 91 là trường hợp đặc biệt nhất khi được các bác sĩ Việt Nam cứu sống qua giai đoạn “thập tử nhất sinh”.

116 ngày điều trị, 3 tháng hôn mê sâu, có thời điểm chức năng phổi chỉ còn 10%, phổi trắng xóa. Thế nhưng, vượt qua tất cả những thử thách đó, ngành y tế Việt Nam đã huy động toàn lực để cứu nam phi công từ cửa tử.

“Không có một áp lực nào, kể cả từ phía Đại sứ quán Anh, hay bất cứ người nào ép buộc chúng tôi phải cứu sống bệnh nhân 91. Chỉ là do các thầy thuốc Việt Nam quyết tâm bằng mọi giá không để ai ở lại phía sau, bất kể người đó mang quốc tịch gì”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, chia sẻ.

“Tôi choáng ngợp trước lòng hảo tâm của người Việt Nam và sự tận tâm và chuyên nghiệp của các bác sỹ và y tá, cả ở đây, (Bệnh viện) Chợ Rẫy và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới,” ông Stephen Cameron nói trước khi về nước. “Đáng lẽ ra tôi đã không còn sống, nên tôi chỉ biết cảm ơn mọi người ở đây về những gì họ đã làm”.

Lý giải yếu tố giúp giữ được sinh mạng cho bệnh nhân 91, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhận định đó là nhờ sự đoàn kết. Chưa bao giờ, ngành y tế tập hợp được đội ngũ hàng trăm cán bộ, chuyên gia giỏi của Việt Nam về các chuyên ngành để cùng nhau suy nghĩ đưa ra giải pháp để giúp những thầy thuốc tuyến đầu. Đồng thời, những thầy thuốc đang trực tiếp điều trị bệnh nhân cũng không sợ hiểm nguy ngày đêm chăm sóc điều trị, cứu sống bệnh nhân trong khi trên thế giới đã có rất nhiều y bác sĩ ra đi.

Không chỉ cứu chữa các bệnh nhân quốc tế, dù còn nhiều khó khăn, Chính phủ Việt Nam quyết định viện trợ bằng hàng hóa và vật dụng y tế trị giá khoảng 500.000 USD cho Chính phủ Trung Quốc; viện trợ thiết bị y tế trị giá 14 tỷ đồng cho Lào và Campuchia; viện trợ 50.000 USD cho Myanmar; hỗ trợ Nhật Bản vật tư y tế trị giá 100.000 USD. Ngoài ra, chúng ta còn tặng hàng triệu khẩu trang vải kháng khuẩn cho các nước Nga, Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Italy, Ấn Độ…

Trong nước, Thủ tướng kêu gọi “mỗi người dân tùy theo khả năng của mình, người có tiền góp tiền, có vật góp vật, có sức góp sức, có ý tưởng góp ý tưởng, không phân biệt tuổi tác, địa vị, giai tầng”, để chung sức chống dịch. Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh giá trị nền tảng của dân tộc Việt Nam chính là tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái – là sức mạnh giúp chúng ta vượt mọi thử thách.

Hưởng ứng lời kêu gọi đó, từ cụ già 90 tuổi đến những em nhỏ đều sẵn sàng dành số tiền tiết kiệm ít ỏi để “góp sức cùng Chính phủ”. Nhờ tinh thần “góp gió thành bão”, chỉ sau hơn một tháng phát động (từ 17/3 đến 28/4), số tiền và hiện vật ủng hộ chống dịch lên tới 2.000 tỷ đồng.

Với sự lan tỏa yêu thương, các cây ATM gạo, siêu thị 0 đồng và các điểm phát khẩu trang, lương thực miễn phí cũng xuất hiện ngày càng nhiều trên đường phố, ở nhiều địa phương.

“Bài học phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững giá trị văn hóa và bản sắc con người Việt Nam có ý nghĩa vô cùng to lớn trong bối cảnh nước ta đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như trong đại dịch”, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phú Yên), nhận định.

Qua theo dõi, quan sát và cùng tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh, chăm lo đảm bảo chính sách an sinh xã hội cho người dân, nữ đại biểu khẳng định nếu không dựa vào nền gốc của đoàn kết, xem “ý Đảng và lòng dân là một” như kim chỉ nam cho chuỗi hành động quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, sẽ không có một Việt Nam ghi dấu ấn với thế giới như vừa qua.

Nhìn lại chặng đường chống dịch, ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, chia sẻ “từ sau năm 1975 đến nay, lần đầu tiên hình ảnh Việt Nam được xuất hiện thường xuyên, liên tục, kéo dài khoảng ba tháng trên các phương tiện truyền thông thế giới”.

Điều tra của Viện Dư luận và Xã hội của Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy có 85% người dân hoàn toàn tin tưởng Việt Nam sẽ khống chế, dập tắt dịch Covid-19. Chỉ số niềm tin người dân dành cho Chính phủ cũng được tổ chức Dalia Research (trụ sở tại Berlin, Đức) ghi nhận. Khảo sát của đơn vị này tại 45 quốc gia cho thấy Việt Nam là nơi có tỷ lệ người dân tin tưởng vào các biện pháp ứng phó dịch Covid-19 của Chính phủ cao nhất thế giới.

“Niềm tin lúc này là một thứ tài sản vô cùng quý báu, bởi nó là nguồn lực và sức mạnh, nó minh chứng cho kết quả của sự đồng thuận xã hội, đoàn kết dân tộc, đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị trong cuộc chiến chống đại dịch”, theo TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu xã hội, nhận định.

Đánh giá về Việt Nam, Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định Việt Nam bước vào trận chiến Covid-19 ở vị thế vô cùng bất lợi, nhưng chiến lược khống chế hiệu quả giúp Việt Nam kiểm soát được tình hình, giữ số ca nhiễm ở mức thấp. Đặc biệt, thành công then chốt trong cuộc chiến với Covid-19 của Việt Nam là sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân.

Ông Takeshi Kasai, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO, đánh giá Việt Nam cho thấy sự lãnh đạo mạnh mẽ từ Chính phủ trong thực thi các biện pháp ứng phó dịch Covid-19. Bên cạnh đó, người dân có ý thức tuân thủ quy định xã hội nhằm hạn chế truyền nhiễm virus corona cũng góp phần giúp chiến lược ứng phó hiệu quả.

TS Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, rất ấn tượng với những gì Chính phủ, Bộ Y tế và địa phương đã làm trong những ngày chống dịch Covid-19. Ông Park đánh giá cao ứng phó của Việt Nam trước đại dịch ở ba điểm: Sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ; sự đầu tư đều đặn cho phòng chống dịch và sự tuân thủ nghiêm ngặt của toàn thể nhân dân. Nhờ cả hệ thống “đồng tâm hiệp lực”, Việt Nam đã có chiến thắng bước đầu.

“Thành công của Việt Nam trong xử lý đại dịch cũng như những nghĩa cử cao đẹp của Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng là cơ hội để Việt Nam chứng minh giá trị ngày càng tăng của mình với thế giới”, đó là nhận định của ông Derek Grossman, chuyên gia phân tích quốc phòng cao cấp tại RAND Corporation (cơ quan nghiên cứu có trụ sở tại Washington).

Trên cương vị người phát ngôn Chính phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng nếu không có sự đồng thuận toàn xã hội và người dân, sẽ không bao giờ làm được những việc làm trên.

“Kết quả hôm nay minh chứng cho sự đoàn kết và sức mạnh của toàn dân tộc, sự đồng cam cộng khổ và sẻ chia của cả hệ thống chính trị”, ông nói với Zing.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chia sẻ những tháng chống dịch là quãng thời gian đầy áp lực và khó khăn trong từng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, đặc biệt, của Thủ tướng. Hạnh phúc của họ, chính là mỗi ngày được thấy người dân vui mừng vì không có ca nhiễm mới, không phải lo lắng vì dịch bệnh.

Lời cảm ơn cũng được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam gửi đến nhân dân – những người đã chung sức, đồng lòng chống dịch dù phải chịu rất nhiều bất tiện, thậm chí thiệt thòi về kinh tế.

Theo đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, chiến thắng bước đầu trong trận chiến chống Covid-19 ở Việt Nam là chiến thắng từ các quyết sách đúng đắn, quyết liệt và dứt khoát của Đảng, Nhà nước; chiến thắng từ sự đồng lòng của toàn dân và là chiến thắng của cả một quốc gia đoàn kết.

Hoài Thu/ZN

Đọc nhiều