Kỳ tích cắt bỏ khối u ‘khủng’ hơn 42 kg ra khỏi chân bệnh nhân
Ngày 26.11, Bệnh viện (BV) Đà Nẵng cho biết các bác sĩ vừa thực hiện phẫu thuật cắt bỏ thành công khối u “khủng” phù tắc bạch mạch (còn gọi là phù bạch huyết) chiếm gần nửa trọng lượng cơ thể của một nữ bệnh nhân.
Bệnh nhân (BN) vừa được giải thoát khỏi khối u “khủng” này là bà N.T.N (62 tuổi, ngụ Đà Nẵng). BN N. cho biết suốt 15 năm qua bà khốn khổ với khối u ở chân và đùi phải vừa đau đớn, vừa bất tiện trong sinh hoạt…
Đi đến đâu cũng chỉ nhận được cái “lắc đầu”
Theo bà N. hơn 15 năm trước, bà phải xạ trị điều trị ung thư cổ tử cung. Sau xạ trị, chân phải của bà bắt đầu xuất hiện khối sưng phù và lớn dần. Bà N. đã đi khám rất nhiều nơi nhưng đều không được chẩn định đúng nguyên nhân của khối phù khiến việc điều trị gặp khó khăn. Đến khoảng 3 năm trước, khối phù ở chân đột ngột tăng kích thước “khủng” và dị dạng khiến trọng lượng cơ thể của bà tăng đến gần 115 kg so với hơn 50 kg như ban đầu. Đặc biệt khối phù bắt đầu xơ cứng dần chứ không mềm như những năm trước đó.
Một số BV lớn đã tiếp nhận và chẩn đoán đoán nguyên nhân khối phù là tắc bạch mạch, ở một số BN ung thư và sau điều trị ung thư. Tuy nhiên, khi khối u được chẩn đoán thì cũng là lúc kích cỡ tăng “khủng” không thể xử lý được.
“Đi đến BV nào cũng chỉ nhận được cái lắc đầu. Trong khi đó, việc khối u “khủng” bằng cả trọng lượng bình thường của cơ thể khiến cho mẹ tôi không chỉ đau đớn mà còn khó khăn trong đi lại, bất tiện trong sinh hoạt cá nhân…”, anh Th., con trai bà N., cho biết.
Theo anh Th., lý do bị “từ chối” không chỉ ở khối u quá lớn, việc phẫu thuật sẽ gặp khó khăn, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng trong quá trình phẫu thuật, mà còn bởi mẹ anh lớn tuổi, lại có quá nhiều bệnh nền phức tạp…
Quyết phẫu thuật vì chất lượng sống của bệnh nhân…
Đến giữa tháng 9.2020, tình trạng phù bạch mạch chân do tắc bạch mạch sau thời gian xạ trị ung thư cổ tử cung của BN N. trở nên trầm trọng. BN N. được đưa vào BV Đà Nẵng trong tình trạng “tổn thương thể chất và tinh thần dai dẳng”, còn BV Đà Nẵng đang phải áp dung quy trình kiểm soát dịch Covid-19 nghiêm ngặt…
Thạc sĩ – bác sĩ (BS) Phạm Trần Xuân Anh, Phó giám đốc BV Đà Nẵng, người trực tiếp chẩn đoán và chỉ định phẫu thuật cho BN N. cho biết, các bác sĩ đã cân nhắc rất kỹ khi tiếp nhận vì trường hợp này rất khó, nếu quy trình thực hiện có vấn đề sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của BN.
Cũng theo BS Xuân Anh, cái khó trước tiên là quy trình gây mê, vì trọng lượng cơ thể BN quá lớn, chủ yếu ở phần chân (ở lần phẫu thuật đầu tiên BN hơn 115 kg). Việc gây mê để lấy đi một phần lớn tương đương trọng lượng của cơ thể rất khó, thay đổi trọng lượng đột ngột cũng ảnh hưởng đến chức năng tim và các cơ quan khác. Cái khó thứ hai là tổ chức phù đã xơ cứng và chiếm gần bằng trọng lượng cơ thể nên phẫu thuật sẽ rất khó và vô cùng nguy hiểm, bắt buộc phải phẫu thuật kéo dài và nhiều lần.
Theo đó, BS Xuân Anh và ê kíp các liên chuyên khoa Ngoại bỏng Tạo hình, Gây mê hồi sức, Huyết học truyền máu, Hồi sức tích cực… (BV Đà Nẵng) đã thực hiện cắt bớt dần tổ chức phù bạch mạch lên đến hơn 42 kg trên cơ thể BN, chưa kể dịch và nước.
“Đối với trường hợp bệnh nhân này, không thể dùng phương pháp siêu vi phẫu vì phù đã xơ hóa quá nhiều và khối xơ quá lớn. Nếu được phát hiện và xử lý trong thời gian đầu thì sẽ dễ dàng hơn. Nhưng BN đã để quá lâu… Biết là khó nhưng vẫn thử cố hết sức không phải chỉ vì điều trị mà quyết phẫu còn vì chất lượng sống của bệnh nhân. Việc phẫu thuật bóc tách xơ và tái tạo lại các đường lưu thông mới của hệ thống bạch huyết từ nông vào sâu sẽ giải quyết triệt để việc ách tắc, khiến cho chân bệnh nhân nhỏ dần lại ở kích thước ban đầu theo thời gian tập vật lý trị liệu”, BS Xuân Anh chia sẻ.
Sau nhiều lần phẫu thuật bóc tách thành công khối u “khủng”, hiện tại BN đã có thể tự đi lại, có thể chủ động sinh hoạt cho bản thân, điều mà chục năm qua bà N. có nằm mơ cũng không dám mơ đến…
An Dy/TNO