130115
topics
361356

Ký sự nhóm phóng viên quốc tế: 8 ngày ở tâm dịch Vũ Hán

Cánh Én 10/02/2020 10:09

Trong 8 ngày, một nhóm phóng viên của hãng thông tấn AFP đã trực tiếp có mặt tại thành phố Vũ Hán – tâm điểm của vụ dịch nCoV, sau khi hoàn thành câu chuyện của mình, hiện họ đã trở về Pháp và bị cách ly nhằm đảm bảo không làm lây lan virus.

Leo Ramirez – quay phim

Liệu có phải cổ họng tôi đang đau rát? Tôi có bị sốt không? Có phải tôi đã mắc bệnh? Những câu hỏi đó luôn trực chờ trong tâm trí tôi trong suốt 8 ngày ở Vũ Hán.

Trước khi được sơ tán vào kiểm dịch ở một khu nghỉ mát miền Nam nước Pháp, chúng tôi là nhóm phóng viên duy nhất từ một cơ quan thông tấn quốc tế có mặt ở thành phố miền Trung Trung Quốc, tâm chấn của trận dịch đã giết chết hơn 300 người và reo rắc hoảng loạn cho cả thế giới.

Đoạn video mà tôi quay trong khoảng thời gian đó là một trong những thước phim cảm xúc nhất mà tôi đã quay trong 10 năm qua. Tôi thấy cả khuôn mặt buồn nhất và dũng cảm nhất trong tâm dịch, với hàng trăm tình nguyện viên liều mạng và nhân viên y tế làm việc không ngừng nghỉ để cứu giúp cho các bệnh nhân.

Thành phố Vũ Hán chìm trong sương mù. Ảnh: AFP

Chúng tôi có hai thử thách – kể lại trọn vẹn câu chuyện quan trọng này, cũng như đảm bảo rằng mình sẽ không trở thành một phần của câu chuyện bằng cách bị nhiễm virus.

Không có cách nào để tự bảo vệ mình trước kẻ thù vô hình, nhưng có những điều bạn có thể làm để giảm cơ hội nhiễm bệnh, đó là đeo khẩu trang, đeo găng tay và kính bảo hộ mọi lúc, rửa tay thường xuyên, đảm bảo chế độ dinh dưỡng trong bữa ăn.

Ở lối vào khách sạn của chúng tôi, có một quy tắc – bạn sẽ được đo nhiệt độ của mình và sẽ chỉ được phép vào trong nếu dưới 37 độ C. Sau 3 ngày làm việc ở Vũ Hán, tôi rất sợ quy tắc này. Sau cả ngày làm việc ở những nơi nhạy cảm, phần tồi tệ nhất là trở về khách sạn và đi qua “trạm kiểm soát nhiệt độ cơ thể”.

Một ngày nọ, nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của tôi trở thành sự thật. Nhiệt kế chỉ 37,6 độ C. Tôi không tỏ ra hoảng sợ, đôi khi nhiệt kế báo lỗi. Vì vậy, tôi đo nhiệt độ một lần nữa, vẫn là 37,6 độ. Lần đo thứ ba vẫn cho con số tương tự. Lúc đó cả tôi và đồng nghiệp đều hết sức choáng váng. Họ lấy nhiệt độ của tôi một lần nữa, lần này với một nhiệt kế khác. Lần này nó cho thấy 36,6 và mọi người thở phào nhẹ nhõm.

Đường phố tại Vũ Hán bị phong tỏa hoàn toàn. Ảnh: AFP

Thực hiện nhiệm vụ tại Vũ Hán khiến tôi rất ý thức giữ gìn cơ thể. Nếu có cơn ho, tôi phải kìm nén lại, để mình không bị kỳ thị. Nếu có ai đó hắt hơi ngay trước mặt mình, tôi sẽ hết sức để tâm tới điều này.

Mỗi ngày, chúng tôi sẽ rời khỏi khách sạn tay không và thu được đầy ắp các thông tin và câu chuyện mới lạ vào cuối ngày. Tôi thực sự không muốn trở về Pháp, tôi muốn mình ở lại để ghi nhận được thêm nhiều sự việc nữa.

Sebastien Ricci – ký giả

Vũ Hán như một thành phố ma khi chúng tôi đến đó. Chiếc máy bay mà chúng tôi bay gần như bị bỏ trống, chỉ có khoảng 30 người, chủ yếu là người Trung Quốc trên đường hồi hương, những người nhìn chằm chằm vào chúng tôi trong sự bàng hoàng về sự hiện diện của người nước ngoài ở chiều ngược lại.

Khi máy bay hạ cánh, sân bay và đường cao tốc vắng tanh, hầu như không có ai đi bộ trên đường phố.

Sự trống rỗng này càng nổi bật hơn khi tại Trung Quốc thời điểm đó đang là dịp Tết Nguyên đán, khi hằng năm đường phố thường chật kín người chuẩn bị hoặc vui chơi trong ngày lễ.

Tôi đã từng tới Afghanistan, Iran, Kurdistan – những nơi được xem là hết sức khó khăn để tác nghiệp. Chính ở những nơi này, bạn thường cảm nhận được ấm áp nhất của con người địa phương và là nơi bạn có những cuộc gặp gỡ đáng nhớ nhất. Điều tương tự xảy ra ở Vũ Hán.

Một ngày nọ, chúng tôi gọi điện cho một gia đình địa phương. Thật ngạc nhiên, họ mời chúng tôi đến căn hộ của họ. Khi chúng tôi đến đó, họ đã dọn sẵn một bàn tiệc và giải thích rằng Tết năm nay con trai họ không thể về nhà nên khi có khách tới, họ rất sẵn lòng tiếp đón.

Gia đình Vũ Hán mời chúng tôi uống trà. Ban đầu, chúng tôi đã lên tiếng từ chối bởi vừa mới từ bên ngoài vào và chúng tôi không muốn điều gì xảy ra với gia đình chủ nhà. Nhưng họ vẫn ngỏ ý không ngần ngại và bảo chúng tôi bỏ khẩu trang ra để dùng trà. Đó là một khoảnh khắc thực sự cảm động đối với tôi – vào thời điểm mọi người có tất cả lý do để không tin tưởng nhau, cặp đôi này đã thể hiện sự ấm áp đáng trân trọng.

Gia đình Vũ Hán bày tỏ lòng hiếu khách với nhóm phóng viên. Ảnh: AFP

Trong suốt 8 ngày ở Vũ Hán, chúng tôi chỉ chứng kiến một người tử vong. Khi đó tôi đang ở khách sạn, thì nhận được một cuộc gọi gấp từ quay phim Leo Ramirez. “Đến địa chỉ này ngay lập tức bằng xe đạp”, anh nói trước khi cúp máy. “Hy vọng không có gì xảy ra với anh ấy”, tôi nghĩ vậy, trước khi đi ra ngoài.

Khi đến nơi, tôi thấy một người đàn ông nằm ngay trên đường, cách bệnh viện không xa. Ông ấy vẫn đeo khẩu trang trắng. Cảnh sát mặc đồ bảo hộ đang đứng xung quanh và không cho ai tiếp cận xung quanh. Chúng tôi không bao giờ có thể xác nhận rằng ông ấy có thực sự đã chết vì virus corona.

Người đàn ông nằm gục chết trên vỉa hè Vũ Hán. Ảnh: AFP

Chuyến bay trở về Pháp có chút gì đó không thực tế. Cả sân bay dường như được xây dựng cho chuyến đi của chúng tôi. Không có màn hình hiển thị các chuyến bay, chúng tôi đã được tặng một vé có số hiệu chuyến bay nhưng không có điểm đến. Một số hành khách nói đùa rằng tất cả chúng tôi đều được đưa tới trại cách ly. Những người khác không có tâm trạng nói chuyện với nhau, một số người trong số họ đã phải bỏ lại gia đình ở Vũ Hán.

Trong khoảng thời gian 8 ngày, tôi không thực sự suy nghĩ nhiều. Nhưng hiện tại một trong những điều khắc sâu trong tâm trí tôi là tinh thần chiến đấu của người dân Vũ Hán. Đối mặt với thử thách này, nhiều người trong số họ vẫn không ngần ngại bước tiếp.

Hector Retamal – phóng viên ảnh

Tôi đã phải trải qua rất nhiều tình huống tương tự như này. Vào năm 2010, tôi đã ở Haiti khi một trận dịch tả đã giết chết hơn 9.000 người. Ở Chile, tôi đã từng sống 3 tháng trong một căn lều trên sa mạc để theo dõi câu chuyện về 33 thợ mỏ bị mắc kẹt dưới mặt đất.

Một trong những điều khiến tôi ấn tượng nhất là cách người dân Vũ Hán rất háo hức kể câu chuyện của mình. Họ sẵn sàng gặp mặt chúng tôi và bắt đầu chia sẻ. Điều này dường như không xảy ra thường xuyên ở Trung Quốc. Có lần họ muốn đưa tôi vào bệnh viện để chỉ cho tôi cách bệnh nhân phải chờ đợi để được làm xét nghiệm.

Nhóm phóng viên Leo Ramirez, Sebastien Ricci và Hector Retamal. Ảnh: AFP

Sau 8 ngày, nhóm chúng tôi đã liên tục đi từ “nhà tù” này tới “nhà tù” khác. Ở Vũ Hán, chúng tôi đã ở trong một thành phố u ám bị phong tỏa hoàn toàn và mắc kẹt trong dịch bệnh.

Hiện giờ, chúng tôi ở một khu nghỉ mát trên bờ biển Địa Trung Hải, được cảnh sát bảo vệ. Chúng tôi chưa thể trở về nhà nhưng nhiệt độ của chúng tôi vẫn ở ngưỡng ổn.

Khi bạn trải qua một điều gì đó như ở Vũ Hán, bạn không thể quên nó. Và tất cả những điều này đều gây ấn tượng theo cách nào đó.

Lược dịch từ AFP

Đọc nhiều