Kỷ nguyên vàng Anh – Trung vì sao kết thúc?

Huy Hoàng 04/12/2022 03:54

Những diễn biến mới nhất trong quan hệ giữa Anh với Trung Quốc cho thấy thế giới sẽ còn phải đối mặt với những thách thức về căng thẳng thương mại bên cạnh những thách thức về dịch bệnh, khí hậu, chiến tranh. 

Thủ tướng Vương quốc Anh Rishi Sunak phát biểu hôm 28/11.

Trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết việc Anh thúc đẩy mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Trung Quốc như trong thập kỷ trước là việc làm “ngây thơ”. Và do đó, ông Sunak khẳng định rằng “kỷ nguyên vàng” của quan hệ Anh-Trung đã kết thúc. Vương quốc Anh hiện cần thay thế suy nghĩ viển vông trước đây bằng “chủ nghĩa thực dụng mạnh mẽ” đối với các đối thủ cạnh tranh.

Không khó để biết những thách thức mà ông Sunak đang nhắc tới là gì. Trung Quốc đã từng làm Anh lo sợ sau khi áp dụng luật an ninh nghiêm ngặt với Hong Kong. Sau đó là vào thời điểm dịch bệnh bùng phát khiến nhiều quốc gia đã mở cuộc điều tra nhắm vào Trung Quốc, nhiều người Anh khi đó cho rằng, việc Bắc Kinh không minh bạch thông tin về dịch Covid-19 sẽ gây ra hậu quả đe dọa tính mạng đối với họ. Thậm chí, theo khảo sát của Viện Tony Blair vào tháng 6/2020, khoảng 49% người dân Anh cho rằng chính phủ Trung Quốc nên chịu trách nhiệm về mức độ nghiêm trọng của đại dịchCovid-19 ở Anh hơn chính phủ của họ. Quan hệ hai nước còn lao dốc khi nước Anh cáo buộc Bắc Kinh còn đã can thiệp vào Anh thông qua hoạt động gián điệp, thao túng các chính trị gia và kiểm soát nghiên cứu học thuật… gây nên nhiều lo ngại về an ninh đối với người Anh.

Trước đây, nước Anh đã từng có giai đoạn cố gắng thúc đẩy một kỷ nguyên vàng với Trung Quốc, đó là dưới thời cựu Thủ tướng Anh David Cameron. Mục tiêu là muốn qua đó dùng việc thắt chặt về kinh tế để hòa hợp với nhau về mặt chính sách chính trị ngoại giao. Thế nhưng, giờ đây trong mắt người Anh, viễn cảnh đó đã không thành, Trung Quốc chỉ còn là những thách thức về nhiều mặt.

Tất cả điều đó khiến cho nước Anh không khỏi cảm thấy sợ hãi, nhất là khi Trung Quốc đang trỗi dậy thành một cường quốc ngang hàng với Hoa Kỳ. Trung Quốc sẽ đe dọa vị thế của các nước phương Tây. Do đó kỷ nguyên vàng cần chấm dứt để mở ra một kỷ nguyên cạnh tranh. Cạnh tranh để sống còn.

Có thể nói, sau 4 năm bị chi phối bởi các vấn đề liên quan đến Brexit, truyền thông và công chúng Anh giờ đây đã bắt đầu tập trung chú ý vào mối đe dọa mà họ cho là đến từ Trung Quốc.

Một người đàn ông Anh cầm cờ EU sau cuộc trưng cầu dân ý Brexit

Liệu căng thẳng hai nước có leo thang thành cuộc chiến về thương mại?

Cũng trong bài phát biểu vừa qua, ông Sunak cho biết thêm rằng Vương quốc Anh sẽ hợp tác với các đồng minh bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Úc và Nhật Bản để “quản lý sự cạnh tranh gay gắt này, gồm cả ngoại giao và cam kết”.

Với một hướng đi mới trong quan hệ Anh – Trung kể trên, sẽ khó để thế giới có thể tránh khỏi việc phải đối mặt với những căng thẳng trong quan hệ thương mại hai nước. Do đó, việc Việt Nam cần làm là chuẩn bị một tinh thần dài hạn, chuẩn bị ứng phó với những bất ổn có thể diễn ra bất cứ lúc nào.

Kinh tế toàn cầu hiện đã và đang gánh chịu nhiều biến động, như covid-19, chính sách tiền tệ thắt chặt, chính sách Zero-covid, chiến tranh Nga – Ukraine, biến đổi khí hậu toàn cầu,… Song, sẽ cần phải chuẩn bị đương đầu thêm nữa vì sau những thứ kể trên chính là những căng thẳng thương mại giữa nhiều quốc gia. Thấy rõ nhất giờ đây là Mỹ – Trung, và Anh – Trung. Căng thẳng thương mại sẽ có thể dai dẳng hơn những vấn đề khác vì bên trong đó còn ẩn chứa yếu tố thách thức về an ninh, chính trị.

Tuy nhiên, sẽ khó có thể để một cuộc chiến tranh lạnh nổ ra. Vì thế giới của chúng ta giờ đây đang gắn kết với nhau về kinh tế. Ông Sunak nhấn mạnh rằng “chúng ta không thể bỏ qua tầm quan trọng của Trung Quốc trong các vấn đề thế giới, đối với sự ổn định kinh tế toàn cầu hoặc các vấn đề như biến đổi khí hậu”. Ông khẳng định Mỹ, Canada, Australia, Nhật Bản và nhiều nước khác cũng hiểu điều này.

Huy Hoàng

Đọc nhiều