Kỷ nguyên mới trong mối quan hệ Việt – Hàn

Huy Hoàng 05/04/2022 14:40

Sự thân thiết giữa Việt Nam và Hàn Quốc đang ngày một thấy rõ. Và cả hai đều sắp sửa đi đến một bước ngoặt lớn. Như mới đây, nhân dịp ông Yoon Suk-yeol được bầu làm tổng thống thứ 20 của Hàn Quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gọi điện chúc mừng. Tổng thống Hàn Quốc cũng ca ngợi rằng quan hệ hai nước đang ở mức cao nhất từ trước đến nay.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Chung Eui-yong chụp ảnh chung.

Thoạt nhìn, lời chúc mừng giữa các nhà lãnh đạo với nhau thì trông rất đỗi bình thường. Thế nhưng, lần này thì rất khác, do trong cuộc điện mừng vừa rồi, lãnh đạo hai nước đã nhất trí cùng nỗ lực hướng tới việc nâng cấp quan hệ chung lên thành “Đối tác chiến lược toàn diện”. Chúng ta đều biết, tới nay, chỉ có 3 nước có quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” với Việt Nam là: Trung Quốc (2008), Nga (2012) và Ấn Độ (2016). Con số này là rất ít ỏi nếu so với những quốc gia có mối quan hệ thân thiết với Việt Nam như Lào, Israel, Mỹ, … vẫn chưa có tên trong danh sách này. Vậy thì nguyên nhân nào, động lực nào để Việt-Hàn cùng nỗ lực tiến tới nâng cấp mối quan hệ sâu sắc đến mức như vậy?

Việt Nam cần hợp tác với Hàn Quốc để nền kinh tế nhảy vọt

Chúng ta đều biết, Việt Nam đi theo con đường trung lập. Tuy nhiên, đặc điểm chung của các nước khi đứng ở vị thế trung lập đó là kinh tế và quân sự phải mạnh. Nếu một quốc gia yếu kém về kinh tế hoặc quân sự, tất yếu họ phải phụ thuộc vào sự giúp đỡ từ bên ngoài, như một đối tác của Việt Nam, Ukraine là ví dụ. Chính sự phụ thuộc đó sẽ mở đường cho các thế lực nước ngoài tác động đến chuyện nội bộ của quốc gia, khi đó dù có muốn đứng ở vị trí trung lập trong các cuộc xung đột cũng là điều không thể.

Hiện nay, về mặt quân sự, chúng ta đã có đối tác chính là Nga. Nên về phương diện kinh tế, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ từ Hàn Quốc-một đối tác rất mạnh về công nghệ. Nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Cho nên việc tiếp cận được nguồn lực công nghệ cao từ Hàn Quốc kết hợp với tự lực nghiên cứu trong nước, sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam đi tắt đón đầu.

Việt Nam đã vun vén quan hệ với Hàn Quốc từ suốt những năm 90 đến nay. Hai nước đã thường xuyên duy trì các chuyến thăm và gặp gỡ cấp cao hàng năm. Và dần dà, Hàn Quốc đã trở thành một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của chúng ta. Các tập đoàn Hàn Quốc đầu tư mạnh tay vào Việt Nam. Chính phủ Hàn Quốc cũng hướng việc đầu tư vào các ngành công nghiệp mũi nhọn ở Việt Nam, trong đó có hỗ trợ chúng ta phát triển trở thành một quốc gia số vào năm 2025-2030.

Do đó việc nâng mối quan hệ lên thành “đối tác chiến lược toàn diện” là vô cùng cần thiết đối với Việt Nam.

Còn về phía Hàn Quốc, chính phủ nước này đang theo đuổi một chính sách có tên là “chính sách hướng Nam mới”. Trong đó, mục tiêu là làm sâu sắc mối quan hệ giữa Hàn Quốc và các quốc gia ASEAN. Chính sách hướng nam đang trở thành một việc cần phải làm – không làm không được của Hàn Quốc. Và trong đó, Việt Nam đóng vai trò then chốt làm cầu nối kết nối giữa Hàn Quốc và ASEAN.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In

Vì sao Hàn Quốc muốn làm sâu sắc mối quan hệ với ASEAN?

Mối bận tâm lớn nhất của Hàn Quốc bây giờ đó là Triều Tiên. Hiển nhiên, họ sẽ không muốn có thêm bất kỳ mối đe dọa nào nữa. Chính vì vậy, dù Hàn Quốc cũng giống Nhật Bản, 2 nước đều là đồng minh thân cận của Mỹ tại Châu Á. Song, Nhật Bản thì liên tiếp đạt được đồng thuận với Mỹ và tích cực trong việc công khai thực hiện chiến lược kiềm chế Trung Quốc. Trong khi, Hàn Quốc lại tỏ ra khá e dè không thể hiện ra mặt với Trung Quốc như Nhật Bản.

Điều đó cho thấy, Hàn Quốc đang thực hiện một chính sách ngoại giao khôn khéo, hạn chế tối đa việc phát sinh thêm kẻ thù. Seoul đang cố gắng cân bằng giữa hai ông lớn. Một bên là vẫn duy trì, củng cố quan hệ đồng minh truyền thống (Mỹ), một bên vẫn nỗ lực cải thiện quan hệ với nước láng giềng Trung Quốc, một đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Hàn Quốc trong khu vực.

Hàn Quốc cần Mỹ để đối trọng với Triều Tiên. Nhưng họ cũng cần làm ăn với Trung Quốc để tránh phụ thuộc hết cả hai mặt là quân sự và kinh tế vào Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nằm giữa hai ông lớn, chưa bao giờ là an toàn. Do đó, đối với Seoul, “chính sách hướng Nam mới” sẽ giúp Hàn Quốc mở rộng hợp tác với các đối tác mới và tăng cường tầm ảnh hưởng trong một khu vực rộng lớn như ASEAN, từ đó tạo cơ hội để giảm bớt sự lệ thuộc lớn vào 4 đối tác lâu nay của Hàn Quốc là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU).

Hàn Quốc cần một mối quan hệ kinh tế lành mạnh hơn, và ASEAN cho họ được điều đó

Việc hướng về phía nam sẽ giúp Hàn Quốc đứng ở thế chủ động về kinh tế. Để tránh khi một khi xung đột Mỹ Trung nổ ra, hai ông lớn sẽ nắm thóp được Seoul để kéo luôn cả Hàn Quốc vào. Hàn Quốc rất cần Việt Nam làm đầu cầu kết nối giữa họ với ASEAN.

Ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam rất khác với các nước còn lại. Ở chỗ là vị thế trung lập của Việt Nam rất cao, không dựa Mỹ cũng chẳng dựa Trung. Khác với Singapore, họ có phần ngả về Mỹ hơn, và từng đau đầu vì phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Chính nhờ vị thế trung lập vững chắc, nên Việt Nam là một cửa ngõ an toàn-vững chắc cho Hàn Quốc khi tìm cách thoát ly phụ thuộc kinh tế vào các đối tác cũ trước kia. Họ sẽ không lo ngại bị ai đó tác động khi đang ở Việt Nam. Việc đó lý giải vì sao mà Hàn Quốc mạnh tay đầu tư vào Việt Nam ta suốt những năm qua.

Tiếp đó, còn vì Việt Nam rất khéo léo trong ngoại giao. Chúng ta đã vun vén rất nhiều cho mối quan hệ với các nước ASEAN. Chính nhờ kinh nghiệm ngoại giao và kinh nghiệm làm ăn bao năm với các nước trong khu vực, mà thông qua Việt Nam, Hàn Quốc đã nhanh chóng tiếp cận được với các nước ASEAN. Đẩy nhanh tiến trình chính sách hướng nam mới.

Nói tóm lại, Việt Nam là cây cầu an toàn và lý tưởng nhất cho Hàn Quốc hướng về ASEAN.

Chưa kể, trong giai đoạn 2021-2024, Việt Nam còn đang nắm giữ vai trò điều phối quan hệ ASEAN-Hàn Quốc của hiệp hội ASEAN. Singapore thì nắm giữ vai trò điều phối quan hệ ASEAN-Ấn Độ. Do đó, Hàn Quốc càng có động lực để nâng tầm mối quan hệ với chúng ta.

Về phía các quốc gia ASEAN, họ cũng là những nền kinh tế đang phát triển vì thế hợp tác đầu tư cùng các tập đoàn Chaebol của Hàn Quốc là động lực để ASEAN vươn tầm.

Ngoài ra, với các nước Đông Nam Á, Hàn Quốc cũng là láng giềng gần, có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa, không có cạnh tranh hay xung đột địa chính trị. Đây là một điểm then chốt giúp duy trì và phát triển mối quan hệ một cách bền vững.

Nhìn chung, Việt – Hàn đều có chung một mối lo về vấn đề an ninh quốc gia xoay quanh hai chữ trung lập. Nhất là trong bối cảnh xung đột phe phái đang ngày dữ dội hơn. Chuyện nâng cấp mối quan hệ lúc này mang ý nghĩa vô cùng lớn, bởi cả hai đều đạt được những lợi ích cho người dân, dân tộc mình. Không để mình thành con cờ cho các nước lớn lợi dụng.

Huy Hoàng

Đọc nhiều