GDP 9 tháng đầu năm vượt kỷ lục một thập kỉ đến từ đâu?
Sơ lược về tình hình kinh tế – xã hội của Việt Nam 9 tháng năm 2022, tổng sản phẩm trong nước (GDP) Quý III năm nay ước tính tăng khá cao, ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm trước. Đây thực sự là một điều đáng kinh ngạc khi kinh tế thế giới đang lao dốc vì khủng hoảng năng lượng và tỷ số lạm phát tăng cao.
Chỉ số GDP trong nước bị đe doạ sụt giảm vì dịch bệnh bùng phát mạnh vào năm 2021 cản trở các doanh nghiệp nước ngoài đến với Việt Nam. Điều này, làm cho nguồn vốn FDI bị hụt đáng kể, một số ngành công nghiệp sản xuất lại đình trệ vì tác động của dịch bệnh. Thời điểm này, không chỉ doanh nghiệp Việt đứng trên bờ vực phá sản mà tỉ số thất nghiệp cũng tăng cao. Thêm vào đó, dịch bệnh cản trở ngành du lịch của Việt Nam phát triển, trong khi đó đây là mô hình kinh tế đem lại nguồn thu đáng kể cho quốc gia.
Tới thời điểm 2022, khi mâu thuẫn thế giới nổ ra, đồng tiền dần mất giá và nguồn cung năng lượng trở nên han hiếm. Có những giai đoạn người lao động phải trả giá gần như gấp 1,5 lần ngày trước cho một lít xăng. Cũng chính vì lí do trên mà phí vận chuyển, logistics tăng cao, kéo theo giá hàng hoá cũng bị đôn lên. Nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm như lương thực trở nên khan hiếm vì giá thành quá cao và sức mua tăng quá nhanh do người dân có xu hướng tích trữ lương thực, phòng hờ giá cả tiếp tục tăng.
Khi đồng euro mất giá, việc xuất khẩu các mặt hàng như sản phẩm thủ công và nông sản sang các quốc gia EU cũng bị ảnh hưởng. Vô số doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ, phải cầu cứu sự giúp đỡ của ngân sách nhà nước. Ngân sách quốc gia bị hạn chế nguồn thu nhưng việc cần chi lại nhiều vô số kể. Cụ thể, có thể kể đến một số tiền giải ngân rất lớn để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.
Tuy nhiên, chỉ số tăng trưởng GDP 9 tháng của Việt Nam vẫn đạt mức cao nhất giai đoạn 2011-2022. Để làm nên kỳ tích này, Chính phủ đã phải có những chính sách khích lệ kinh tế phù hợp cũng như sử dụng ngân sách Nhà nước linh hoạt. Nguồn thu đáng kể cho GDP quốc gia đến từ việc kêu gọi nguồn vốn FDI vào thị trường trong nước. Chính phủ phải liên tục cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cấp hệ thống giao thông vận tải nhằm hạ giá thành logistic và tạo điều kiện thuận lợi cho xuất nhập khẩu.
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành chăn nuôi phát triển ổn định, khai thác gỗ được đẩy mạnh, sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng khá đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Về phía các mặt hàng thiết yếu, Nhà nước đã trích ngân sách để hỗ trợ phía doanh nghiệp tăng gia sản xuất, kinh doanh để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nhờ đó mà không còn tình trạng hàng hoá khan hiếm, giá cả cũng vì vậy mà hạ nhiệt phần nào.Chính phủ cũng chủ động làm việc với các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, các đơn vị phân phối tăng cường công tác dự trữ nguồn hàng, bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ người dân trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng khan hàng nhằm giảm áp lực của việc tăng giá đối với các mặt hàng thiết yếu.
Dù vẫn chưa phục hồi hoàn toàn nhưng nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi khả quan. Chỉ số tăng trưởng GDP đến thời điểm hứa hẹn những bước tiến cao hơn nữa trong tương lai, đảm bảo an sinh xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô.
LS Lê