2
category
334053

Kỷ luật hàng loạt tướng tá công an Đồng Nai – Không có vùng cấm

Hồng ĐInh 25/11/2019 17:46

Thời gian gần đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định kỷ luật và đề nghị kỷ luật hàng loạt các tướng tá công an tại Đồng Nai. Việc này đang khẳng định nguyên tắc “không có vùng cấm” và cũng là cách để bảo vệ uy tín của chính các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Những sai phạm của hàng loạt cán bộ công an tỉnh Đồng Nai

Ngày 23-11, nhiều thông tin, clip lan truyền việc một số cán bộ CSGT tỉnh Đồng Nai tố cáo cấp trên bảo kê, can thiệp khi cấp dưới xử lý xe vi phạm. Trước đó, hai cán bộ thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt Công an tỉnh Đồng Nai có đơn tố giác cấp trên có dấu hiệu “bảo kê”, can thiệp vào quá trình xử lý vi phạm giao thông, không cho xử lý xe quá tải trên quốc lộ.

Cán bộ CSGT kiểm tra xe quá tải bị sếp can thiệp qua điện thoại cho xe quá tải đi. 

Những người tố giác còn cung cấp nhiều clip cho báo Tuổi Trẻ ghi lại âm thanh, hình ảnh cho thấy khi CSGT đang xử lý xe quá tải chạy trên quốc lộ 20 thì có cuộc gọi nói chuyện được cho là lãnh đạo can thiệp. Nội dung qua đoạn thoại như: “Cho đi hả? Giải quyết à?… Đúng là của sếp Cảng rồi, sếp Cảng chỉ đạo xe cho đi?”, “xe của sếp lớn”, “xe này gửi một tháng mấy triệu đó mà”…

Theo xác minh của chúng tôi, người có tên là “sếp Cảng” đang công tác tại Đội Cảnh sát giao thông số 2, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đồng Nai -đơn vị phụ trách tuyến quốc lộ 20. Vụ việc đang được các cơ quan chức năng vào cuộc, điều tra.

Còn nhớ hồi tháng 9/2019, Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh vừa bị cách chức Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai có nhiều sai phạm liên quan đến một loạt sự việc cán bộ Công an bắn chết người và bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ không đúng quy định.

Điểm lại quá trình nhiều năm làm lãnh đạo các bộ phận và sau đó lên đến chức Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, ông Huỳnh Tiến Mạnh đã để lại nhiều tai tiếng cho Công an Đồng Nai. Trong đó, các vụ nổi cộm có thể kể đến là cán bộ trong ngành nổ súng bắn chết đồng nghiệp, hoặc gây hấn với người ngoài khiến dư luận bức xúc. Đặc biệt, nhiều vụ việc liên quan đến CSGT, nơi “xuất phát điểm” của vị đại tá này tiến đến các chức vụ lãnh đạo.

Một trong những vụ án chấn động dư luận là vụ nổ súng tại Trạm CSGT Suối Tre (Quốc lộ 1, thị xã Long Khánh cũ) vào giữa năm 2013. Do mâu thuẫn trong lúc ăn nhậu tại quán karaoke, theo hồ sơ vụ án, thời điểm đó khoảng 13 giờ ngày 22-9-2013, Ngô Văn Vinh lúc đó là đại úy đã dùng súng bắn chết thiếu tá Trần Ngọc Sơn và làm bị thương 1 người khác. Ngô Văn Vinh sau đó bị tuyên phạt 9 năm tù.

Đầu năm 2018, tại trung tâm TP Biên Hòa lại xảy ra vụ trung úy CSGT Nguyễn Tấn Phước sử dụng súng làm chết người liên quan việc giải quyết mâu thuẫn cá nhân. Điều đáng nói, Phước là tài xế riêng của Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai. Ngoài 2 vụ nổ súng trên, còn một vụ việc cảnh sát nổ súng gây chết người ở huyện Cẩm Mỹ.

Ngoài các vụ nổ súng gây hại nhau và tùy tiện xử lý, gây hấn với người ngoài ngành, một số vụ việc khác mà cán bộ công an bị kỷ luật, luân chuyển gây ra không ít tai tiếng. Mới đây, trong vụ “giang hồ vây xe chở công an” đã sớm lộ ra nhiều dấu hiệu vi phạm. Hai vị đội trưởng và phó thuộc Phòng Cảnh sát quản lý hành chính trật tự xã hội Công an tỉnh Đồng Nai có liên quan trực tiếp vụ việc đã bị tạm đình chỉ công tác để chờ xử lý.

Vi phạm, khuyết điểm của ông Huỳnh Tiến Mạnh là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, của ngành Công an và cá nhân đồng chí, gây bức xúc trong dư luận xã hội, cần phải thi hành kỷ luật nghiêm minh theo quy định của Đảng.

Chưa kể, liên quan đến vụ việc còn có ông Huỳnh Bảo Hùng, nguyên Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Đồng Nai (đã về hưu). Ông Hùng từng bị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai xác định đã để cho người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi.

Gần đây, khi xảy ra căng thẳng tại trạm thu phí BOT Biên Hòa (Quốc lộ 1, huyện Trảng Bom), thượng tá Võ Đình Thường, Phó Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai, ký giấy mời khoảng 20 tài xế lên làm việc đã để lộ thông tin ông này từng bị kỷ luật cách chức đội trưởng đội tuần tra kiểm soát giao thông. Thế nhưng, “lòng vòng” một thời gian, ông Thường quay lại làm Phó Phòng CSGT. Trong khi dư luận bức xúc việc bổ nhiệm cán bộ có vấn đề thì Công an tỉnh Đồng Nai khẳng định đã xử lý đúng quy trình.

Ngoài ra, quy trình “sử dụng người” của Công an tỉnh Đồng Nai cho thấy có vấn đề khi cách đây mấy năm đã để lọt một đối tượng đang bị truy nã về tội danh cướp tài sản được tuyển dụng làm chiến sĩ nghĩa vụ rồi dần thăng lên hàm trung úy.

Không có vùng cấm, vùng né với bất ký ai là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo ở tỉnh Đồng Nai

Bộ Công an đã quyết định thi hành kỷ luật đối với Đại tá Lý Quang Dũng, nguyên Phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ 2015 – 2020, hiện chờ nhận sổ hưu, bằng hình thức giáng chức từ Phó giám đốc Công an tỉnh xuống cấp trưởng phòng; thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối Đại tá Trần Thị Ngọc Thuận, Phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai; cảnh cáo đối với Đại tá Nguyễn Văn Kim, Phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai.

Chưa có 1 tỉnh thành nào mà Bộ Công an công bố quyết định thi hành kỷ luật đối với 3 cán bộ lãnh đạo là Phó giám đốc Công an như tỉnh Đồng Nai, 3 Phó giám đốc bị kỷ luật cùng nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Lãnh đạo Bộ Công an đã đến Đồng Nai công bố quyết định thi hành kỷ luật về mặt chính quyền đối với 3 Phó giám đốc Công an tỉnh

Liên quan đến cách làm việc của Công an tỉnh Đồng Nai, nhiều năm trở lại đây xảy ra nhiều vụ việc gây bức xúc như sai sót trong vụ bắt giữ bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc tại huyện Nhơn Trạch; vụ để “tiếp thị sữa” làm ảnh hưởng đến tuần tra, kiểm soát của CSGT trên Quốc lộ 51; vụ CSGT lập chốt sai nguyên tắc ở Dầu Giây.

Chiều 30/9, tại TP Biên Hòa (Đồng Nai), ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ cùng các thành viên trong tổ ĐBQH số 1 đơn vị tỉnh Đồng Nai đã có buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 8 – Quốc hội khóa XIV.

Hàng loạt những vấn đề được cử tri TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai nêu trong buổi tiếp xúc cử tri chiều nay như dự án dân cư có nhiều khuất tất, cán bộ lãnh đạo sai phạm hàng loạt…

Quyết định kỷ luật và đề nghị kỷ luật hàng loạt các tướng tá công an tại Đồng Nai mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa công bố, rõ ràng, đang khẳng định nguyên tắc “không có vùng cấm”. Hơn nữa, đó cũng là cách để bảo vệ uy tín của chính các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Với việc kỷ luật và đề nghị kỷ luật hàng loạt các tướng tá công an hoặc đã nghỉ hưu hoặc đương chức của Ủy ban kiểm tra Trung ương, đúng là đã truy đến cùng trách nhiệm quản lý, trách nhiệm của người đứng đầu, chứ không chỉ dừng ở việc xử lý đương sự. Đã không phụ sự kỳ vọng của người dân về sự nghiêm minh.

Tại phiên họp thứ 16 Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng ngày 16.7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói về một “không khí phấn khởi đang lan tỏa trong toàn xã hội”, và một sự quan tâm, mong mỏi: “Mỗi lần họp Uỷ ban Kiểm tra là nhân dân, dư luận rất quan tâm. Nhân dân luôn mong mỏi, thậm chí có phần lo lắng: “Liệu có duy trì được không, có tiếp tục làm mạnh được không hay là chùng xuống?”. Đấy là tâm lý có thật, chính đáng, đấy cũng điều ta vui, là sự ủng hộ chúng ta, mong muốn chúng ta làm mạnh mẽ hơn nữa”.

Quyết định kỷ luật và đề nghị kỷ luật hàng loạt các tướng tá công an tại Đồng Nai mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa công bố, rõ ràng, đang khẳng định nguyên tắc “không có vùng cấm”. Không chỉ quan tâm, mong mỏi, người dân còn chờ đợi và tin tưởng. Bởi việc làm mạnh, làm thật, làm không loại trừ, không vùng cấm… cũng chính cách hữu hiệu nhất để người dân tin tưởng và ủng hộ.

Tags :
Đọc nhiều