Kỳ lạ con người Việt Nam!
Cứ nghĩ dịch bệnh phức tạp, ai cũng lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Nhà nhà phòng thân tích trữ, người người chi tiêu tích cóp, dè xẻng cho chặng đường chiến đấu với dịch bệnh trước mắt thì khó lòng chìa tay ra giúp đỡ người khác. Nhưng tôi đã nhầm, khi đồng bào mình chứng minh điều ngược lại!
Nghe tin một thầy giáo dạy Tiếng Anh người nước ngoài, thất nghiệp do dịch bệnh, không còn tiền để mua thức ăn phải cầm bảng với nội dung cầu cứu sự giúp đỡ để sống sót qua mùa dịch ở một góc đường tại Sài Gòn. Thế là cộng đồng mạng xã hội í ới gọi nhau đi “giải cứu”, chia sẻ thông tin, số điện thoại liên lạc, thậm chí có người xuống tận nơi, phải mắt thấy, tai nghe mà tình nguyện giúp chứ chẳng ai ép buộc gì. Trời càng tối, người đến thăm thầy càng đông. Những món quà trao tận tay thầy giáo Anh với tình cảm chân thành và mong muốn sẻ chia.
Người Việt Nam mình lạ kỳ thật đấy, chúng ta không giàu có hơn ai, nhưng vẫn sẵn sàng cho đi, chia sẻ mọi thứ mà mình đang có. Tình cảm “tương thân tương ái” này không chỉ diễn ra giữa người Việt Nam với nhau mà rộng lớn hơn, nó còn diễn ra với tất cả mọi người sống trên mảnh đất chữ hình S này.
Ở đất nước Việt Nam kỳ lạ này, dù cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh nhưng vẫn sẵn sàng chia sẻ nguồn lực: trao 5500 khẩu trang cho các nước châu Âu, tạo điều kiện thông quan nhanh về các mặt hàng y tế cho Mỹ… Thế giới giữa hỗn loạn, nghi hoặc và đau thương, ở cuối con đường vẫn là một Việt Nam kỳ lạ, tràn đầy niềm tin, lan tỏa sức mạnh tích cực, chẳng cần toan tính thiệt hơn, chẳng kèm theo điều kiện nào cả.
Có lẽ không ở đâu kỳ lạ như ở đất nước này, khi “tiền vẫn chưa phải là tất cả”. Khi cả Chính phủ đến người dân đều ý thức được rằng sức khỏe và tính mạng con người mới là trên hết, không gì có thể sánh được. Khi Chính phủ kêu gọi quyên góp chống dịch vậy là người dân hồ hời, tích cực nhắn tin ủng hộ. Tấm lòng ấy không chỉ hiển hiện trên những con số chục tỷ, trăm tỷ của các doanh nghiệp, những người giàu có góp vào cuộc chiến chung, mà còn thấm đượm trong từng gói quà, thùng mì, bao gạo, mớ rau, chục quả trứng của những ông già, bà cả sẵn lòng đi bộ, đạp xe hàng km để trao cho khu cách ly và bộ đội.
Giáo sư Trần Lê Anh ở Mỹ, có bài viết về kinh tế thị trường ở Việt Nam trên BBC với tiêu đề “Một nền kinh tế nhân ái cho Việt Nam”. Đó là nền kinh tế mà vị giáo sư trẻ này mong muốn và khuyến nghị, xuất phát từ truyền thống nhân ái của người Việt mà ông trải nghiệm, dù ông được nước Mỹ đào tạo. Giờ thì có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đó đang hiện hữu rõ nét như thế nào. Thế giới đã phải sửng sốt lên khi chứng kiến những điều tốt đẹp mà người dân Việt Nam đã làm. Một quốc gia kinh tế còn chưa phát triển, y tế chưa thật sự tiên tiến, cơ sở vật chất không hiện đại nhưng vẫn sẵn lòng giang tay với tất cả mọi người, không hề bỏ rơi bất kỳ ai trong cuộc chiến này. Giữa cơn đại dịch thế giới đã biết về một Việt Nam kỳ lạ, đó là lòng tốt tự nhiên lan toả, không cần định hướng, không cần kêu gọi, sẻ chia không cần ai biết đến.
Đúng là người Việt Nam kỳ lạ thật! Kỳ lạ đến mức một vị bác sĩ ở Pháp phải thắc mắc rằng “Sao người Việt Nam lúc nào cũng dễ thương và tử tế vậy?”. Câu trả lời đơn giản nhất “Bởi vì chúng tôi là người Việt Nam!”
Thế Khoa