419
category
423404

Kinh tế vé số là mũi nhọn?

25/08/2020 15:14

Bạn có tin không khi nộp ngân sách của ngành Vé số lớn hơn hẳn ngành Hàng không và suýt soát ngành Dầu khí. Hơi sốc khi đọc những thông tin dưới đây nhưng đời nhìn vậy nhiều khi đâu phải vậy, hoành tráng cho lắm chứ thua xa những việc không thể ngờ:

Năm 2019, cả ngành hàng không nhìn sang trọng như thế nhưng chỉ nộp ngân sách được khoảng 20.000 tỷ còn tổng thu từ vé số mà chủ yếu do người bán dạo một nắng hai sương góp vào lên tới 29.000 tỷ, gấp gần 1.5 lần!

Còn năm nay, Quốc Hội phê duyệt thu từ xổ số lên tới 31.700 tỷ so với 34.000 tỷ của dầu thô. Rất trớ trêu, bán vé số gần bằng nguồn thu loại 1 quốc gia-dầu thô!

Quả là rất bất ngờ khi nghề được cho là thấp kém trong xã hội lại đóng góp cho quốc khố kinh khủng như thế, hơn rất nhiều ngành nghề “sang chảnh khác”!

So sánh nào cũng khập khiễng nhưng đã đến lúc phải công nhận bán vé số là 1 nghề hay nền kinh tế vé số đương nhiên là ngành mũi nhọn, hơn hẳn nhiều “đầu tàu” hay “nắm đấm” khác!

Cứ nhìn vào việc hàng loạt tỉnh thành ở đồng bằng sông Cửu Long có nguồn thu từ xổ số cao chót vót như Bạc Liêu năm rồi là 4.465 tỷ so với thu ngân sách chỉ gần 3.200 tỷ đủ để thấy kinh tế vé số quan trọng như thế nào ở nhiều tỉnh, thành.

Không chỉ đóng vào ngân sách lượng tiền khổng lồ như thế mà ngành “mũi nhọn” này còn giải quyết hàng trăm ngàn việc làm cho những người mà khó ngành nào làm được vì đại đa số là người già, con trẻ, khuyết tật, nghèo khó, không có trình độ, chẳng nhiều vốn liếng…

TP HCM có 18.000 người bán vé số dạo, Long An hơn 8.000 người, Sóc Trăng khoảng 6.500, Bến Tre hơn 5.000… Một con số không thẻ cứ nhắm mắt làm ngơ để họ ngoài lề mãi được.

Tôi không cho rằng đó là con số đáng tự hào và cần khuyến khích hay phát triển vì thu càng nhiều từ vé số càng thấy những bất ổn trong xã hội cả về kinh tế lẫn tinh thần.

Tuy nhiên không thể chối bỏ ngành kinh tế “mũi nhọn” và lực lượng lao động hùng hậu nhưng luôn yếu thế, dễ tổn thương trong xã hội này.

Họ cần và phải có những chế độ như ngành nghề khác về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội hay trợ cấp nào đó chứ không thể mặc kệ như bây giờ. Để đến khi bệnh tật, ốm đau hoặc không còn hành nghề được nữa họ đàng hoàng hưởng tương xứng với những gì đóng góp chứ không phải cứ có chuyện lại trông chờ vào lòng hảo tâm của xã hội.

Họ cũng cần được xã hội ghi nhận và tôn trọng hơn.

Tôi nghĩ dù muộn còn hơn không, Nhà nước nên công nhận nghề mà hàng trăm ngàn người nghèo đang bấu víu vào vì “Cũng may là có nghề bán vé số này trên đời, chứ cậu thử nghĩ nếu không đi bán vé số, cái thân già bệnh tật này làm được gì để kiếm tiền?”

Hà Phan

*Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả 

Đọc nhiều