Tăng trưởng kinh tế TP.HCM 9 tháng đầu năm và trăn trở “Có tiền mà không xài là đáng trách” của Bí thư Nên

Đông Duy 28/09/2023 15:04

Nhờ động lực từ tiêu dùng, đầu tư công và miễn, giãn thuế, kinh tế TP HCM cải thiện liên tục qua 3 quý, giúp GRDP 9 tháng tăng 4,57%.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tại phiên họp kinh tế – xã hội định kỳ của UBND TP.HCM sáng 28.9

Tại phiên họp về tình hình kinh tế – xã hội sáng 28/9, Sở Kế hoạch – Đầu tư TP HCM cho biết tăng trưởng quý III tiếp tục tăng cao hơn hai quý trước, đạt 6,71%. Đà cải thiện liên tục này giúp tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng đầu năm tăng 4,57% so với cùng kỳ 2022.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,14% so với cùng kỳ; công nghiệp – xây dựng tăng 2,57%. Riêng dịch vụ đóng góp lớn nhất vào mức tăng GRDP, khi tăng 5,67% so với cùng kỳ.

Theo ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP HCM, từ đầu năm đến nay, tiêu dùng nội địa là động lực tăng trưởng chính của địa phương. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 871.198 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ.

“Đây là điểm sáng thay thế cho xuất nhập khẩu suy giảm (9 tháng giảm 14,2%). Tăng trưởng tiêu dùng nội địa nhờ thời gian qua thực hiện tốt các chương trình kích cầu mua sắm, khuyến mãi tập trung”, ông Hoàng nói.

Tăng trưởng GRDP của TP.HCM.
Tăng trưởng GRDP của TP.HCM.

Hoạt động sản xuất công nghiệp chưa thực sự mạnh mẽ nhưng liên tục được cải thiện. Tính chung 9 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tăng 3,2% so với cùng kỳ. Theo ông Hoàng, tín hiệu đáng mừng là đã 3 tháng liên tiếp có IIP tăng trưởng trên 2%. IIP tích cực sẽ góp phần duy trì thị trường nội địa, dù so với trước dịch (năm 2019), nền sản xuất của thành phố chỉ bằng 96,17%.

Hai trợ lực khác cũng giúp kinh tế TP HCM tiếp tục cải thiện gồm giải ngân đầu tư công và tác động từ các chính sách miễn, giảm, giãn thuế cho doanh nghiệp.

Giải ngân đầu tư công 9 tháng đạt 20.523 tỷ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nếu so với chỉ tiêu đề ra mới đạt hơn 30% kế hoạch năm. Trong khi đó, mục tiêu cho 6 tháng phải đạt 35% và cả năm phải đạt 95% của tổng số vốn được phân bổ là 68.487 tỷ đồng.

“Hiện có dấu hiệu giải ngân đầu tư công đang chậm lại, quý III giải ngân 7.000 tỷ đồng, chỉ bằng một nửa của quý II. Đây cũng là áp lực cho quý IV”, ông Hoàng nhận định.

Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP HCM, phát biểu tại phiên họp tổng kết tình hình kinh tế – xã hội TP HCM 9 tháng đầu năm sáng 28/9.

Từ nay đến cuối năm, TP HCM cũng đối mặt một số thách thức. Số doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng là 37.224, tăng về lượng nhưng giảm về số vốn đăng ký. Doanh nghiệp giải thể giảm nhưng tạm ngưng hoạt động tăng. Cũng trong giai đoạn này, thu hút vốn đầu tư nước ngoài giảm 34,1%, đạt gần 2 tỷ USD.

Theo ông Nguyễn Khắc Hoàng, kinh tế quý II, III khởi sắc nhưng để hoàn thành kế hoạch năm thì áp lực quý IV rất lớn. Nếu muốn GRDP 2023 tăng trưởng 7,5%, quý cuối cần tăng 15%. Còn kỳ vọng tăng trưởng ở mức 6,5% hoặc 5,5% thì cũng cần kết quả 3 tháng cuối năm lần lượt là 11% và 9%.

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP HCM, cũng đánh giá GRDP năm nay khó đạt được mục tiêu 7,5-8%. Bởi lẽ, nếu GRDP quý IV đạt hai con số thì cũng chỉ mới giúp tăng trưởng cả năm xấp xỉ 7%.

Theo ông, trong lúc những khó khăn của địa phương chưa giải quyết xong, tình hình thế giới ít nhiều bất lợi, như tăng trưởng Trung Quốc chậm lại, chính sách lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), nhu cầu yếu của châu Âu. Do đó, ngoại thương và thu hút FDI dự báo sắp tới vẫn giảm. Những điều này tác động đến xuất – nhập khẩu, lạm phát và tiêu dùng của TP HCM.

Nếu kéo dài thêm 1-2 năm, theo ông, càng khó khăn. “Lúc này, thành phố cần nỗ lực nhiều hơn để hỗ trợ doanh nghiệp giữ được thị trường hiện có, đồng thời tìm thị trường mới, đặc biệt, Mỹ, Canada đang rất mở cửa”, ông Hoan nói.

Đánh giá chung, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng kết quả tăng trưởng 9 tháng qua vẫn rất “đáng mừng” trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực còn phức tạp, khó lường; kinh tế toàn cầu bấp bênh. Trong khi đó, TP HCM có độ mở thương mại lớn, giao lưu hội nhập sâu rộng nên chịu tác động trực diện.

Về giải pháp, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết Thường vụ Thành ủy sẽ họp bàn cách cải thiện đầu tư công, đầu tư tư nhân và nước ngoài, cũng như tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc vào trung tuần tháng 10. “Việc mua sắm công, chi tiêu tiết kiệm, xài đúng, xài kỹ là hoan nghênh nhưng chi cho hoạt động cần thiết chung cũng là trách nhiệm”, ông nói thêm.

Về mua sắm công và chi tiêu công, người đứng đầu TP.HCM cho rằng tiết kiệm là hoan nghênh, xài đúng, xài kỹ, thậm chí không xài trong lúc khó khăn cũng hoan nghênh nhưng chỉ áp đối đối với cá nhân. Còn chi cho đầu tư phát triển, chi cho cái chung thì phải thực hiện, nếu không làm thì phải chịu trách nhiệm. “Có tiền mà không xài là đáng trách”, Bí thư Nguyễn Văn Nên nói.

Ông cho rằng cần tiếp tục kích cầu tiêu dùng nội địa, du lịch và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khơi vòng dòng vốn và giải quyết vướng mắc về đất đai. Ông lưu ý trong giai đoạn đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng, TP HCM vẫn sẽ tiếp tục nỗ lực tối đa nhưng không đặt nặng việc chạy theo con số mà phải có tầm nhìn phát triển lâu dài cho trung – dài hạn.

Để kinh tế TP HCM các tháng cuối năm nối đà đi lên, ông Nguyễn Khắc Hoàng, người đứng đầu Cục Thống kê cho rằng cần tiếp tục phát huy lĩnh vực dịch vụ. “Tổng cầu nội địa hiện khá thấp so với tiềm năng, bình thường tăng đến 13% nhưng hiện chỉ quanh 8%, nên cần tập trung triển khai các chương trình khuyến mãi quy mô lớn, tập trung và dài hạn. Cùng với đó, đẩy mạnh tăng giải ngân đầu tư công trong quý IV để thúc đẩy tăng trưởng và tạo tiền đề cho năm 2024”, ông Hoàng nhận định.

Ông Trương Minh Huy Vũ, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, góp ý ngoài offline thì đẩy mạnh hơn kích cầu ở kênh online, tại các sàn thương mại điện tử. Cùng với đó, chi tiêu công và đầu tư công cũng phải tăng tốc trong quý IV để động lực kích cầu và sản xuất.

Đông Duy

Đọc nhiều