Kinh tế ngấm đòn tệ hại, Trung Quốc muốn hàn gắn quan hệ với Mỹ

17/09/2019 18:46

Đà tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc ngày càng tệ hơn. Điều đó sẽ khiến Bắc Kinh có động lực để hàn gắn quan hệ với Mỹ và triển khai các biện pháp kích thích nền kinh tế.

Hôm 16/9, Trung Quốc công bố số liệu cho thấy sản xuất công nghiệp – chỉ số quan trọng của nền kinh tế – trong tháng 8 chỉ tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, trong khi chỉ số tăng của tháng 7 là 4,8%, mức yếu nhất trong 17 năm qua.

Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị nối lại đàm phán.
Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị nối lại đàm phán.

Sản xuất công nghiệp là chỉ số quan trọng vì nó đo lường đầu ra của các doanh nghiệp chủ chốt ở Trung Quốc trong các ngành chế tạo, khai khoáng và mặt hàng thiết yếu. Số liệu mới nhất còn tệ hơn mức tăng trưởng 5,2% mà các nhà phân tích dự đoán.

Một số liệu khác do Tổng cục thống kê Trung Quốc công bố ngày 16/9 cũng ảm đạm. Tăng trưởng bán lẻ ở mức 7,5% trong tháng 8, thấp hơn mức 7,6% của tháng 7.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang gặp khó khăn vì cuộc chiến thương mại với Mỹ. Trung Quốc cũng đang đối mặt với nhiều thách thức trong nước khi cố gắng bớt dựa vào nợ để nuôi tăng trưởng.

Số liệu mới được công bố vào thời điểm căng thẳng thương mại với Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuần trước, Trung Quốc thông báo sẽ không tăng thuế lên mặt hàng đậu nành và thịt lợn Mỹ. Đó là một trong nhiều bước đi của cả hai bên nhằm hạ nhiệt tình hình trước khi nối lại đàm phán.

Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị nối lại đàm phán.
Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị nối lại đàm phán.

Số liệu không mấy khả quan trong tháng 8 cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với rủi ro lớn hơn khi chiến tranh thương mại kéo dài, ông Ken Cheung Kin Tai, chiến lược gia trưởng về ngoại hối tại ngân hàng Mizuho ở Hong Kong, đánh giá. “Trong bối cảnh này, đúng là hợp lý khi Trung Quốc bớt cứng rắn trong đàm phán thương mại” và đưa ra kế hoạch kích thích kinh tế trong mấy tuần qua”, ông Cheung nói thêm.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc gần đây có nhiều biện pháp kích thích kinh tế. Đầu tháng này, tỷ lệ dữ trự bắt buộc đối với các ngân hàng được giảm xuống, lần đầu tiên trong vòng 8 tháng qua.

Cũng trong tháng 8, ngân hàng trung ương Trung Quốc đưa ra quy định về lãi suất cơ bản mới để hỗ trợ tăng trưởng và việc làm. Tỷ lệ lãi suất sẽ được chốt cho từng tháng. Ông Cheung nói rằng Trung Quốc có thể đưa mức lãi suất thấp hơn vào cuối tuần này.

Trung Quốc cũng để đồng nhân dân tệ giảm giá xuống mức thấp nhất trong hơn 1 thập kỷ. Nhưng đồng tiền yếu đi có thể không bù đắp được những thiệt hại do thuế cao và nhu cầu toàn cầu đi xuống. Ông Martin Lynge Rasmussen, một chuyên gia nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc tại quỹ Capital Economics, đánh giá. Ông cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong các tháng tới.

Chuẩn bị gặp lại

Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng tài chính Trung Quốc Liêu Mân sẽ sang Mỹ để tham gia đàm phán thương mại trong ngày mai (18/9), hãng thông tấn Trung Quốc Xinhua vừa đưa tin.

Ông Liêu sẽ dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc sang Washington để chuẩn bị cho cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc với Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng tài chính Mỹ Steven Mnuchin.

Ông Liêu còn là phó chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban trung kinh tế và tài chính trung ương, một cơ quan thuộc Đảng chịu trách nhiệm giám sát hoạt động kinh tế. Đây là lần đầu tiên ông Liêu đóng vai trò trưởng đoàn trong đàm phán cấp cao.

Trong tháng này, ba ông Lưu, Lighthizer và Mnuchin đã có một cuộc điện đàm và đồng ý sẽ gặp nhau trong tháng 10. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã thông báo sẽ hoãn tăng thuế từ ngày 1-15/10.

Hôm qua, ông Lighthizer phát biểu trước các lãnh đạo doanh nghiệp rằng vẫn còn nhiều việc cần làm để đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, giám đốc Phòng thương mại Mỹ Tom Donohue cho biết.

“Ông ấy nói đây là một thách thức phi thường, và mọi chuyện tan vỡ từ vài tháng trước khi họ đã tiến rất gần, rất gần thỏa thuận”, ông Donohue nói trong cuộc họp báo ngày 16/9.

Ông Donohue cho biết ông Lighthizer không nhắc đến khả năng đi đến một thỏa thuận tạm thời để xuống tham căng thẳng, bằng cách trì hoãn gia tăng thuế thêm nữa.

Tiến trình đàm phán chiến tranh thương mại đổ vỡ từ đầu tháng 5 sau khi phía Mỹ nói Bắc Kinh đi lùi những cam kết mà họ đồng ý trước đó về việc sẽ thực hiện nhiều thay đổi đáng kể trong luật để giải quyết bận tâm của Mỹ về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ ép buộc.

Khi hai ông Lighthizer và Mnuchin đến Thượng Hải vào tháng 7, Trung Quốc không có bước đi nào nhằm đáp ứng đòi hỏi của phía Mỹ, khiến ông Trump nổi giận.

“Ông ấy rõ khá rõ rằng chúng ta mỗi lúc chỉ có thể bước thêm một bước, nhưng phải có được một thỏa thuận thực sự”, ông Donohue dẫn lại lời ông Lighthizer.

“Theo suy nghĩ của tôi, một thỏa thuận thực sự không phải sẽ là mua thêm nông sản hay làm những điều nhỏ nhỏ khác, mà phải là những cuộc bàn bạc hiệu quả”, ông Donohue nói.

BÌNH GIANG/ Tiền Phong/CNN, SCMP

Đọc nhiều