86
topics
573117

Kinh tế khởi sắc: Có vấn đề gì phải tấn công phát biểu của Thủ tướng?

An Diễm 10/12/2021 18:49

Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ hôm 2/12 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhận xét rằng nền kinh tế đang khởi sắc sau gần hai tháng thực hiện các quy định về sống chung với dịch bệnh. Lập tức Đài Á châu tự do (RFA) lao vào chê bai phát biểu của người đứng đầu Chính phủ là ngộ nhận và nóng vội.

Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng đưa ra nhận định này. Theo Báo cáo của Bộ kế hoạch & Đầu tư, trong tháng 11, cùng với kiểm soát dịch bệnh, mở cửa từng bước nền kinh tế, các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, chuỗi sinh hoạt xã hội dần được nối lại theo hướng bình thường mới. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát ở mức thấp, cán cân lớn được bảo đảm. Một loạt các chỉ số như CPI, sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu, bán lẻ, dịch vụ… đều tăng mạnh. Số doanh nghiệp đăng ký mới tăng, vốn đầu tư nhà nước tăng, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới cũng tăng. Hết tháng 11, thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 100% dự toán năm, kịp thời đáp ứng các nhiệm vụ chi và nguồn cho phòng, chống dịch cũng như cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách khác.

Trong khi đó, lý lẽ mà RFA đưa ra để vặn vẹo lời phát biểu của Thủ tướng lại hết sức cảm tính. Họ mượn lời một ông chuyên gia như sau: “Bắt đầu khôi phục thôi… khởi thế nào được… chưa khởi được… hồi phục thôi…”. Một ông khác thì “Làm sao mà ổn được và nó cũng chưa khởi sắc đâu, dĩ nhiên là nó có khởi động lại nhưng mà còn rất nhiều khó khăn”. Lý lẽ của họ là Quý trước nền kinh tế thiệt hại nên Quý này chỉ có thể dùng từ phục hồi, và dịch bệnh chưa được khống chế. Sau cùng họ kết luận là thiệt hại kinh tế Quý vừa qua do nguyên nhân chủ quan, ngộ nhận về năng lực làm nảy sinh sự “nóng vội” tăng trưởng kinh tế.

Trong tiếng Việt, từ “khởi sắc” có nghĩa là hưng thịnh, tốt tươi hơn trước. Một nền kinh tế đang ảm đạm về dịch bệnh bỗng nhiên hoạt động bình thường và năng động trở lại thì hiển nhiên có thể gọi là “khởi sắc”. Khi hàng quán đã mở cửa, học sinh dần được đến trường, người lao động được đi làm bình thường trở lại thì đó đã được gọi là “khởi sắc”. Các “chuyên gia” này đã hiểu sai ý nghĩa của từ ngữ, lại muốn lấy tiêu chuẩn của riêng mình là muốn nền kinh tế phải phục hồi hơn trước khi xảy ra đại dịch, việc mà chưa có quốc gia nào trên thế giới làm nổi. Họ cũng cần biết là không phải toàn bộ nền kinh tế đều bị ảnh hưởng trong đại dịch, mà có nhiều ngành thậm chí còn ăn nên làm ra.

Ngày 15/10, Vietnam Report công bố  500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam (PROFIT500) năm 2021. Theo báo cáo này, các ngành tài chính, bất động sản – xây dựng và ngành thực phẩm đồ uống tiếp tục hoạt động hiệu quả, bất chấp dịch COVID-19. Các thương hiệu lớn tiếp tục làm ăn có lãi với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận khoảng 10,12%. Trong một bài viết trên trang cá nhân, chuyên gia Đỗ Cao Bảo, phó Tổng giám đốc tập đoàn FPT từng giải thích nguyên do vì sao GDP của cả nước tăng chậm lại nhưng thu ngân sách vẫn tăng cao. Lý do thuyết phục nhất được đưa ra là các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do đại dịch đa số là doanh nghiệp nhỏ, ít đóng góp vào thu ngân sách, còn hầu hết doanh nghiệp lớn vẫn duy trì được sản xuất kinh doanh, đem lại lợi nhuận cao.

Bản thân các doanh nghiệp lớn cũng là những công ty có khả năng phục hồi nhanh sau đại dịch, ví dụ các công ty FDI và khu công nghiệp. Chỉ cần có chính sách nới lỏng giãn cách xã hội, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động thì việc phục hồi và tăng trưởng cao hơn mức trước đại dịch là hoàn toàn khả thi. Hiện nay, Chính phủ cũng đang chuẩn bị các gói kích thích hỗ trợ phục hồi kinh tế xã hội, và khi được ban hành thì tác động sẽ rất lớn đến toàn xã hội. Điều đặc biệt là theo dự đoán của Ngân hàng thế giới cùng nhiều cơ quan khác, GDP của Việt Nam cả năm nay có thể tăng khoảng 2-2,5%, năm sau từ 6-6,5%. Tuy không cao như kỳ vọng, nhưng vẫn là tăng trưởng hơn năm trước, và một lần nữa, điều này chứng minh cho nhận định “nền kinh tế đang khởi sắc” của Thủ tướng là hoàn toàn chính xác.

Khó có thể trách các chuyên gia kinh tế khi họ chỉ đơn thuần là những nhà chuyên môn, không có cái nhìn vĩ mô như người làm chính sách. Điều tệ hại là những phát ngôn của họ bị các thế lực cơ hội lấy làm cớ để phản biện và chê bai phát biểu của Thủ tướng. RFA dường như không cần hiểu ý các chuyên gia, không cần hiểu ý của Thủ tướng, họ chỉ cần một cái cớ để đâm bị thóc chọc bị gạo mà thôi.

An Diễm

Đọc nhiều