Kiều bào trong sự hùng cường của đất nước

Phạm Khoa 17/01/2023 06:13

5 năm gần đây, lượng kiều hối gửi về Việt Nam liên tục tăng, năm sau luôn nhiều hơn năm trước. Ngoài ra, thành công của nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước có phần đóng góp quan trọng từ các trí thức Việt kiều. Công sức đó đã luôn được trân trọng.

Kiều bào về quê ăn Tết

Theo thống kê sơ bộ từ Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), cộng đồng người Việt ở nước ngoài trải rộng trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 5,3 triệu người, 98% trong số đó tập trung ở 21 nước tại Bắc Mỹ, Châu u, Đông Bắc Á, Đông Nam Á, và Châu Đại Dương.

Đây là một lợi thế cực kỳ quý giá làm động lực cho Việt Nam lan tỏa ảnh hưởng của quốc gia, và nhận lại nguồn kiều hối và chất xám quan trọng phục vụ cho công cuộc kiến thiết và phát triển đất nước.

Về kiều hối theo tổng kết năm 2022, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư (KNOMAD) dự báo lượng kiều hối về Việt Nam tăng 4,4% so với năm 2021.

Kiều hối tăng đã góp phần tăng dự trữ ngoại hối quốc gia; giảm sức ép tăng tỷ giá của đồng đô la, hạn chế sự phụ thuộc nguồn vốn từ nước ngoài và lãi suất cao; góp phần bù đắp sự thâm hụt cán cân thương mại; tăng nguồn vốn đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy kinh tế, chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, kiều hối còn tham gia vào công cuộc cải thiện an sinh xã hội, đầu tư cho y tế, giáo dục, văn hóa – xã hội và nhà ở.

WB và KNOMAD đã từng công bố các nghiên cứu về kiều dân, và chứng minh rằng chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp kiều bào thường có hiệu quả hơn các doanh nghiệp FDI, thậm chí hơn cả các doanh nghiệp đa quốc gia.

Thực tế là những điều đã được báo cáo trong các nghiên cứu trên của WB và KNOMAD chính xác với Việt Nam, một trong 10 nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới. Có thể nói Việt kiều đã chung tay giữ ổn định kinh tế nước nhà trong 3 năm nay, khi dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế thế giới liên tiếp xảy ra.

Đó là lý do tại sao bên cạnh chính sách ưu tiên xuất khẩu hàng hóa có giá trị thặng dư cao, tăng cường xuất khẩu lao động, thì công tác thu hút kiều hối từ Việt kiều rất được Chính phủ xem trọng. Cụ thể là hiện nay, luật pháp Việt Nam đã đã cho phép kiều bào được lựa chọn đầu tư như nhà đầu tư FDI hoặc nhà đầu tư trong nước. Nhiều Việt kiều đã mạnh dạn chọn hình thức là nhà đầu tư trong nước, và, và chuyển vốn về nước làm ăn qua kênh kiều hối.

Về nguồn lực chất xám, đáp ứng lời kêu gọi đóng góp kiến thức và kinh nghiệm cho đất nước hàng năm, có khoảng gần 500 lượt chuyên gia, trí thức Việt kiều về nước, tham gia vào hoạt động xây dựng và hoạch định chính sách. Trong đó, nổi bật là công tác tư vấn cho các ngành, lĩnh vực phát triển mới của Việt Nam, như: công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng sạch… Các trường đại học, trung tâm nghiên cứu, viện nghiên cứu trong nước thời gian qua đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ, cộng tác chuyên môn của các nhà khoa học, giáo sư, giảng viên Việt kiều.

Một số công trình hợp tác tiêu biểu như: Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành ICISE tại Quy Nhơn (Giáo sư Trần Thanh Vân – kiều bào Pháp); Viện Khoa học và Công nghệ tính toán thành phố Hồ Chí Minh (Giáo sư Trương Nguyện Thành – kiều bào Mỹ, 2007-2016); Trường Doanh thương Trí Dũng (Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng – kiều bào Nhật)…

Một mùa xuân mới lại về. Năm Quý Mão dù còn không ít khó khăn thử thách, do tình hình kinh tế thế giới suy thoái, nhưng vẫn có cơ sở vững chắc để tin rằng, cùng với sự đồng hành của những người con xa xứ, Việt Nam sẽ trở thành một đất nước thịnh vượng.

Phạm Khoa

Đọc nhiều