4
category
417390

Kiến nghị miễn tiền thuê mặt biển với các dự án điện gió

06/08/2020 19:30

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành kiến nghị về việc vướng mắc thu tiền các dự án điện gió trên mặt biển.

Theo Thông tư 198/2015/TTLT-BTNMT-BTC của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính quy định “sử dụng khu vực biển để khai thác năng lượng gió” là hoạt động sử dụng khu vực biển phải nộp tiền sử dụng khu vực biển, trong khi đó, điện gió trên bờ được miễn phí diện tích các trụ gió, còn thông tư này nếu có tính tiền sử dụng mặt biển chỉ nên tính tiền diện tích của trụ gió với diện tích các đường dây cáp ngầm dưới biển, không nên tính toàn bộ diện tích khu vực biển của dự án điện gió.

Một dự án điện gió công suất 120 MW dự kiến phải trả mức tiền thuê mặt biển 315 tỷ đồng/50 năm.

Nếu tính như trên thì tiền trả cho toàn bộ diện tích điện gió lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng, nhà đầu tư không có tiền để đầu tư dự án trên biển.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn, TGĐ CTCP TTP Phú Yên (TPPPY) đại diện cho Tập Đoàn B.Grimm Power 2 tại Việt Nam cho biết, chính sách hỗ trợ với dự án điện mặt trời thì được miễn phí tiền thuê đất nhưng với dự án điện gió doanh nghiệp phải bỏ tiền thuê mặt biển.

“Với dự án điện gió tại Trà Vinh mà Tập đoàn B.Grimm đang nghiên cứu và khảo sát công suất 120 MW với khu vực triển khai dự án dự kiến là là khoảng 2100 ha đang dự kiến phải trả mức giá thuê mặt biển tối thiểu 3 triệu đồng/1ha/năm, Như vậy doanh nghiệp sẽ phát sinh chi phí khoảng 6,3 tỷ đồng/năm, tương đương mức 315 tỷ đồng/50 năm triển khai dự án. Đó là số tiền không hề nhỏ với một dự án điện gió vốn đã yêu cầu mức đầu tư cao hơn điện mặt trời. Điều này khiến tổng mức đầu tư điện gió vốn đã cao nay lại gia tăng thêm”, ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.

Trong khi đó, VEA khẳng định, hiệu quả phát điện của điện gió trên biển cao gấp 3 đến 4 lần so với điện mặt trời, mặt khác không chiếm diện tích nhiều như điện mặt trời.

Diện tích cũng chỉ có trụ móng đỡ tua bin và hành lang cáp dẫn điện ở dưới biển – đây là những dự án cách bờ 1 đến 10 km chưa tính tới dự án ngoài khơi cách bờ 30 km đến 50 km.

Bên cạnh đó, phát triển điện gió trên biển – một nguồn năng lượng có hiệu quả cao, không gây ảnh hưởng tới môi trường về sinh vật biển và tài nguyên trên biển, lòng đất dưới đáy biển…

Vì vậy, VEA đánh giá quy định của Thông tư 198/2015/TTLT-BTNMT-BTC chưa đúng với thực tế cuộc sống đang diễn ra cần phải sửa đổi sớm, vì vậy, VEA kiến nghị cần ra quy định mới.

Theo đó, kiến nghị thứ nhất, quy định rõ diện tích sử dụng khu vực biển của dự án điện gió trên biển là diện tích của trụ móng tua bin, gồm cả diện tích bảo vệ móng, diện tích đặt các thiết bị đồng bộ tại chân cột điện gió, các đường cấp ngầm đấu nối (tương tự như dự án điện gió trên đất liền).

Thứ hai, năng lượng gió trên biển không nên coi là tài nguyên biển, việc khai thác năng lượng gió trên biển không phải là việc lấy, hoặc sử dụng tài nguyên biển, chỉ có diện tích móng trụ tua bin như nêu trên.

Thứ ba, miễn tiền sử dụng khu vực biển đối với tổng diện tích của móng trụ tua bin gió, bao gồm cả diện tích bảo vệ móng, diện tích đặt các thiết bị đồng bộ tại chân cột điện gió, các đường cấp ngầm đấu nối điện gió (như đối với các dự án điện gió trên đất liền), có như vậy mới khuyến khích được phát triển điện gió trên biển.

Việt Nam có bờ biển dài trên 3.200 km, lưu vực biển rộng lớn, nếu khai thác được điện gió trên biển sẽ tạo ra một nguồn năng lượng sạch cho phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đúng chủ trương của Đảng và Chính phủ đề ra.

Thứ tư, việc sửa đổi theo nội dung nói trên sẽ đem lại sự công bằng giữa các dự án điện gió, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng quy định tại Khoản 4, Điều 5 Luật Đầu tư năm 2014.

Tags :
Đọc nhiều