Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ – Xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”

26/09/2019 17:03

Nhiệm vụ hết sức cấp bách hiện nay là hoàn thiện thể chế để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống “chạy chức”, “chạy quyền”. Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền và được Tổng bí thư ban hành ngày 23/9.
Quy định nêu 6 hành vi chạy chức, chạy quyền

Hành vi chạy chức, chạy quyền đầu tiên là tiếp cận, thiết lập quan hệ, hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

Hành vi chạy chức, chạy quyền cũng được thể hiện ở việc tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, nhất là các dịp lễ tết, sinh nhật và các cơ hội khác, sử dụng danh nghĩa tình cảm cá nhân hoặc danh nghĩa tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân khác để tặng quà, tiền, bất động sản; sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho cán bộ lãnh đạo, người có thẩm quyền hoặc người có liên quan nhằm mục đích được sự ủng hộ, tín nhiệm, được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

tbtnguyenphutrong
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 205-QĐ/TW

Người chạy chức, chạy quyền còn có thể lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ hoặc thông tin bất lợi của tổ chức, cá nhân để đặt điều kiện, gây sức ép đối với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, đề cử, bổ nhiệm mình.

Hành vi chạy chức, chạy quyền khác được chỉ ra là dùng lý lịch, xuất thân gia đình, thành tích công tác của bản thân để mặc cả, cài đặt điều kiện, đòi hỏi vô lý đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi…

Hay việc sử dụng các hành vi tiêu cực khác nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

Quy định nêu 8 nhóm hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền

Biết nhân sự có hành vi chạy chức, chạy quyền nhưng che giấu, thoả hiệp, không xử lý theo thẩm quyền hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.

Không xử lý theo thẩm quyền quy định hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý khi nhận được đơn, thư phản ánh, tố cáo nhân sự có hành vi chạy chức, chạy quyền.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định hoặc tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự theo ý mình.

Xác nhận, chứng thực, nhận xét, đánh giá không đúng sự thật hoặc làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ nhân sự, kết quả bầu cử, lấy phiếu giới thiệu, phiếu tín nhiệm, thi tuyển nhằm có lợi cho nhân sự hoặc để đạt mục đích cá nhân.

Hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền còn thể hiện ở việc trì hoãn, không thực hiện khi thấy bất lợi hoặc chọn thời điểm có lợi đối với nhân sự theo ý mình để thực hiện quy trình công tác cán bộ…

Trực tiếp hoặc gián tiếp nhận hối lộ nhằm giúp cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi không chính đáng. Trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ, môi giới cho nhân sự thực hiện các hành vi chạy chức, chạy quyền nêu tại Điều 10 Quy định này. Các hành vi khác nhằm bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.

Xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền và bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền

Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chạy chức, chạy quyền hoặc bao che, tiếp tay sẽ bị kỷ luật theo quy định hiện hành; các trường hợp khiển trách, cảnh cáo hoặc cách chức thì bị đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ với thời hạn lần lượt là 18 tháng, 30 tháng và 60 tháng; không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra. Trường hợp bị khai trừ ra khỏi Đảng thì xem xét buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.

Theo quy định, đối với các hành vi chạy chức, chạy quyền hoặc bao che, tiếp tay liên quan đến việc đưa, nhận hối lộ hoặc các vi phạm khác đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định pháp luật; nghiêm cấm giữ lại để xử lý hành chính.

Có thể thấy việc ngăn chặn kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ trong nhiều năm qua đã giúp xây dựng một bộ máy chính trị, đảng viên, công chức, viên chức trở nên liêm chính, chính trực và trong sạch hơn bao giờ hết. Hàng loạt các sai phạm, đại án tham nhũng kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của mọi tầng lớp nhân dân, làm rung động sào huyệt của các nhóm lợi ích đồng bọn tham nhũng.

Có thể điểm qua một số vụ đại án đang được xét xử như: đại án xử lý nhiều nhân vật cộm cán có nhiều vi phạm nghiêm trọng tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), Công ty cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land); mua bán AVG…

Trong các ngành công an, quân đội, lĩnh vực lâu nay vẫn bị coi là “vùng cấm”, “vùng nhạy cảm”, ai cũng nghĩ khó mà đụng vào nhưng nay đã khởi tố nhiều vụ án tham nhũng “khủng” liên quan tới Vũ “nhôm”, vụ án liên quan tới Út “trọc”, vụ án đánh bạc nghìn tỷ qua mạng liên quan tới cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh, cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa…

Kết quả phòng chống tham nhũng trong thời gian qua có thể nhận thấy những thông điệp mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước – Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị đang nỗ lực trong suốt thời gian qua được khẳng định, được coi như kim chỉ nam xuyên suốt công cuộc PCTN

Chân lý không có vùng cấm trong phòng chống tham nhũng: Việc khởi tố các vụ đại án và cùng với đó, nhiều cá nhân, lãnh đạo cao cấp đương nhiệm hoặc đã nghỉ hưu, có người trong ngành công an, quân đội, có người là Chủ tịch, Bí thư các tỉnh và có cả những người là Bộ trưởng đương nhiệm, thậm chí cả cán bộ cấp cao của Đảng là Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị… cho thấy tinh thần “không có vùng cấm”, ai có sai phạm đều phải bị xử lý nghiêm minh, mọi người dân thường đến cán bộ cấp cao đều phải bình đẳng trước pháp luật.

Câu chuyện kiểm soát quyền lực không phải là mới, nhưng thực tiễn xã hội vừa qua đã cho thấy, kiểm soát quyền lực nổi lên là yêu cầu hết sức cấp bách. Chính đồng chí Tổng Bí thư thẳng thắn cho rằng, hiện nay, cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả chưa cao; việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình còn hạn chế; hiện tượng chạy chức, chạy quyền còn diễn biến tinh vi, phức tạp.

Người đứng đầu Đảng cũng đề cập hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn. Đó là nhìn thẳng vào sự thật, thể hiện trách nhiệm với Đảng, với nhân dân.

Hơn nữa, chúng ta đang hào hứng nói đến cách mạng 4.0, đó là điều đáng mừng, song không thể bỏ qua yếu tố trung tâm của mọi cuộc cách mạng, đó là con người. Nếu một cán bộ có chức, có quyền, làm chủ công nghệ với sức mạnh vượt trội mà lại không tâm huyết, vì dân, vì nước, lại tham vọng quyền lực thì hậu quả sẽ rất khó lường.

Chính vì thế, kiểm soát quyền lực cho hiệu quả không chỉ là yêu cầu cấp bách nhằm ngăn chặn kịp thời các kẽ hở, lỗ hổng đã và đang được nói đến, mà còn là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược cho tương lai của đất nước.

Phạm Minh Hà

Đọc nhiều