86
topics
568501

“Kịch bản drama” rẻ tiền về nội bộ đảng của đối tượng chống phá cộm cán

An Diễm 24/11/2021 15:45

Chống phá, xuyên tạc về vấn đề nhân sự là một thủ đoạn mà các thế lực thù địch, cơ hội chính trị tiến hành thường xuyên hòng bôi nhọ uy tín, chia rẽ gây mất đoàn kết và xuyên tạc tình hình Việt Nam.

Chân dung đối tượng chống phá Bùi Thanh Hiếu (Người Buôn gió).

Những ngày gần đây, các đối tượng chống phá mà nổi bật là Bùi Thanh Hiếu (biệt danh “Người buôn gió”) đang liên tục tung ra các thông tin xuyên tạc liên quan đến vấn đề nhân sự của Đảng, mà cụ thể là các vị trí của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Theo dõi trên trang cá nhân của y, có thể thấy theo thời gian, càng ngày y càng “chế” ra nhiều câu chuyện xuyên tạc, bịa đặt xung quanh “kịch bản” này.

Chiêu trò “thuyết âm mưu” của Bùi Thanh Hiếu.

Công tác nhân sự là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Đảng luôn xác định công tác cán bộ là khâu “then chốt” của việc xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Việc luân chuyển, điều động cán bộ là hoàn toàn bình thường, phục vụ công tác cán bộ trong giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, qua lăng kính của các đối tượng cơ hội chính trị, nó đã bị biến tướng trở thành kết quả của những màn “đấu đá nội bộ”, “tranh giành quyền lực” giữa các “phe cánh”. Lập luận của các đối tượng đưa ra là hoàn toàn vô căn cứ. Tuy nhiên, dưới sự dẫn dắt, hướng lái thông tin theo kiểu “dây cà ra dây muống”, “lập lờ đánh lận con đen”, kết hợp những tình tiết “drama” kiểu phim ảnh thị trường tràn lan hiện nay, những luận điệu này có thể tiếp cận, tác động đến không ít người.

Hơn ai hết, Đảng luôn nhận thức rất rõ về vị trí, vai trò của bản thân mình. Để giữ vững vị trí là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng ta không ngừng tự đấu tranh, rèn luyện để ngày càng hoàn thiện hơn. Trong đó, vấn đề nhân sự được đặc biệt chú trọng vì cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Mục tiêu cao nhất trong công tác cán bộ là lựa chọn đúng những người thực sự tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, đạo đức và lối sống, năng lực trí tuệ và trình độ tổ chức thực tiễn, được tín nhiệm để đủ sức tiếp nối lãnh đạo sự nghiệp cách mạng.

Cũng cần biết, những câu chuyện bịa đặt như của “Hiếu gió” không phải là mới. Do sự hiệu quả trong công tác lựa chọn cán bộ của Đảng, nhiều lãnh đạo trước đây ít được chú ý nhưng sau khi được đặt vào cương vị mới thì hoàn thành xuất sắc công việc. Đơn cử như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi chưa lên Thủ tướng thì ít người dân để ý, nhưng sau khi ông hoàn thành một nhiệm kỳ xuất sắc với nhiều thành tựu thì có thể nói hiện nay có rất nhiều người dân có cảm tình với ông. Từ cảm tình riêng, tất yếu không ít người cũng mong “thần tượng” của mình lên được đến những vị trí cao nhất. Đây là tình cảm đáng trân trọng mà thiết nghĩ ai cũng mong mỏi nhận được. Nhưng đây cũng chỉ là những tình cảm cá nhân, không ai có thể đoán biết trước điều gì, và càng không thể là cái cớ cho những đối tượng như “Hiếu gió” bịa đặt, chế “kịch bản” để mua vui cho thiên hạ.

Nghiêm trọng nhất trong những bài đăng của Hiếu là còn về đời tư của các lãnh đạo cấp cao. Có thể nói, đối tượng khá “tài tình” khi đánh vào tâm lý tò mò và cảm tình cá nhân của nhiều người, gây nhiễu loạn thông tin, sau đó tranh thủ gài cắm thêm nhiều thông tin bịa đặt theo kiểu phim thị trường với những tình tiết “drama” rẻ tiền. Mục đích của chúng nhằm tạo ra sự mất đoàn kết nội bộ, giảm uy tín của các lãnh đạo cấp cao, gây dao động về tư tưởng chính trị trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, từ đó làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Hơn lúc nào hết, mỗi người trong chúng ta cần nêu cao tinh thần cảnh giác với những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động, nhất là trên mạng xã hội, kịp thời phản bác để góp phần củng cố niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng.

An Diễm

Đọc nhiều