Kịch bản đàm phán Mỹ-Triều trước thềm năm mới

02/12/2019 06:19

Những dự báo trái chiều được đồn đoán xoay quanh cuộc đàm phán Mỹ-Triều trước thềm năm mới 2020.

Trong bài phát biểu năm mới 2019, chủ tịch CHDCND Triều Tiên đã cảnh báo việc Mỹ tiếp tục gây áp lực đơn phương và duy trì những lệnh trừng phạt sẽ buộc Bình Nhưỡng soạn thảo một chính sách mới. Hình ảnh bí ẩn của ông Kim Jong-un cưỡi con ngựa trắng trên ngọn núi thiêng liêng Paektu phủ đầy tuyết hồi tháng 10 đã dấy lên đồn đoán Triều Tiên sắp đưa ra những quyết sách quan trọng.

Theo lời các quan chức đi cùng ông Kim, quyết sách này sẽ gây chấn động toàn thế giới và thúc đẩy cuộc cách mạng Triều Tiên bước lên tầm cao mới.

Kịch bản đàm phán Mỹ-Triều trước thềm năm mới - ảnh 1
Từ trái sang: Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: BNG MỸ

Mục tiêu của Triều Tiên

Tuần qua, cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều xác nhận Triều Tiên đã phóng tên lửa từ khu vực miền Đông nước này. Đây là lần thứ 13 trong năm nay Triều Tiên tiến hành thử nghiệm vũ khí và lần đầu tiên trong một tháng qua. Động thái này diễn ra giữa giai đoạn Mỹ điều động ba máy bay do thám di chuyển qua bán đảo trong hai ngày liên tiếp.

Trước đó đồng minh châu Á của Mỹ là Hàn Quốc đã rút lại quyết định hủy bỏ hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản.

Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui tuyên bố tuần trước rằng Bình Nhưỡng đã dành nhiều thời gian và biện pháp để xây dựng lòng tin nhưng vẫn chưa có biện pháp tương ứng nào đáp lại. “Mỹ phải chịu trách nhiệm nếu họ không đưa ra các bước tương ứng, đánh mất cơ hội đối thoại ngoại giao trên bán đảo Triều Tiên” – bà Choe khẳng định.

Theo ông Doug Bandow, thành viên cao cấp Viện Cato và từng là trợ lý đặc biệt của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, Triều Tiên có hai mục tiêu chính trong tình hình hiện nay. Đầu tiên là tìm cách đẩy mục tiêu của các cuộc đàm phán ra khỏi phi hạt nhân hóa và hướng tới kiểm soát vũ khí.

Tiếp theo là dựa vào việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phải đối mặt với luận tội và cuộc bầu cử năm 2020, ông Kim sẽ tiếp tục từ chối các đề nghị đàm phán để khiến ông Trump thật sự khát khao một thỏa thuận. Bình Nhưỡng có thể sẽ lên lịch cho một cuộc thử nghiệm tên lửa tầm xa để tăng áp lực đáng kể lên Washington.

Cuối cùng, ông Kim sẽ mỉm cười đề xuất một cuộc họp và yêu cầu giảm nhẹ các lệnh trừng phạt để đổi lấy việc giải trừ những vũ khí tối thượng.

Với những mục tiêu này, Triều Tiên có thể sẽ đưa ra những cảnh báo nguy hiểm với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và hạt nhân nhưng họ sẽ không từ bỏ các cuộc đàm phán đã giành được sự quan tâm và cam kết từ Mỹ, hãng tin AP cho biết.

“Khi năm 2020 cận kề, các phương án chiến lược để đạt được thỏa thuận Mỹ-Triều dần khép lại. Điều này đồng nghĩa với việc kéo dài các lệnh trừng phạt và đi ngược lại với lời hứa của ông Kim với người dân về cứu trợ kinh tế” – ông Stephen Robert Nagy, chuyên gia về châu Á và giáo sư tại ĐH Thiên chúa giáo Quốc tế (Nhật Bản), nhận định.

Trong khi đó, cũng không loại trừ trường hợp Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục tăng cường mối quan hệ với Bắc Kinh và Moscow để đảm bảo nguồn viện trợ từ hai đồng minh, theo nhà phân tích Moon Seong Mook tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc gia Hàn Quốc.

Lối đi nào cho Mỹ và đồng minh?

Về phía Mỹ, có hai sự lựa chọn khá xấu dành cho Washington, theo TS Sue Mi Terry tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS). Đó là đáp ứng yêu cầu của Triều Tiên về cắt giảm các lệnh trừng phạt để đổi lấy sự nhượng bộ không đáng kể từ ông Kim, hoặc chứng kiến Bình Nhưỡng trở lại với các cuộc thử nghiệm vũ khí mạnh mẽ hơn sau thời hạn cuối năm kết thúc.

Mỹ chỉ tìm cách kéo dài thời gian bằng cách giả vờ là họ đã đạt được tiến bộ trong việc giải quyết vấn đề ở bán đảo Triều Tiên. Vì chúng tôi không nhận được gì tương ứng, Triều Tiên sẽ không trao tặng tổng thống Mỹ những gì mà ông ấy có thể khoe khoang nữa.

Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên KIM KYE-GWAN

“Kế hoạch của Triều Tiên là xuất hiện, đàm phán và trì hoãn đàm phán. Và trong khi sử dụng chiến thuật này, họ vẫn tiếp tục cải thiện và mở rộng các chương trình hạt nhân và tên lửa” – bà Terry cho biết.

Ông Robert Kelly, chuyên gia về Triều Tiên tại ĐH Quốc gia Pusan (Hàn Quốc), còn cho rằng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có thể sẽ là cầu nối ngoại giao tốt nhất trong giai đoạn quyết định của đàm phán Mỹ-Triều. Theo đó, ông Moon phải đạt được một thỏa thuận đủ thu hút sự quan tâm của ông Trump tại thời điểm bận rộn này, đồng thời cũng khiến Triều Tiên nhượng bộ đồng ý. Điều đó sẽ phần nào dập tắt những chỉ trích nhắm về Mỹ và đồng minh cũng như tạm hoãn Triều Tiên tung ra những vũ khí tối thượng của họ.

Triều tiên đe dọa đồng minh của Mỹ

Sau lần thử vũ khí mới nhất của Triều Tiên tuần trước, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cáo buộc Triều Tiên đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo, đe dọa Nhật Bản và cộng đồng quốc tế. Truyền thông nhà nước Triều Tiên lập tức đăng tải nội dung phản pháo, đồng thời công kích trực tiếp nhà lãnh đạo Nhật Bản. Nhân vật trong Bộ Ngoại giao Triều Tiên đồng thời cảnh báo “ông Abe có thể thấy tên lửa đạn đạo thật trông như thế nào ở tương lai không xa và nó sẽ nằm ngay trước mũi ông ấy” – theo Japan Times.

HÀ MINH THU/Pháp Luật TP.HCM

Đọc nhiều